Thứ Bảy, 18/5/2024
Tin tức, sự kiện
Thứ Bảy, 16/12/2017 15:48'(GMT+7)

Một số kết quả nổi bật của ngành bảo hiểm xã hội trong năm 2017

Đồng chí Phạm Lương Sơn phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Phạm Lương Sơn phát biểu tại Hội nghị

Về một số chỉ tiêu chủ yếu, đối với công tác thu và phát triển đối tượng, tham gia BHXH bắt buộc là 13,35 triệu người; BHTN 11,47 triệu người; BHXH tự nguyện 224 nghìn người; BHYT 80,71 triệu người, bao phủ BHYT 86,4% dân số. Toàn Ngành thu BHXH, BHYT, BHTN 253.929 tỷ đồng; đạt 88,6% so với kế hoạch cả năm đã điều chỉnh, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu BHXH bắt buộc 174.671 tỷ đồng, BHXH tự nguyện 1.108 tỷ đồng, BHTN 11.837 tỷ đồng, BHYT 65.734 tỷ đồng). Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 10.952 tỷ đồng, bằng 4,1% so với số phải thu theo kế hoạch năm đã điều chỉnh; trong đó, nợ BHXH 8.805 tỷ đồng, nợ BHTN 573 tỷ đồng, nợ BHYT 1.573 tỷ đồng. 

Đối với việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN, lũy kế đến hết tháng 11: Ngành BHXH đã giải quyết cho hơn 127.000 người hưởng BHXH hàng tháng (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2016); giải quyết hơn651.000 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016); giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe 8,3 triệu lượt người (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016); chế độ BHTN 662 nghìn người; đặc biệt đã có 153,63 triệu lượt người đi KCB BHYT (tăng 17% so cùng kỳ 2016).  

Về việc chi trả chế độ BHXH, BHYT, đến hết tháng 11, toàn Ngành BHXH đã chi 248.556 tỷ đồng. Trong đó, chi BHXH từ nguồn Ngân sách 41.300 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 120.780 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 6.843 tỷ đồng và chi KCB BHYT 79.632 tỷ đồng.

Đồng chí Phạm Lương Sơn cũng nhấn mạnh một số kết quả nổi bật của ngành bảo hiểm xã hội trong năm vừa qua.

Về công tác cải cách thủ tục hành chính, cùng với thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm là công tác thu và phát triển đối tượng tham gia, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam thực hiện đẩy mạnh công tác cải cách TTHC. Những nỗ lực cắt giảm TTHC của ngành BHXH được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong nước và ngoài nước đánh giá cao. Đến thời điểm cuối năm 2017, ngành BHXH đã cắt giảm xuống còn 28 TTHC. 

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với Báo cáo 2017). Trong đó, chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2017). Nếu so với các nước Asean 4 và Asean 6, Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore (thứ 7), Thái Lan (thứ 67), Malaysia (thứ 73).

Về ứng dụng công nghệ thông tin, đã triển khai và đưa vào vận hành: Hệ thống Một cửa điện tử tập trung trên cơ sở phần mềm “Tiếp nhận và quản lý hồ sơ” qua đó theo dõi, giám sát tình trạng giải quyết hồ sơ, kịp thời đôn đốc tiến độ giải quyết TTHC; Hệ thống giao dịch BHXH điện tử để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử của Ngành; Hệ thống Thông tin giám định BHYT; Hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT; Trung tâm tâm chăm sóc khách hàng phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN... 

Xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình để cập nhật và cấp mã số BHXH cho từng cá nhân, tiến tới sử dụng Sổ BHXH, Thẻ BHYT điện tử, tạo thuận lợi cho người dân giao dịch với bất kỳ cơ quan BHXH nào trên toàn quốc; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT…;

Đến nay, cơ quan BHXH cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho gần 500.000 đơn vị SDLĐ. Báo cáo của Bộ TT-TT đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến và là 1 trong 3 đơn vị dẫn đầu khối bộ, ngành về mức độ giải quyết TTHC công qua mạng...

Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Lương Sơn cũng nêu ra những khó khăn trong thực hiện bảo hiểm xã hội hiện nay. Về việc tham gia BHXH, còn khoảng 50% đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp. Các tỉnh vùng Tây Nam bộ tỷ lệ bao phủ BHYT thấp so với mặt bằng chung cả nước. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT còn hạn chế. Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra. Số người nhận BHXH một lần vẫn gia tăng hằng năm.  Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ ốm đau, thai sản, quỹ BHTN, quỹ BHYT còn có diễn biến phức tạp. Còn một số nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở; khoảng cách giữa người có mức lương hưu cao nhất với thấp nhất quá xa; việc điều chỉnh tăng mức lương hưu qua các năm còn mang tính cào bằng nên chưa có tính chia sẻ trong chế độ hưu trí…

Trong năm 2018, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị  về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ

Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc phát triển đối tượng và thu nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các mảng hoạt động nghiệp vụ; hoàn thiện các phần mềm quản lý; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung ngành BHXH; mở rộng, hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên mạng Internet.

Đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp; phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí…

Bảo Châu


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất