Chủ Nhật, 19/5/2024
Bắc Giang: Tiềm năng và triển vọng
Thứ Năm, 15/1/2015 22:16'(GMT+7)

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH


Ngày 15-1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác dư luận xã hội năm 2014; phương hướng, nhiệm vụ năm 2015. Đồng chí Lâm Phương Thanh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Báo cáo về công tác dư luận xã hội năm 2014, đồng chí Đỗ Thị Thanh Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (NCDLXH) nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác điều tra, nắm bắt NCDLXH đã từng bước đi vào nền nếp, giúp các cơ quan lãnh đạo có thêm thông tin, đánh giá đúng hơn, sát hơn tình hình tâm trạng, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp tuyên truyền, định hướng DLXH, giải quyết một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm, góp phần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, để khắc phục một số hạn chế còn tồn tại trong công tác nghiên cứu DLXH, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đề ra yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt NCDLXH, coi đây là việc quan trọng, vô cùng cần thiết nhằm nắm bắt, tập hợp, kịp thời sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân về những vấn đề sự kiện thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đó, giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là một khâu vô cùng quan trọng, cần thiết trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ngày 18-8-2014, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Kết luận 100-KL/TW về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH. Ban Tuyên giáo Trung ương và một số tỉnh, thành ủy, đảng ủy Trung ương đã xây dựng Kế hoạch quán triệt, thực hiện Kết luận 100 tại cơ quan, đơn vị mình. Trong năm 2014, một số ban tuyên giáo đã chủ động tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xây dựng đề án, ban hành chỉ chị nhằm tăng cường nâng cao chất lượng công tác nắm bắt và định hướng DLXH. Mặc dù chưa có Hướng dẫn từ Trung ương, một số Ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động tham mưu với lãnh đạo ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội.


 
 


Năm 2014, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dư luận xã hội từ Trung ương đến địa phương đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc nắm bắt, phân tích, tổng hợp và phản ánh nhanh dư luận trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều vấn đề nóng trong nước và trên thế giới được DLXH quan tâm đã được phản ánh khách quan, trung thực, đầy đủ các luồng ý kiến xã hội thông qua  các báo cáo nhanh. Nội dung các báo cáo này đã tập trung phản ánh kịp thời tình hình dư luận trong nước và quốc tế, nhất là việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trái phép trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, Trung ương 9 khóa XI; kết quả kỳ họp thứ 7, 8 Quốc hội khóa XIII… Qua đó, đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị, tham mưu giúp lãnh đạo Ban Tuyên giáo, cấp ủy các cấp chỉ đạo công tác tuyên truyền, định hướng dư luận.

Về công tác điều tra xã hội học, Viện NCDLXH đã phối hợp với Ban Tuyên giáo ở 63 tỉnh, thành ủy và Đảng ủy ở các bộ, ban, ngành Trung ương tiến hành 7 cuộc điều tra xã hội học, tăng 3 cuộc so với năm 2013. Tính đến 31-12-2014, Viện đã nhận được 44 báo cáo điều tra xã hội học về dư luận xã hội của 25 ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy. Kết quả các cuộc điều tra đã giúp cấp ủy, chính quyền có thêm thông tin phản hồi từ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Nhìn chung, các cuộc điều tra DLXH do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo các địa phương thực hiện đều được chuẩn bị công phu, bám sát mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu và bảo đảm đúng tiến độ, tuân thủ quy trình đề ra, trong đó có những cuộc điều tra được đánh giá cao, có sức lan tỏa như: Điều tra về kết quả 5 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, về Một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, Viện đã phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ động trong việc phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Trong năm 2014, đã có 18 tỉnh, đơn vị phối hợp với Viện mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, tăng 13 lớp so với năm 2013. Mỗi lớp học có khoảng từ 150-200 học viên. Nội dung trọng tâm là một số vấn đề dư luận xã hội, các phương pháp nghiên cứu, nắm bắt DLXH và nắm bắt DLXH qua mạng lưới CTV, kỹ năng tổng hợp, phân tích xử lý thông tin… Các lớp tập huấn đã đáp ứng được yêu cầu, hoàn thành tốt nội dung, chương trình đề ra, được học viên đánh giá cao.

Về công tác cộng tác viên, trong năm qua, hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở Trung ương và địa phương đã dần đi vào nền nếp, có nhiều tiến bộ, tích cực và chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin nhanh phản ánh kịp thời các ý kiến của tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những vấn đề, sự kiện trong nước và trên thế giới. Đội ngũ CTV ở Ban Tuyên giáo các Đảng ủy trực thuộc Trung ương và Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy thực hiện khá tốt chế độ báo cáo, cung cấp thông tin DLXH cho Viện; tham gia phối hợp triển khai các cuộc điều tra DLXH.

Viện NCDLXH và nhiều ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy thường xuyên duy trì nền nếp hoạt động của mạng lưới CTV công khai (do các cơ quan, đoàn thể cử ra) và cộng tác viên đơn tuyến (do đầu mối làm công tác dư luận của Viện và ban tuyên giáo các địa phương tuyển chọn) qua các buổi giao ban định kỳ. Từ đó, phản ánh thông tin qua  hình thức báo cáo bằng văn bản theo quy định, phản ánh  nhanh qua điện thoại, email… Ban Tuyên giáo các cấp cũng đã chủ động cung cấp thông tin chính thống cho đội ngũ CTV góp phần tích cực trong công tác định hướng DLXH.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu, tham luận để đề ra phương hướng, nhiệm vụ của công tác dư luận xã hội năm 2015 và nhiệm vụ cụ thể đối với công tác dư luận xã hội của ngành tuyên giáo. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Phê bình, lý luận văn học nghệ thuật Trung ương đã đánh giá cao những kết quả mà công tác dư luận xã hội năm 2014 đã được, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc tham mưu, đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận 100 về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”; tham mưu, đề xuất cấp ủy xây dựng đề án, ban hành chỉ thị tăng cường, nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội. Đồng chí Hồng Vinh cũng đề nghị trong năm 2015, cần đẩy mạnh công tác dư luận xã hội, tiếp tục bổ sung, kiện toàn, đổi mới công tác cộng tác viên dư luận xã hội theo hướng bảo đảm số lượng, đại diện cơ cấu thành phần, tầng lớp xã hội, nâng cao chất lượng nắm bắt, phản ánh, cung cấp tin.

Đại diện các tỉnh Lào Cai, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận,… cũng đề nghị cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, công tác nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng khả năng phân tích, dự báo, đề xuất những kiến nghị có tính thuyết phục, khả thi nhằm định hướng DLXH.

Từ các ý kiến thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nhất trí đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác dư luận xã hội năm 2015. Đó là:

Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt sâu sắc trong cán bộ đảng viên những nội dung cơ bản Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH, xây dựng Kế hoạch thực hiện Kết luận này.

Thứ hai, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác DLXH trong hệ thống tuyên giáo.

Thứ ba, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH (Chú trọng khả năng phân tích, dự báo, đề xuất những kiến nghị có tính thuyết phục, khả thi nhằm định hướng DLXH).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lâm Phương Thanh đã đánh giá cao những ý kiến phát biểu, chia sẻ thẳng thắn, đầy tính xây dựng của các đại biểu dự Hội nghị. 

Đồng chí Lâm Phương Thanh đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 là triển khai thực hiện Kết luận số 100 của Ban Bí thư về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Viện Nghiên cứu dư luận xã hội nghiên cứu tham mưu việc ban hành Hướng dẫn thực hiện Kết luận 100; Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương, Mặt trận Tổ quốc và các tô chức chính trị xã hội xây dựng Kế hoạch thực hiện Kết luận, cụ thể hóa những nội dung trong Hướng dẫn của Trung ương...

Thứ hai, chủ động, kịp thời nắm bắt, tổng hợp phân tích (về cơ sở nhận thức và cơ sở xã hội) , tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân trước, trong và sau quá trình tổ chức đại hội đảng các cấp, đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; bảo đảm phản ánh nhanh, khách quan, toàn diện tình hình dư luận của các tầng lớp nhân dân; đề xuất các giải pháp sát thực định hướng dư luận xã hội, làm tốt công tác tư tưởng, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, tạo sự phấn khởi chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Đổi mới nội dung, phương pháp điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Đề cao tính khoa học trong hoạt động điều tra xã hội học về dư luận xã hội. Tăng cường nghiên cứu lý luận về các cơ chế hình thành dư luận xã hội để tham mưu cách thức định hướng dư luận xã hội hiệu quả.

Thứ ba,
rà soát, củng cố, kiện toàn mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội, bảo đảm chất lượng, sự hợp lý về cơ cấu, phù hợp với tình hình thực tế của trung ương và địa phương; kịp thời động viên, khen thưởng những cộng tác viên có nhiều nỗ lực trong việc nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội; kịp thời thay thế các cộng tác viên không phù hợp hoặc không đáp ứng yêu cầu.

Thứ tư, Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương phải là đầu mối, chủ động kết nối và tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về những vấn đề lý luận, phương pháp và kinh nghiệm điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội giữa các tổ chức và đầu mối làm công tác nghiên cứu, điều tra, nắm bắt dư luận xã hội trong hệ thống tuyên giáo; tăng cường các hoạt động trao đổi, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho bộ phận làm công tác dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy.

Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kết luận 100 của Ban Bí thư. Trong quá trình thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, cần coi trọng việc vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và trung ương; địa phương học tập cách làm của trung ương, trung ương tham khảo cách làm hay của địa phương, đồng thời nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước có nhiều thành tựu trong lĩnh vực  này.

* Nhân dịp này, Viện Nghiên cứu dư luận xã hội  Ban Tuyên giáo Trung ương đã khen thưởng 10 tập thể và 7 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác dư luận xã hội năm 2014.


 
 
 
 

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất