Chủ Nhật, 2/6/2024
Dân tộc - Tôn giáo
Thứ Năm, 26/10/2023 16:13'(GMT+7)

Già BLÚP BLIẾP giữ nghề đan lát của người Cơ Tu ở PÀ NAI

Ông Blúp Bliếp và một góc bếp nhà Moong với nhiều vật dụng từ đan lát.

Ông Blúp Bliếp và một góc bếp nhà Moong với nhiều vật dụng từ đan lát.

Từ ngã ba Tuý Loan (TP.Đà Nẵng), trên hành trình cùng chiếc xe máy chúng tôi theo trục QL14G để về huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) công tác và tình cờ chúng tôi gặp ông Blúp Bliếp (72 tuổi), dân tộc Cơ Tu khi ông về xã Tà Lu để nhận tiền trợ cấp lương hưu. Theo giới thiệu của anh Ating Đloong – cán bộ phụ trách văn hoá xã và sau nụ cười vui vẻ và lời chào thân mật cùng cái bắt tay thân mật, ông Bliếp mời chúng tôi về nhà tại thôn Pà Nai chơi và tôi nhận lời. 

Già Blúp Bliếp với chiếc mâm cơm (a pứ) một trong những đồ đan lát có giá trị của người Cơ Tu.

Già Blúp Bliếp với chiếc mâm cơm (a pứ) một trong những đồ đan lát có giá trị của người Cơ Tu.

Ngồi cùng ông Blúp Bliếp trong nhà Moong bên cạnh QL14G tại Tổ Đoàn kết số 2 (thôn Pà Nai), bên ly trà nóng tại bếp lửa vùng cao ấm áp với nhiều vật dụng từ đan lát đang đặt ở góc Moong. Lần đầu tiên ngồi trong Moong và tò mò về Moong, tôi được ông Bliếp thổ lộ: Moong của người Cơ Tu, là dạng biến thể của Gươl (ngôi nhà làng truyền thống), có sàn, bếp lửa nhưng cấu trúc nhỏ và xinh xắn hơn. Theo phong tục của người Cơ Tu, mỗi gia đình người Cơ Tu khi về già, thường làm một ngôi Moong cho mình để tiện ở sinh hoạt nấu nướng, sưởi ấm nghỉ ngơi mà Moong còn để đàn ông Cơ Tu đan lát, gặp gỡ người thân bên cạnh bếp lửa đỏ hồng trong chén trà, ly rượu tà vạt ấm nồng của người dân vùng cao. 

Theo ông Blúp Bliếp, nghề đan lát thủ công truyền thống của người Cơ Tu lại trở thành cái nghiệp ăn sâu vào tiềm thức của người dân, vì đây là cái nghề mà ông cha đã để lại cho con cháu. Dù sinh sống ở đâu, họ cũng mang theo nghề truyền thống như muốn lưu giữ lại những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã gây dựng từ xa xưa. Nghề đan lát thủ công của người Cơ Tu, với những vật dụng dùng trong gia đình từ mâm nước, mâm cơm, mâm đựng đồ cúng, rổ, nia sẩy lúa, nong phơi lúa, giỏ dùng để tuốt lúa, giỏ dùng đựng lúa gieo hạt, đến những gùi ba ngăn hay thường gọi ta lét/ xà lếch (gùi dành cho đàn ông Cơ Tu đi rừng), gùi măng, gùi lúa, gùi củi, gùi đựng thổ cẩm trang sức của phụ nữ Cơ Tu, giỏ tỉa lúa, giỏ suốt lúa để sử dụng trong lao động sản xuất và các phương tiện mưu sinh như: nơm cá, dụng cụ bắt cá, giỏ đựng cá...còn nhiều vật dụng khác dùng để lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ quan trọng của người Cơ Tu. Đây là công việc rất công phu, tỉ mỉ với từng sợi đan và tốn rất nhiều thời gian, chỉ những người đàn ông Cơ Tu siêng năng cần cù, có tính kiên nhẫn nhất mới làm được. 
       
Cũng theo ông Bliếp, muốn có một sản phẩm tốt, bền và sử dụng được lâu, thì việc chọn nguyên liệu đòi hỏi người đàn ông Cơ Tu rất cần kinh nghiệm, cũng bởi nếu chọn nguyên liệu không tốt, đồ dùng làm ra sẽ nhanh hỏng khó mà bán, trao đổi với bà con trong làng.

Theo kinh nghiệm, người Cơ Tu thường chọn ngày trăng khuyết để vào rừng chọn cây tre, cây lồ ô, cây nứa, cây mây thì nó không bị mọt. Còn nếu đi vào rừng ngày trăng tròn, thì đồ dùng dễ bị mọt. Sau khi nguyên liệu được khai thác về, tùy từng loại sản phẩm mà chặt ra đem phơi khô, sau đó chẻ nhỏ thành sợi và được tiếp tục vót mỏng. Sau khi đan xong, tiếp tục được treo trên gác bếp để hun khói tránh mối mọt mà còn tạo cho sản phẩm có độ bền và màu sắc đẹp hơn. Không những khéo léo, mà người đan còn phải nhẫn nại. Như chiếc gùi ba ngăn mà người Cơ Tu thường gọi là ta lét/ xà lếch - là chiếc gùi 3 ngăn của người đàn ông Cơ Tu và gùi đựng thổ cẩm đồ và trang sức, đến p’rôôm - một loại gùi dành riêng cho phụ nữ Cơ Tu dùng đựng quà mang đi biếu mẹ cha thì trong quá trình chẻ đến vót và chuốt nan phải đều từng sợi cho đến lên khung, cần phải có kỹ thuật đan long mốt khéo tay và đặc biệt là khoảng cách phải đều nhau.

Nét riêng của ba sản phẩm phụ thuộc vào sự sáng tạo cũng như tay nghề của nghệ nhân đó và cũng là đỉnh cao của nghệ thuật đan lát. Ba loại gùi này có độ bền rất cao, chỉ dùng làm quà biếu cho khách quý, tặng sui gia và đôi khi còn là vật sính lễ trong đám cưới cho con...Còn đối với gùi vận chuyển lúa được đan với nan long mốt; gùi củi thì được đan nan hình lục giác hoặc đan bằng mây với dạng hình thang cân; gùi trẻ em Cơ Tu (p'reng) được đan bằng mây dày với nan long mốt, kết hợp với kỹ thuật chéo phức tạp dáng hình ống, vành miệng tròn đáy hình vuông được trang trí những hoa văn rất độc đáo mà trẻ em Cơ Tu theo mẹ mỗi khi đi lễ hội...Đặc biệt, với chiếc mâm cơm (a pứ) trong quá trình chuốt nan phải thật cho đều cho đến gầy nan đan tại tâm điểm thì a pứ mới đẹp, mới bền. 
      
Khi chúng tôi đề cập đến giá cả và thu nhập từ nghề đan lát, ông Blúp Bliếp chia sẻ: Trước đây, nghề đan của đàn ông Cơ Tu thường là tranh thủ những lúc nông nhàn. Thú thật với anh, nghề đan lát không phải nói là giàu, nhưng sản phẩm tôi làm ra, luôn được bà con trong thôn mua dùng rất nhiều. Từ mâm nước, mâm cơm, làm mất khoảng 8 -10 ngày, giá bán 800 nghìn đồng – triệu đồng/cái (tuỳ lớn nhỏ), nia sẩy lúa, nong phơi lúa làm mất từ 3-4 ngày, trung bình từ 300 – 500 ngàn/cái. Gùi ba ngăn hay thường gọi ta lét/ xà lếch (gùi dành cho đàn ông Cơ Tu) khoảng 2 triệu 200 ngàn, gùi đựng thổ cẩm trang sức của phụ nữ Cơ Tu trung bình từ 1 triệu 400 ngàn – 1 triệu 700 ngàn/cái (tuỳ lớn nhỏ nữa). Chiếc p’rôm, thì mất công nhiều hơn có khi cả tháng mới xong, nhưng giá bán cái cũng chỉ từ 1 triệu 800 ngàn – 2 triệu đồng. Các nơm cá, dụng cụ bắt cá, giỏ đựng cá, rổ...giá mỗi thứ cũng từ 100 – 200 ngàn/cái, bởi thời gian đan ít hơn. Bình quân mỗi tháng, ông bán được 2-3 cái cho người dân trong thôn Pà Nai, các thôn lân cận. Mỗi năm nhờ đan lát mà cũng một phần nào để gia đình có đồng tiền mua mắm, muối, chai dầu ăn,...Hoặc gặp bà con không có tiền thì trao đổi khi thì con gà, con heo về nuôi phục vụ lễ, tết, mừng ăn lúa mới...đở tiền mua. 
     
Theo ông Blúp Bliếp trong thôn Pà Nai hiện nay, vẫn có nhiều bà con đến nhà đặt đan các vật dụng để dùng nhiều lắm...Dù biết thế, nên nay tuổi đã cao, hàng ngày tôi vẫn miệt mài với nghề đan, không chỉ vì tiền, mà nó cũng làm cho mình đỡ nhớ với nghề của cha ông. Còn vì tấm lòng của người con Cơ Tu với cái nghề thủ công đậm chất truyền thống của dân tộc mình. 
    
Bà Bh’Nướch Cơơl (68 tuổi), thôn Pà Nai khi nói về các sản phẩm do ông Blúp Bliếp đan thì chia sẻ: Hiện nay trong thôn Pà Nai này, chỉ còn ông Blúp Bliếp là người đan lát đẹp thôi. Các loại sản phẩm mà ông Bliếp đan thì có độ tuổi bền cao, dùng được lâu, giá cả phù hợp nên người làng ưa chuộng. Nếu như những lúc người làng không có sẵn tiền mua, thì ông Bliếp rất vui có thể bán chịu để bà con đem về dùng rồi trả tiền sau hoặc bà con trao đổi con gà, con heo,...
     
Còn già làng thôn Pà Nai – ông Alăng Choi (80 tuổi) cho rằng: Gắn bó gần cả đời với nghề đan lát truyền thống của người Cơ Tu, nhưng ông Bliếp vẫn luôn giữ trọn niềm tin yêu với nghề. Từ nhiều năm qua, ông Bliếp luôn được dân làng Pà Nai tôn vinh là nghệ nhân đã giúp người làng Pà Nai có nhiều vật dụng sử dụng trong lao động sản xuất và các đồ dùng trong gia đình. Nhiều sản phẩm đan lát ông Bliếp làm ra còn dùng để lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ quan trọng của người Cơ Tu, như dịp cúng tế, cưới hỏi…mà ông Blúp Bliếp còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của người Cơ Tu. 
     
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày nay trên quê ông Bliếp vùng cao xã Tà Lu, huyện Đông Giang (Quảng Nam) nguyên liệu phục vụ cho nghề đan lát truyền thống của người Cơ Tu thì không khan hiếm. Trong xã, còn nhiều nghệ nhân gắn bó gần cả đời với nghề đan lát truyền thống của người Cơ Tu, trong đó có ông Blúp Bliếp, là người đàn ông Cơ Tu có nhiều duyên nợ với nghề đan lát nhưng vẫn luôn giữ trọn niềm tin yêu với nghề. Nên hàng ngày, ông Bliếp vẫn cặm cụi đan lát để làm ra những sản phẩm truyền thống, nhưng nhìn chung khó mà tiêu thụ ngay được. Để làm xong những thứ mà bà con đặt, thì ông Bliếp phải mất đến gần một tuần, 10 ngày có khi cả tháng trời mới xong. Ngày trước, cây nứa, lồ ô,...ở trên các dãy đồi nhà ông ở rất nhiều. Ngày nay, ông Bliếp phải đi thiệt xa mới tìm thấy cây lồ ô, nứa, cây mây. Nếu trừ công vào rừng tìm nguyên liệu nếu không thì phải mua nguyên liệu, thì tính ra ngày công của một ngày cần mẫn lao động chẳng được bao nhiêu. Nếu không kiên trì gắn bó với nghề đan lát, không tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống thì sợ mai này, trong làng không còn ai nhớ đến nghề đan lát như ông Bliếp nữa.
        
Chia tay tôi, ông Blúp Bliếp nói trong nổi lo: Hiện nay, nghề đan lát đang tiếp tục được đồng bào Cơ Tu duy trì, gìn giữ. Tuy vậy, hiện nay, do hầu hết các sản phẩm làm bằng nhựa hay kim loại đủ loại nhiều vô kể bán ở chợ huyện giá tiền của mỗi loại lại rẻ, cuộc sống bây giờ cũng đã khác xưa nên nghề đan lát phải đối mặt với nguy cơ mai một nghề đan lát dần đang hiện hữu. Bên cạnh đó, điều đáng buồn, con em của dân làng Pà Nai không được học nghề. Tuổi trẻ Cơ Tu bây giờ ít mặn mà với nghề truyền thống của ông bà Cơ Tu trước đây. Ngay cả những người con của già lớn lên trong các nghề đều đã có gia đình riêng không ai trong số con của già có ý định theo nghề của già nữa. Vì vậy, mà việc truyền nghề đã khó, giữ lấy nghề càng khó hơn, khiến chúng tôi cũng cảm thấy ngậm ngùi cho nghề đan truyền thống của người Cơ Tu thôn Pà Nai.
         
Đem chuyện về triển vọng cũng như nguy cơ mai mọt nghề đan lát truyền thống của người Cơ Tu, anh Bơ Ling Trao – Chủ tịch UBND xã Tà Lu thẳng thừng cho rằng: Trước xu thế hội nhập sâu rộng với các ngành nghề hiện đại khác thì lực lượng lao động và chứng kiến các làng nghề truyền thống của người Cơ Tu trong đó có nghề đan lát nói riêng đang đứng trước những thách thức không thể trụ vững và đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền ở vùng nông thôn miền núi như xã Tà Lu. Những năm qua, trong Nghị quyết kinh tế xã hội (KTXH) của địa phương đã đề cập nội dung duy trì nghề đan lát, bên cạnh đó địa phương rất quan tâm, động viên làm thế nào để vực dậy được nghề truyền thống đến những già làng, những nghệ nhân đan lát trong địa bàn của xã luôn duy trì nghề đan lát, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Thiết nghĩ, Nhà nước cần triển khai các giải pháp để có định hướng đầu tư phát triển hiệu quả một cách đồng bộ. Có như thế, văn hóa truyền thống của người Cơ Tu nói chung và nghề đan lát của người Cơ Tu ở xã Tà Lu nói riêng mới tiếp tục được truyền nối và không bị mai một./.

Bài và ảnh: Hồng Phúc - Văn Sơn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất