Chủ Nhật, 28/4/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Năm, 21/6/2018 10:0'(GMT+7)

Đạo đức và pháp quyền - Sự đảm bảo cao nhất trong giám sát, phản biện xã hội của báo chí


*Nên hiểu như thế nào về chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí, thưa đồng chí?
- Cùng với chức năng thông tin; chức năng giáo dục tư tưởng, cổ vũ hành động; chức năng khai sáng và giải trí; chức năng quảng cáo và dịch vụ kinh tế báo chí thì chức năng giám sát và phản biện xã hội giữ vị trí, vai trò rất quan trọng, hợp thành chỉnh thể không chỉ dung mạo, mà còn làm nên hồn cốt, sức mạnh và ảnh hưởng đa diện của nền báo chí chúng ta. Nhìn rộng ra, “phản biện xã hội” là vấn đề quan trọng trong thực thi dân chủ, được khẳng định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI (năm 2011) của Đảng: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”.
Và, nhìn trực diện, ngay trong Khoản 2, Điều 11, Chương II, Luật Báo chí 2016, về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân ghi rõ: Báo chí có quyền “Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Đó là kết quả của một quá trình tìm tòi bền bỉ, khám phá mạnh mẽ và được khẳng định tự nhiên, trên phương diện này. Vì, báo chí của chúng ta cũng chính là tiếng nói của Đảng, của Chính phủ, là diễn đàn của nhân dân; là thước đo trình độ dân chủ của chúng ta; là cây cầu hội nhập của nước ta với thế giới. Không thể hình dung được quy mô phát triển, bản sắc và uy tín sâu rộng của nền báo chí nước ta nhịp bước cùng và vì công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, nếu chức năng này thiếu vắng, hoặc bị coi nhẹ hoặc bị hạ thấp. Đây còn là thước đo khẳng định tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh và sự phát triển không chỉ về tầm vóc, tính chất mà còn là chiều sâu sứ mệnh phục vụ Nhân dân, phụng sự dân tộc, phục vụ Đảng và Chính phủ của nền báo chí nước nhà. Đó cũng chính là con đường phát triển và lớn mạnh của báo chí.

* Dưới góc nhìn của một chuyên gia, nhà báo có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động quản lý cũng như chuyên môn, đồng chí nhận định như thế nào về việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí Việt Nam trong những năm gần đây?
- Trong một “thế giới phẳng”, tôi nhấn mạnh, cố nhiên cả vừa không “phẳng” hiện nay, trong nhu cầu và không khí hội nhập quốc tế một cách chủ động, toàn diện với tư cách là phương tiện siêu “kết nối” của báo chí chính là chân trời phát triển chức năng của báo chí, trực tiếp trên phương diện này, lớn hơn bao giờ hết. Điều đó khiến báo chí ngày càng nhiều cơ hội lĩnh nhiệm một cách xứng đáng chức năng của mình, trước Nhân dân, trước Đảng, Chính phủ và toàn xã hội. Việc nhận định tổng quát về thực hiện chức năng phản biện của báo chí nước nhà là một kỳ công, thuộc về các cơ quan chức năng. Nhưng, bằng sự thẩm nhận cá nhân, có thể khái lược, rằng với công nghệ thông tin hiện đại, việc nghiên cứu, phổ biến và truyền tải những quyết sách của Đảng và Nhà nước tới toàn xã hội là một trong những trọng sự hàng đầu của báo chí cách mạng nước nhà. Xin nhấn mạnh rằng, báo giới không chỉ thuần túy tiếp nhận, tuyên truyền những chủ trương, chính sách, các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh… của Đảng, Chính phủ một cách đơn tuyến, mà thông qua khả năng phân tích, quy tụ trí tuệ toàn xã hội, góp phần khai “kênh” một cách đa tuyến cung cấp cho các nhà hoạch định chiến lược, chính sách và các cơ quan quản lý xã hội ở tất cả các cấp, trong việc thẩm định, thậm chí sửa đổi không ít quyết sách, ngõ hầu tìm những “con đường” ngắn nhất thực thi có hiệu quả cao nhất những quyết sách trên tầm vĩ mô và cả vi mô. Đó chính là trách nhiệm của báo chí.



Bằng góc nhìn độc lập, tranh luận một cách khoa học, giàu tinh thần xây dựng và nhân bản, báo chí phản biện nhiều vấn đề nóng bỏng mà quốc gia phải gánh vác, dư luận xã hội quan tâm. Song hành với các nhà chuyên môn có uy tín trên các lĩnh vực, giới báo chí dũng cảm và sáng tạo, với trọng trách xây dựng cao cả, giúp cho Đảng, Nhà nước tiếp thu điều chỉnh lại nhiều chủ trương, quyết sách có lợi cho sự phát triển đất nước và lợi ích của Nhân dân. Với sự nỗ lực không ngừng của báo chí, xã hội và Nhân dân ghi nhận, nâng niu và bảo vệ dũng khí trước sự thật, những góc nhìn thẳng vào sự thật của đông đảo người cầm bút trong sứ mệnh cao cả nói tiếng nói của ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Qua đó, phát hiện những trở lực trên con đường phát triển của quốc gia, góp phần nâng đỡ và tạo ra sức mạnh của dư luận xã hội đấu tranh chống lại những “phản động lực”, thậm chí những “cục nghẽn mạch” kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm tổn hại Nhân dân.

Qua đây, rõ ràng, bản lĩnh và sự dũng cảm, trí tuệ và lương tâm của báo giới nước nhà, của đội ngũ nhà báo chân chính… càng trở nên có ý nghĩa và cần được ghi nhận xứng đáng trên phương diện, mà tôi cho rằng, khó khăn nhất nhưng cấp bách nhất hiện nay: phản biện và phản hồi dư luận một cách khách quan, dũng cảm, trung thực, cầu thị và trong sáng. Đồng thời, cũng vạch rõ những phương cách, thủ đoạn, những bộ mặt nhân danh giám sát, phản biện xã hội, núp sau cái gọi là dân chủ truyền thông làm rối loạn dư luận và làm phương hại xã hội.
 

* Vậy theo đồng chí, phải làm gì để khắc phục những hạn chế và phát huy có hiệu quả cao nhất chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí Việt Nam?
- Một nhận định rất đúng rằng, với sự bùng nổ thông tin và truyền thông đa phương tiện trong “thế giới phẳng”, đã tạo môi trường và điều kiện để báo chí ngày càng thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội. Qua đó, tiên lượng, nhận diện, cảnh báo và ngăn chặn những hậu quả khôn lường trên con đường phát triển của đất nước, xây dựng lòng tin của Nhân dân một cách khoa học, hợp quy luật và phù hợp với đất nước. Đây là vấn đề quyết định tới sứ mệnh phát triển quốc gia; đến lượt mình, là chân trời của sự phát triển của chính nền báo chí và sứ mệnh mỗi người làm báo.
Nhưng thực tiễn đã và đang cảnh báo rằng, phản biện không có nghĩa là “đặt lại vấn đề”, thậm chí cố tình “lật ngược chân lý”, rất nguy hiểm. Vì thế, ở đây, thực sự cần những người cầm bút phản biện không chỉ có tầm nhìn, trí tuệ mà còn phải có tấm lòng vì Nhân dân, vì quốc gia xã tắc. Vì, có thể khẳng định một cách không khiên cưỡng rằng, hiện nay, trong báo giới nước nhà, không ít người cầm bút đang bất cập điều đó. Một số cá nhân, tổ chức nhân danh cái gọi là “trách nhiệm công dân”, lợi dụng phản biện xã hội để cố tình đặt ra những vấn đề đi ngược lại chính sách của Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân. Thực chất là họ tìm cách nổi danh “anh hùng bàn phím” mị dân, âm mưu chống phá chế độ, chống phá Đảng, Chính phủ và Nhân dân ta. Rộng ra, một số tờ báo đã vô tình dành những trang để đăng những bài báo ngược chiều, núp danh mang tính phản biện. Đó là những “ngõ cụt” tự hạ thấp và tự thủ tiêu ngòi bút của mình.
Thiết tưởng, rất cần nhận rõ phản biện xã hội khác với chống đối, phá hoại, âm mưu tạo nên sự đối trọng giữa Đảng và Nhân dân; giữa Nhân dân với Nhà nước, v.v.. Ở đây, cần nhận rõ bộ mặt, bản chất của cái gọi là nhân danh “nhu cầu phản biện xã hội” của những thế lực chống đối, lập ra những trang mạng, lợi dụng sự sơ hở của một số tờ báo phát tán ý kiến cá nhân, mưu đồ trục lợi cá nhân và phe nhóm. Điều đó khác hẳn với những ý kiến thành tâm đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, cho sự phồn vinh và hạnh phúc của Nhân dân.
Trước hết, Ban Biên tập mỗi tờ báo, tạp chí xuất phát từ tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình, hoạch định chương trình và tổ chức hành động mạnh mẽ và trực tiếp phục vụ bạn đọc chân chính, chịu trách nhiệm trước bạn đọc và pháp luật. Đó là con đường duy nhất đúng đắn để báo chí phát triển mình và sự tiến bộ của mỗi người cầm bút. Từng dòng tin, mỗi bài báo phải đáp ứng cao nhất và phục vụ vô điều kiện nhu cầu ngày càng cao của độc giả, vì sự phát triển của cộng đồng. Đặc biệt, nêu cao vai trò giám sát, phản biện của Nhân dân đối với mỗi người cầm bút, mỗi tờ báo và tạp chí... Đó chính là sự dân chủ, minh bạch và công bằng bảo đảm cho cả hai phía báo chí và Nhân dân cùng phát triển. Nói tóm lại, đạo đức và pháp quyền là sự bảo đảm cao nhất và cuối cùng cho sự trong sáng và sức mạnh của báo chí trong thực thi vai trò giám sát, phản biện xã hội, nhất là trong lúc này.
 


* Có ý kiến cho rằng, muốn báo chí làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội thì báo chí phải thoát ly chính trị, không chịu sự quản lý của bất kỳ tổ chức, đảng phái nào… Xin đồng chí cho biết nhận định của mình về vấn đề này?
- Tôi đã nghe và rất quen cách lập luận ấy. Nhân danh dân chủ, nhân danh cái gọi là một nhóm người khoác áo nhân dân, một số người “khai quật” và cổ xúy, thậm chí lập ra một cách trái phép mấy tổ chức cái gọi là nghiệp đoàn tự do, dân chủ này nọ. Họ đánh bóng mình, che giấu tham vọng cá nhân một cách vô lối, vô pháp và vô sỉ. Tôi xin được nhắc lại, theo như tôi biết, trên thế giới hiện nay, chẳng ở đâu có nền báo chí nào như thế cả. Và, cho dù có thể ngoài trái đất là trái đất đi chăng nữa, thì giám sát, phản biện xã hội của báo chí không thể ảo tưởng và điên rồ “thoát ly chính trị, không chịu sự quản lý của bất kỳ tổ chức, đảng phái nào…”, như mấy vị mê sảng và vĩ cuồng, rồi “tự sướng” và hét toáng lên vậy. Đó là hành động, nói như dân gian, là “tự buộc đá chân mình, rồi nhảy xuống giếng thơi”.
* Xin cảm ơn đồng chí!

Thu Hằng - Minh Thế (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất