Thứ Ba, 7/5/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Sáu, 20/9/2019 10:26'(GMT+7)

EVNHCMC ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Hoàn thiện hệ thống tự động hóa lưới điện

Được đánh giá là một Tổng công ty Điện lực có hệ thống lưới điện được đầu tư bài bản nhất tại Việt Nam, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu cùng với việc không ngừng nghiên cứu, mạnh dạn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến chính là cơ sở để EVNHCMC bước vào cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng điện.


EVNHCMC đã và đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới để hoàn thiện mô hình lưới điện thông minh (Smaet Grid); đã đưa vào hoạt động hệ thống SCADA/DMS (hệ thống thu thập, giám sát và điều khiển lưới điện phân phối, hệ thống quản lý lưới điện phân phối) với các tính năng tiên tiến, hiện đại. Mô hình này, cho phép trung tâm điều khiển theo dõi sự cố mất điện, cảnh báo tình trạng đầy tải, quá tải, lệch điện áp và nhanh chóng đưa ra giải pháp xử lý như tự động điều khiển từ xa các thiết bị đóng cắt để nhanh chóng tái lập hay cách ly thiết bị khỏi hệ thống.

Hiện tại, EVNHCMC có 54/54 TBA 110 kV vận hành theo tiêu chí không người trực; hoàn tất lắp đặt và đưa vào vận hành 1.126 Recloser có chức năng giám sát, điều khiển từ xa; đầu tư trang bị, thiết lập kênh truyền (cáp quang, modem) để kết nối các thiết bị đóng cắt với hệ thống SCADA. Hoàn thiện hạ tầng mạng cáp quang SCADA để đáp ứng khu vực lưới điện triển khai tự động hóa có yêu cầu cao về độ ổn định, tin cậy đường truyền… Kết quả, tính đến nay đã có hơn 80% lưới điện trung thế 22kV được giám sát, điều khiển từ xa và hơn 20% lưới điện trung thế 22kV (tuyến dây công cộng) đã được trang bị chức năng tự động hóa. Theo đó, trong năm 2018, EVNHCMC đã đề ra quan điểm vận hành “Chuyển tải trước, xử lý sau” cho tất cả các sự cố xảy ra trên lưới điện 22kV (bật máy cắt và Recloser) với thời gian phát hiện, lập và thực thi phương án khôi phục cấp điện cho khách hàng trong phạm vi không chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố là dưới 15 phút, có trường hợp đạt dưới 5 phút, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Sửa chữa điện “sống”

Một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, đặc biệt là giàm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng đó là EVNHCMC đã áp dụng triệt để các giải pháp thi công, sửa chữa trên lưới khi đang mang điện (Live – Line). Công nghệ này đã được EVNHCMC áp dụng từ năm 2010, cho đến nay đã có 16 tổ thi công Live-line trung thế, đáp ứng tốt nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, thi công trên lưới điện của các đơn vị. Trong năm 2018, đã thực hiện 5.680 lượt thi công, tăng 2.084 lượt so với cùng kỳ năm 2017 (là 3.596 lượt).


Ngoài ra, EVNHCMC đã sử dụng hiệu 21 bộ vệ sinh cách điện lưới 110kV, 220kV bằng vòi nước áp lực cao (rửa sứ online) để bảo trì lưới điện mà không phải cắt điện, góp phần giảm sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng; triển khai áp dụng một số công nghệ khác trong thi công sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện đang mang điện như: bọc dây dẫn bằng sào cách điện phục vụ khai quang hành lang tuyến, sử dụng bộ đấu tắt (Jumper) phục vụ công tác thay thế chì FCO không mất điện.

Xây dựng doanh nghiệp số

Với mục tiêu mọi giao dịch của khách hàng với ngành điện sẽ được thực hiện trực tuyến, những năm gần đây, EVNHCMC đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong công tác dịch vụ khách hàng. Công tác chăm sóc khách hàng (CSKH) được thực hiện thông qua số tổng đài 1900545454 của Trung tâm chăm sóc khách hàng, ứng dụng OTT trên thiết bị di động, qua Trang Zalo Page, email và qua tin nhắn SMS.

Năm 2012, EVNHCMC đã đưa vào vận hành Trung tâm chăm sóc khách hàng đầu tiên trong ngành điện, trên cơ sở khai thác dữ liệu từ hệ thống quản lý khách hàng CMIS nhằm thống nhất đầu mối chăm sóc khách hàng sử dụng điện trên phạm vi toàn thành phố.

Tính đến thời điểm hiện tại, EVNHCMC đã cung cấp 100% các dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 với 19 loại hình giao dịch với khách hàng qua 07 kênh giao dịch trực tuyến, gồm: Tổng đài chăm sóc khách hàng 1900545454;        Website https://cskh.evnhcmc.vn/; Email cskh@evnhcmc.vn; Tổng đài nhắn tin SMS 8055/8655; Ứng dụng EVNHCMC CSKH cài đặt trên thiết bị di động; Trang EVNHCMC trên Zalo;   Cổng dịch vụ công UBND TPHCM.


Thanh toán tiền điện trực tuyến thông qua việc hợp tác với 23 ngân hàng và 9 đối tác để thu tiền điện khách hàng. Theo đó, khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua qua 2.279 máy ATM, 6.973 điểm thu là các phòng giao dịch ngân hàng, các siêu thị tiện ích, hoặc qua SMS/Mobile/Internet Banking,...hoặc trích nợ tự động để thanh toán tiền điện hàng tháng
. Đáng chú ý trong năm 2018, đã có 50.056 lượt khách hàng giao dịch qua cổng thanh toán của website CSKH EVNHCMC, tương ứng số tiền là 57,43 tỷ đồng, tăng 39,63% so với năm 2017 (41,13 tỷ đồng).

Đã thực hiện lắp đặt 815.993 điện kế có chức năng đo xa, chiếm tỉ lệ 33,3% trên tổng số khách hàng đang quản lý. Hoàn tất triển khai 100% công tác đo xa tại các điểm đo quan trọng gồm các điểm đo tại các trạm trung gian 220, 110kV, điểm đo ranh giới giao nhận nội bộ và 100% điểm đo tại các trạm biến thế phân phối. Các điểm đo này đã đều được EVNHCMC thực hiện khai thác hoá đơn và cung cấp số liệu phụ tải trên trang web chăm sóc khách hàng và ứng dụng EVNHCMC CSKH trên di động. Bên cạnh đó, EVNHCMC thường xuyên phối hợp với EVNICT để hoàn thiện các tính năng của phần mềm EVNHES.

Ngoài ra, EVNHCMC cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị nội bộ như: Trong công tác quản trị hành chính, văn phòng: triển khai báo cáo và chữ ký điện tử trong giao dịch nội bộ, áp dụng hệ thống quản lý công việc, văn bản E-Office 3.0, triển khai hệ thống Microsoft Qutlook cho toàn bộ CNVC-LĐ trong đơn vị; trong công tác quản trị nguồn nhân lực: triển khai hệ thống quản lý nguồn nhân lực (HRMS), đánh giá năng suất, mức độ hiệu quả công việc thông qua hệ thống KPI.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, trong Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVNHCMC” có đưa ra 4 chỉ tiêu chủ yếu mà EVNHCMC phải đạt được vào năm 2020: đối với vận hành lưới điện, độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được nâng cao, phấn đấu các chỉ số SAIFI (số lần mất điện trung bình/khách hàng/năm) đạt 1 lần (năm 2018 là 1,57 lần/khách hàng), chỉ số SAIDI (thời gian mất điện trung bình/khách hàng/năm) đạt 100 phút (năm 2018 là 124.17 phút/khách hàng). Tự động hóa lưới điện vận hành với 100% trạm 110kV không người trực, 100% lưới điện trung thế được giám sát, điều khiển từ xa trong đó có 30% vận hành tự động.

Đối với dịch vụ khách hàng, năm 2020 có 100% khách hàng được trang bị công tơ điện có chức năng đo xa; được cung cấp thông tin về tình hình tiêu thụ điện hằng ngày trên các ứng dụng di động và trên website chăm sóc khách hàng; 100% khách hàng được tự động cung cấp thông tin về tình hình sử dụng điện và tự động tư vấn về giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả theo thời gian thực.

Các chỉ tiêu về xây dựng doanh nghiệp số: áp dụng 100% phần mềm dùng chung của Tập đoàn như CMIS, ERP, HRMS, E-Office…có khả năng tự động xuất các báo cáo, được bổ sung tính năng phân tích và dự báo thông minh nhằm nâng cao tính chủ động trong công tác hỗ trợ quản lý, điều hành; 100% các tài liệu phục vụ công tác quản trị nội bộ được số hóa và trao đổi trực tuyến trên môi trường mạng.

Ngọc Thuận

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất