Chủ Nhật, 19/5/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 7/11/2018 7:58'(GMT+7)

Chủ động, sáng tạo trong công tác tuyên truyền miệng

Hội nghị Báo cáo viên tháng 10/2018 tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Giang Nam

Hội nghị Báo cáo viên tháng 10/2018 tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Giang Nam

Thực tiễn hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW trong toàn Đảng cho thấy, nhiều cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị đã tích cực nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương thức tiến hành công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, mang lại hiệu quả tích cực, nổi bật, góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào cách mạng.

Những cách làm hay, sáng tạo

Một trong những “điểm sáng” về thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW là Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Định kỳ hàng tháng, Cục Tuyên huấn tổ chức hội nghị bồi dưỡng báo cáo viên toàn quân tại 4 khu vực: Phía Bắc, phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên bảo đảm hiệu quả, thiết thực, an toàn tuyệt đối. Trung bình mỗi năm, Cục Tuyên huấn tổ chức 48 hội nghị báo cáo viên cấp toàn quân cho hơn 6.690 lượt báo cáo viên các cấp của 59 đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng và các đơn vị cơ sở ở địa bàn xã, sở chỉ huy. Hội thi báo cáo viên giỏi toàn quân tổ chức 5 năm/một lần; đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đến cấp cơ sở (trung đoàn và tương đương) tổ chức 5 năm/2 lần. Tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng cấp toàn quân tổ chức định kỳ 2 năm/một lần. Mỗi đợt, cấp toàn quân tập huấn cho khoảng 500 – 600 đồng chí báo cáo viên cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên. 

Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu, Gia Lai, Đắc Lắk… đã biên soạn tài liệu tuyên truyền song ngữ (tiếng Việt và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số) cung cấp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cấp phát tới các chi bộ đảng, thôn, bản. Tỉnh Gia Lai thường xuyên tổ chức tuyên truyền linh hoạt bằng hai thứ tiếng: Việt – Jrai; Việt – Bahnar…

Nhận thức rõ vai trò của tài liệu trong công tác tuyên truyền miệng, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam… chủ động biên soạn tài liệu tham khảo dành cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện và tuyên truyền viên cơ sở.

Đặc biệt, để kịp thời cung cấp thông tin chính thống tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, quận Dương Kinh, huyện Kiến Thụy (thành phố Hải Phòng) đã duy trì câu lạc bộ thông tin thời sự cấp xã trong suốt gần 20 năm qua, sau hội nghị báo cáo viên cấp huyện.

Tỉnh Phú yên chú trọng củng cố và đẩy mạnh hoạt động của câu lạc bộ thời sự từ cấp tỉnh đến cấp xã. Câu lạc bộ thời sự tỉnh duy trì sinh hoạt 1 tháng/1 lần. 9/9 huyện và 112/112 xã, phường, thị trấn đều có câu lạc bộ thời sự, duy trì nền nếp hoạt động 1 quý/1 lần.

Từ năm 2012, khi triển khai thực hiện mô hình tuyên vận, đến nay, tỉnh Lào Cai đã tổ chức hội nghị báo cáo viên cấp cơ sở định kỳ hàng tháng. Tỉnh quy định: Hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh tổ chức sau Hội nghị Báo cáo viên Trung ương 5 ngày; cấp huyện tổ chức sau cấp tỉnh 5 ngày và cấp xã tổ chức sau cấp huyện không quá 10 ngày.

Tỉnh Phú Thọ thường xuyên tổ chức thông tin thời sự cho các cán bộ nghỉ hưu và các đảng viên được tặng huy hiệu Đảng của các huyện, thành, thị đến điều dưỡng tại Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh.

Để có cơ sở thực tiễn trong việc tham mưu cho Thường trực cấp ủy chỉ đạo, định hướng, xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tuyên giáo của địa phương, nhiều năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang duy trì tốt việc tổ chức giao ban tư tưởng sau hội nghị báo cáo viên để nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhìn chung, hội nghị báo cáo viên trung ương, hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh trên cả nước hiện nay đã thực hiện tốt hơn “dân chủ trong thông tin”, chú trọng thông tin hai chiều, tăng cường đối thoại giữa báo cáo viên và người nghe; cung cấp thông tin người nghe cần chứ không chỉ cung cấp thông tin mình có.

Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới

Có thể nói, loại hình tuyên truyền miệng với ưu thế riêng biệt sẽ tiếp tục phát huy tính hiệu quả trong thông tin định hướng ở xã hội bùng nổ thông tin hiện nay và trong thời gian tới. Vì vậy, cần phải tập trung nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng; của mỗi cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, xem đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả loại hình tuyên truyền đặc biệt này.

Cần xác định rõ, công tác tuyên truyền miệng là nhiệm vụ của toàn Đảng, vì vậy tất cả cấp uỷ các cấp từ Trung ương đến cơ sở, các đảng viên hoạt động trên mọi lĩnh vực đều phải có trách nhiệm làm nhiệm vụ tuyên truyền miệng, trực tiếp tham gia tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời thông tin và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân ở nơi công tác và cư trú về các vấn đề quan trọng trong nước và trên thế giới, coi đó là một tiêu chuẩn để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chất lượng công tác của các cấp uỷ, tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất chính trị của mỗi đảng viên. Xác định rõ trách nhiệm ban tuyên giáo là đơn vị chủ trì, đầu mối tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên.

Văn Tiến Bằng

Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất