Chủ Nhật, 19/5/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 24/10/2017 19:38'(GMT+7)

Mạng xã hội trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam

Hội thảo nhằm triển khai mục tiêu của đề tài Cấp Nhà nước KX.01.10/16-20 đã được phê duyệt và bắt đầu triển khai từ tháng 11/2016, nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn mạng xã hội và kinh nghiệm quản lý mạng xã hội ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới; nhận diện thực trạng, vấn đề của mạng xã hội và quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội, từ đó đề xuất mô hình và giải pháp quản lý thông tin, truyền thông ở Việt Nam đáp ứng đòi hỏi của tiến trình hội nhập, phù hợp với xu thế và bối cảnh phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam,

Dự và điều hành Hội thảo, có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, TS Nguyễn Tuấn Phong - Phó Trưởng Ban đối ngoại Trung ương, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục an toàn thông tin, Bộ Thông tin truyền thông, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo Vụ Báo chí, Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, các cơ quan báo chí, truyền thông từ Trung ương đến các địa phương.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Huy Kỳ - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh:"Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa loài người sang kỷ nguyên của xã hội thông tin, xã hội tri thức và xã hội học tập; thúc đẩy sự biến đổi tất yếu của nền báo chí Việt Nam ở nhiều chiều khác nhau, bao gồm: tạo ra cuộc cách mạng và sự khuếch tán công nghệ trong nền báo chí - truyền thông, sự biến đổi nghề nghiệp thuộc lĩnh vực thông tin- truyền thông, sự biến đổi các dòng chảy trong “xã hội thông tin”, làm xuất hiện các chiều hướng phát triển khác nhau của lĩnh vực này ở mỗi khu vực, quốc gia và địa phương. Cách mạng công nghiệp 4.0, và đặc biệt là sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ và liên tục của mạng xã hội đã tác động mạnh và nhiều chiều vào tất các yếu tố căn bản của nền báo chí truyền thông từng quốc gia, với 3 yếu tố căn bản: nhà sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông, sản phẩm báo chí truyền thông - như là một hàng hóa, dịch vụ và sự biến đổi sâu sắc các nhóm công chúng truyền thông. 

Để làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn mạng xã hội và kinh nghiệm quản lý mạng xã hội ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới; nhận diện thực trạng, vấn đề của mạng xã hội và quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội, từ đó đề xuất mô hình và giải pháp quản lý thông tin, truyền thông ở Việt Nam đáp ứng đòi hỏi của tiến trình hội nhập, phù hợp với xu thế và bối cảnh phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam, Hội thảo khoa học “Mạng xã hội trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam” hướng tới 4 mục tiêu cụ thể sau đây:

Một là, thảo luận làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc gia về mạng xã hội và quản lý thông tin trên mạng xã hội trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin hiện nay. Hai là, thảo luận về thực trạng, những vấn đề đặt ra từ thực trạng mạng xã hội và các tầng lớp tham gia và sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Ba là, dự báo xu hướng phát triển mạng xã hội, các yếu tố ảnh hưởng, yêu cầu, điều kiện của sự phát triển mạng xã hội Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay. Bốn là, đề xuất hệ thống giải pháp nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của mạng xã hội ở Việt Nam phù hợp với yêu cầu và điều kiện của sự phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam hiện nay".

Tại Hội thảo, các đại biểu lần lượt được nghe tham luận của PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam về "Nhận diện Internet và xu hướng phát triển của mạng xã hội trong bối cảnh xã hội thông tin"; nghe PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Người làm báo trình bày chuyên đề: "Nhận diện thực trạng và xu thế phát triển các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội hiện nay"; nghe ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày chuyên đề: "Vấn đề quản lý Nhà nước về thông tin trên mạng xã hội"; nghe đại diện nhóm nghiên cứu của  Học viện Báo chí và Tuyên truyền, TS. Trần Quang Diệu trình bày: "Tóm tắt các nghiên cứu trường hợp tại 3 quốc gia: Áo, Hàn Quốc, Hoa Kỳ" và ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục an toàn thông tin, Bộ Thông tin truyền thông trình bày về lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin trong tình hình hiện nay.

Các tham luận được trình bày tại Hội thảo cho thấy cách tiếp cận rộng và sâu, theo cả chiều lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm, thể hiện nhiều quan điểm và hướng tiếp cận mới, nhiều ý kiến gợi mở cho nhóm nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước KX.01.10/16-20 cùng thảo luận, phản biện và tranh biện, nhằm rút ra kết luận về thực trạng, xu thế phát triển của mạng xã hội ở Việt Nam, vấn đề đặt ra, quan điểm định hướng và giải pháp, mô hình quản lý mạng xã hội theo nguyên lý phát triển, phù hợp với bối cảnh phát triển xã hội thông tin trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay. Mặc dù trên thực tế, các cơ quan quản lý báo chí truyền thông đã có nhiều nỗ lực và thành công nhất định trong quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội, từ đó còn nhiều bài học kinh nghiệm quý báu  cho Việt Nam, nhưng còn nhiều quan điểm và ý kiến khác cần bàn thảo, trao đổi để thống nhất, hình thành quan điểm định hướng cho việc tìm kiếm các giải pháp quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở nước ta trước yêu cầu và thách thức mới hiện nay

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà chuyên môn về thực trạng và sự phát triển mạng xã hội và sự tương tác với báo chí, qua đánh giá thực trạng đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, cán bộ tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay./.

Tuấn Đạt





















Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất