Chủ Nhật, 19/5/2024
Định hướng - Chỉ đạo
Thứ Ba, 28/7/2015 16:40'(GMT+7)

Đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân hiểu và tham gia Bảo hiểm y tế

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Theo Báo cáo của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4 % so với cùng kỳ năm 2014, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số.

Điểm đáng chú ý là nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình đã có sự gia tăng theo hướng tích cực. Nếu so với thời điểm cuối năm 2014 số người tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng hơn 400 nghìn người, tương đương 5,4%, chứng tỏ chính sách, pháp luật mới về BHYT đã dần đi vào cuộc sống và được người dân chấp nhận.

Kết quả sơ bộ trong 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo theo đúng quy định, những thay đổi cơ bản theo hướng mở rộng, nâng cao quyền lợi và đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng quyền lợi của chính sách BHYT đã được người dân hưởng ứng, tạo dư luận tích cực trong xã hội để tăng cường tính hấp dẫn của chính sách BHYT.

Trong 6 tháng đầu năm, đã có gần 60 triệu lượt bệnh nhân khám chữa bệnh theo chế độ BHYT với tổng số tiền được chi trả từ quỹ BHYT là gần 20 ngàn tỉ đồng.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, việc triển khai Luật BHYT vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu đạt tối thiểu 75% dân số có thẻ BHYT vào cuối năm 2015. Trong đó, kế hoạch triển khai của nhiều địa phương chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên và cụ thể, hiệu quả chưa cao; thủ tục quy trình đăng ký, lập danh sách tham gia BHYT còn phiền hà... Đặc biệt, tỷ lệ tham gia BHYT ở các nhóm đối tượng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân của thực trạng trên do là do thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình chưa được cải cách triệt để; người dân thiếu thông tin do hệ thống đại lý bán thẻ BHYT không ổn định; nhiều địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho hộ gia đình cận nghèo khi tham gia BHYT.

Mặt khác, tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê có trên 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng BHYT nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tỉ lệ bao phủ BHYT trong 75 % dân số vào cuối năm 2015 là nhiệm vụ đòi hỏi nhiều nỗ lực của các cấp, ngành, bởi quá trình thực hiện đã cho thấy một số vấn đề bất cập ở một số nhóm đối tượng, cụ thể là:

Thứ nhất, tại nhóm tham gia theo hộ gia đình, thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình chưa được cải cách triệt để. Người dân thiếu thông tin do hệ thống đại lý bán thẻ BHYT không ổn định, có nơi cán bộ đại lý vừa tập huấn, ký hợp đồng bán thẻ BHYT xong thì tháng sau đã xin thôi việc.

Thứ hai,
với nhóm đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Năm 2015, một số xã, huyện được đưa ra khỏi danh sách vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc, nên đối tượng này giảm do không được ngân sách nhà nước mua BHYT.

Thứ ba, tại nhóm hộ gia đình cận nghèo, theo lộ trình xóa đói, giảm nghèo hằng năm các tỉnh phấn đấu giảm 2% người thuộc hộ cận nghèo. Do đó số người không thuộc hộ cận nghèo không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng sẽ không tham gia BHYT. Nhiều địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT.

Đặc biệt, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình về cơ bản vẫn chưa được nhiều tỉnh, thành phố xác định và lập danh sách đối tượng này theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2014 của Bộ LĐ-TB&XH.

Do đó, cơ quan BHXH chưa có căn cứ bán thẻ BHYT cho các đối tượng này. Ngoài ra, quy định hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho đối tượng này khi tham gia theo hộ gia đình nhưng không giảm trừ mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi cũng là khó khăn đối với đối tượng này.

Tại Hội nghị trực tuyến về việc thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm 2015, tổ chức hồi đầu tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Không thể có chất lượng dịch vụ tốt nếu giá cứ tiếp tục theo kiểu bao cấp hoặc thấp hơn giá thành. Nhưng chúng ta cũng đều biết, không thể làm được việc đó nếu không có hệ thống BHYT toàn dân đủ mạnh về tài chính.

Muốn vậy, phải đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu và tham gia BHYT theo tinh thần: Người khỏe đóng góp vào để dành cho lúc yếu, người có điều kiện đóng góp vào cho những người không may bị bệnh. Chỉ khi Quỹ BHXH phát triển tốt, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh mới nâng cao được.

Cũng tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, muốn đạt được mục tiêu 75% diện phủ BHYT trong toàn dân vào cuối năm 2015, Ngành y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam  cần chủ động tìm ra những lý do vì sao một số nhóm đối tượng chưa đạt tỉ lệ 75 % tham gia BHYT? Tại sao sinh viên năm thứ nhất có tham gia BHYT, năm sau lại không có? Tại sao có nơi huyện đảo, xã đảo chỉ vì thủ tục không xác nhận được mà không cấp thẻ BHYT?

Trước hết, Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp để nâng tỷ lệ mua BHYT trong học sinh, sinh viên đạt 100%. Cụ thể, tỷ lệ học sinh có thẻ BHYT đã đạt 90%, thì 10% còn lại, các trường cần tìm hiểu hoàn cảnh để vận động gia đình và các cháu đúng theo tinh thần BHYT (vừa chấp hành pháp luật, vừa đúng đạo lý “tương thân, tương ái”). Đối với sinh viên hiện đạt 78%, thì trong 22% chưa đóng thì phải xem kỹ nếu sinh viên thuộc hộ nghèo thì xem xét hỗ trợ nhưng cũng phải tính cả trường hợp nhiều sinh viên gia đình khá giả nhưng không mua BHYT.

Liên quan đến hỗ trợ đối tượng cận nghèo, Phó Thủ tướng nhận xét: 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có hộ cận nghèo nhưng mới có 33/63 địa phương có kế hoạch hỗ trợ cho đối tượng này mua thẻ BHYT, còn các địa phương khác vẫn đứng ngoài cuộc. Điều này đòi hỏi các đại phương phải tích cực vào cuộc, coi đây là chủ trương lớn, không phải chỉ là chỉ tiêu thành tích…/.

Thế Hoàng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất