Chủ Nhật, 19/5/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Hai, 12/12/2022 19:20'(GMT+7)

Huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa: Tăng cường các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại cho cây trồng và vật nuôi

Che phủ tránh rét đậm, rét hại cho hoa màu. (Ảnh: Thế Hưng)

Che phủ tránh rét đậm, rét hại cho hoa màu. (Ảnh: Thế Hưng)

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết trong vụ Đông Xuân 2022-2023 “Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm và nền nhiệt các tháng đầu mùa Đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ”.

Vừa qua, ngày 06-12-2022, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 3157/UBND-NN về tăng cường các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi:

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Trưởng phòng NN&PTNT, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, Trung tâm văn hóa thông tin thể thao và du lịch huyện, thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống đói rét cho vật nuôi trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:

1. UBND các xã, thị trấn:

Tập trung chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để phòng, chống đói rét cho vật nuôi, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan và bị động trong việc phòng, chống rét cho vật nuôi trên địa bàn quản lý. Trước những diễn biết bất thường của thời tiết, chủ động thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống đói, rét; trong đó cần chú trọng các khu vực vùng cao, xã biên giới, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét và xây dựng phương án ứng phó kịp thời khi rét đậm, rét hại xảy ra, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi;

Thống kê nắm rõ tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có của địa phương, tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chống đói, rét cho các hộ chăn nuôi;

Giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cấp xã và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương hướng dẫn đến tận hộ gia đình áp dụng các biện pháp, phòng chống đói rét cho vật nuôi;

Tổ chức tốt trồng cỏ, trồng ngô dày trên diện tích đất không sử dụng trồng cây vụ đông, đất hoang; tận dụng phụ phẩm cây công nghiệp chế biến dưới các hình thức để dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò trong các đợt rét đậm, rét hại kéo dài;

Dự trù kinh phí và chủ động các phương án hỗ trợ thiệt hại kịp thời cho chủ hộ chăn nuôi theo đúng quy định của pháp luật.

Liên tục cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi.

Phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi; hướng dẫn hộ chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh; thức ăn khô (rơm, rạ, cỏ khô…), thức ăn ủ chua, bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Đối với gia cầm phải có đèn sưởi; củng cố chuồng trại chăn nuôi, che chắn giữ khô nền chuồng, kín, ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi.

Vận động và yêu cầu mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng và một cây rơm, rạ đảm bảo bình quân 5-7kg/con/ngày trong những ngày giá rét; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do khi xảy ra rét hại; đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt có kiểm soát; áp dụng các biện pháp giữ ấm cho trâu, bò; đặc biệt là bê, nghé non; đồng thời bổ sung khoáng và thức ăn tinh, vitamin trong những ngày rét đậm, rét hại, đặc biệt những ngày nhiệt độ dưới 12ºC cần nuôi nhốt gia súc tại chuồng.

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tiến hành tiêm phòng đầy đủ cho gia súc, gia cầm; tẩy giun sán cho trâu bò. Áp dụng các biện pháp phòng chống các bệnh liên quan đến mùa rét như cước chân, xù lông do gió lùa,... Thường xuyên theo dõi tình hình đàn gia súc, gia cầm; phát hiện kịp thời vật nuôi ốm để cách ly xử lý, thống kê đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn bị thiệt hại.

2. Phòng Nông nghiệp &PTNT:

Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng chống rét cho cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện.

Đối với lúa, cây rau, màu

- Che chắn cây trồng bằng nilon tránh mưa, rét, thực hiện biện pháp phòng, chống rét theo hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan khuyến nông.

- Với những diện tích thiệt hại nhẹ có thể khắc phục được: tăng cường các biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ hoại mực, phân NPK để cây ra thêm rễ mới, sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết. Cụ thể đối với mạ, lúa: không gieo mạ những ngày nhiệt độ dưới 15 độ C. Đối với những ruộng mạ mới gieo bà con cần phải làm khum vòm phủ kín bằng nilon trắng cho mạ; luôn giữ ẩm đủ ẩm cho mạ bằng cách giữ nước ở rãnh (đối với mạ dược non); rắc tro bếp mục lên trên mặt luống để giữ ấm cho mạ. Đối với mạ đã lên xanh cần đưa nước vào ngập 1/3-1/2 cây mạ đối với mạ dược và tưới ẩm đối với mạ sân, đồng thời cũng cần phải che phủ kín bằng nilon trắng. Trước cấy 2-3 ngày phải mở hết nilon để mạ được tôi luyện với môi trường tự nhiên. Trong những ngày có sương muối giá buốt, bà con cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng...

Đối với rau màu: Với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch ngay. Đối với nhóm rau ăn lá cần che bằng nilon trắng để tránh mưa rét. Tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng cây trong những ngày rét đậm. Bón thêm phân kali, phân lân, giảm bón đạm, phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học như KH, PenacP… để cây khỏe mạnh tăng cường khả năng chống rét. Những ngày có sương muối giá buốt dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua…

Đối với vật nuôi

Tránh rét cho vật nuôi. (Ảnh: Minh Hoàng)

Tránh rét cho vật nuôi. (Ảnh: Minh Hoàng)

Không chăn thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại, mưa tuyết, không thả đàn gia súc trên núi cao, cần đưa đàn gia súc xuống khu vực thấp hơn, nuôi nhốt trong chuồng kín, tránh gió lùa.

Nếu bắt buộc phải thả gia súc thì thời gian tốt nhất để đưa gia súc ra ngoài là khoảng sau 8 giờ sáng. Gia súc cần được giữ ấm trước khi đưa chúng ra ngoài đặc biệt những gia súc yếu và còn non.

Che chắn chuồng trại, sử dụng những vật liệu có sẵn như bạt, phên nứa, bao tải... để che chắn tránh gió lùa, mưa hắt; tránh để nền trại ẩm ướt, lầy lội (sử dụng rơm, cỏ, lá chuối khô, bẹ ngô… khô để lót nền chuồng).Dự trữ chất đốt như củi, trấu, rơm rạ…, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò, lưu ý chuồng trại cần có lỗ thoáng phía trên để lưu thông khí, tránh ngạt khí độc khi đốt lửa sưởi cho trâu bò; làm áo khoác ấm (tận dụng áo cũ, chăn cũ, bạt dứa…) cho trâu bò, nhất là con yếu và non; đối với gia cầm có thể dùng đèn sưởi ấm.

Thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo quy định, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý chất thải vật nuôi tránh dịch bệnh.

Chủ động dự trữ thức ăn thô xanh (rơm rạ, cỏ khô, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp…) từ trước và cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ; cần bổ sung thức ăn tinh (ngô, sắn, cám gạo…), muối khoáng, vitamin, cho uống nước ấm, thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng theo hướng dẫn của cơ quan thú y, khuyến nông để tăng cường sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm.

3.Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện:

Phân công cán bộ, bám sát địa bàn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, cán bộ nông nghiệp, khuyến nông, thú y tăng cường hướng dẫn, thực hiện các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật về phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi tại các địa phương. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh và công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện; kịp thời báo cáo về UBND huyện (qua phòng NN&PTNT) những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền để có biện pháp chỉ đạo, xử lý theo quy định.

4. Trung tâm văn hóa thông tin thể thao và du lịch huyện:

Kịp thời thông tin về diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Thanh hóa; thường xuyên mở các truyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng, tuyên truyền về kỹ thuật phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi để người dân biết và thực hiện.

5. Các phòng, ngành thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mường Lát:

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống rét tại các địa phương, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Yêu cầu trưởng các phòng, ngành, đơn vị cấp huyện; chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo nêu trên. Người đứng đầu các phòng, ngành, địa phương đơn vị có liên quan nếu để xảy ra tình trạng cây trồng, vật nuôi bị chết do rét đậm, rét hại trên địa bàn quản lý do lơ là, chủ quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ tịch UBND huyện.

Thanh Hoa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất