Thứ Hai, 11/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Hai, 26/6/2017 8:45'(GMT+7)

Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trọng dụng người có đức, có tài 

Thực hiện ý kiến của Ban Bí thư về việc triển khai Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Bộ Nội vụ khuyến khích các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương không được chọn thực hiện thí điểm nhưng có chủ trương của cấp ủy, chính quyền thực hiện bổ nhiệm lần đầu thông qua thi tuyển thì được thực hiện tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Những đơn vị nào có đủ điều kiện đều có thể tổ chức thi tuyển, không giới hạn. 


Mục đích đặt ra của việc thí điểm là phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ban, ngành, địa phương. 

Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn nhưng vẫn phải bảo đảm và giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và phát huy vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cùng với đó, tăng cường sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và của các tổ chức đoàn thể của cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn cũng như bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Đề án này không thay nhiệm vụ của công tác bổ nhiệm cán bộ, mà thay vì trước đây chọn, cử người, nay thi để tuyển người, nhiều người có tiêu chuẩn điều kiện giống nhau tổ chức qua kỳ thi để chọn được người tốt nhất. Việc thi tuyển cũng không phải là thay cho quy trình cán bộ mà công tác các bộ vẫn phải làm đúng quy trình của Đảng. Đây chỉ là đổi mới phương thức tuyển chọn, là khâu đầu.  Làm được việc này thể hiện tính minh bạch, công khai, dân chủ và chọn được đúng người, Bộ trưởng Tân nói.  

Mở rộng đối tượng trong và ngoài quy hoạch 

Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý chỉ thực hiện đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và tương đương. Không thực hiện thi tuyển đối với các chức danh được xác định là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức hoặc khi xem xét bổ nhiệm lại. 

Bên cạnh những cán bộ, công chức, viên chức nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn và đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn, các cán bộ, công chức, viên chức ngoài cơ quan, đơn vị đó, nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, đang công tác trong cùng bộ, ban, ngành, lĩnh vực, địa phương cũng được quyền đăng ký tham gia dự tuyển. 

Các đối tượng này, nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn không quá 2 cấp so với chức vụ hiện giữ. Trường hợp không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, khi dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về ngạch công chức hoặc thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực (nếu có) theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh tuyển chọn. 

Đề án lần này mở rộng đối tượng thi tuyển, kể cả trong quy hoạch và ngoài quy hoạch đều được dự tuyển. Tuy nhiên, người thi phải được cơ quan quản lý cán bộ đồng ý và người đó phải có đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng vị trí tuyển dụng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân làm rõ thêm. 

Theo quy định, khi tổ chức thi tuyển phải có từ 2 người trở lên tham gia dự tuyển vào 1 chức danh tuyển chọn. Trường hợp chỉ có 1 người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc không có người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thì tập thể lãnh đạo và cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm có trách nhiệm đề cử thêm người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển hoặc quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm đối với chức danh này cho đến khi có thêm người đăng ký tham gia dự tuyển. 

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã quyết định danh sách người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển bảo đảm ít nhất có 2 người dự tuyển vào 1 chức danh tuyển chọn, nhưng đến ngày tổ chức thi chỉ có 1 người dự thi, Hội đồng thi tuyển vẫn tổ chức thi theo kế hoạch.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất