Thứ Hai, 20/5/2024
Nhịp cầu Tuyên giáo
Thứ Năm, 29/4/2021 14:55'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội của các tỉnh Tây Nguyên

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

ĐIỂM MỚI TRONG CÔNG TÁC TỔ CHỨC NẮM BẮT DƯ LUẬN XÃ HỘI

Tây Nguyên là địa bàn các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng để thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, tuyên truyền tư tưởng “bài Kinh”, “ly khai”, “tự trị” để chia rẽ dân tộc. Vấnđề phức tạp gây ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của khu vực Tây Nguyên chủ yếu là các hoạt động chống phá của bọn phản động, các điểm nóng về phá rừng, tranh chấp đất đai giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các nông, lâm trường, đơn vị kinh tế và những hoạt động tuyên truyền, kích động chống phá diễn ra trên không gian mạng.Thời gian qua, Thường trực, ban thường vụ tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên đã có sự chú trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiệncông tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của thường trực, ban thường vụ, ban tuyên giáo tỉnh ủy các tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện lĩnh vực công tác này. Các tỉnh đều đã xây dựng được tổ chức, bộ máy, quy chế hoạt động đối với đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, cấp huyện (theo nhiệm kỳ, hàng năm có rà soát để bổ sung thay thế). Đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh của 4 tỉnh Tây Nguyên hiện nay là 105 đồng chí: Đăk Nông 15 đồng chí; Đăk Lăk 30 đồng chí; Gia lai 35 đồng chí; Kon Tum 25 đồng chí.  Đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện của 4 tỉnh Tây Nguyên hiện nay là 726 đồng chí: Đăk Nông 89 đồng chí; Đăk Lăk: 323 đồng chí; Gia lai: 314 đồng chí. Đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở của từng tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn, nhiều nơi hoạt động ổn định, có nề nếp; chất lượng, hiệu quả điều tra, nắm bắt dư luận xã hội, tổng hợp báo cáo, tham mưu cho cấp ủy ngày càng được nâng lên. Hằng năm, ban tuyên giáo tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên đều tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội cho cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh và cấp huyện. Qua các lớp tập huấn, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội được trang bị những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ, phương pháp điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội để có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Các địa phương, đơn vị thường xuyên duy trì chế độ tổng hợp báo cáo định kỳ theo tháng và báo cáo đột xuất khi có vấn đề phát sinh; đặc biệt là những vấn đề mới, nổi cộm gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, hoặc những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, nhạy cảm, phức tạp… góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định tình hình an ninh chính trị ở địa phương. Thông qua hệ thống cộng tác viên dư luận cấp tỉnh, cấp huyện, các phương tiện thông tin đại chúng, điểm báo hàng ngày, giao ban báo chí, dư luận xã hội hàng tháng, các hội nghị báo cáo viên, ban tuyên giáo tỉnh ủy các tỉnh biên tập, cung cấp thông tin có định hướng cho đội ngũ báo cáo viên qua các bản tin: “Sinh hoạt chi bộ”, “Sổ tay tuyên truyền”, “Thông báo nội bộ”…; đồng thời tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo định hướng tư tưởng, định hướng dư luận, nhất là những vấn đề mới, những nội dung nhạy cảm, phức tạp, dư luận quan tâm. 

Điểm mới trong việc tổ chức nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn Tây Nguyên là các tỉnh đã thiết lập hệ thống hộp thư điện tử công vụ (bảo mật) cho từng cộng tác viên cấp tỉnh để cộng tác viên dư luận xã hội phản ảnh, báo cáo tình hình. Nhờ đó, khi có vấn đề mới phát sinh, có sự việc phức tạp xảy ra, ban tuyên giáo tỉnh ủy có được những thông tin cần thiết để tham mưu cho cấp ủy kịp thời chỉ đạo, định hướng, giải quyết nhằm ổn định tình hình, đồng thời cũng góp phần giảm bớt các loại văn bản, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, hiện nay một số địa phương, đơn vị đã tích cực sử dụng internet, mạng xã hội để trao đổi thông tin và phục vụ công tác tuyên truyền có hiệu quả; chỉ đạo kiểm tra, phản hồi những thông tin báo chí, dư luận xã hội đề cập đến những vụ việc phức tạp xảy ra ở địa phương; chỉ đạo tuyên truyền, phản bác, gỡ bỏ thông tin giả, thông tin xấu, độc gây tâm lý hoang mang, lo lắng trên mạng xã hội.

Ngoài thực hiện những công việc thường xuyên theo sự chỉ đạo của thường trực, ban thường vụ tỉnh ủy, hàng năm, ban tuyên giáo tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tích cực phối hợp với Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương điều tra, khảo sát nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương. Qua báo cáo định kỳ hằng tuần, tháng, quý, 6 tháng, năm, ban tuyên giáo tỉnh ủy các tỉnh đều có tổng hợp, báo cáo về tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trên địa bàn cho Ban Tuyên giáo Trung ương. Nội dung báo cáo về tình hình tư tưởng, dư luận, tâm trạng xã hội của các tỉnh cũng chính là một kênh quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tham khảo, nghiên cứu, nắm được những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, đồng tình hay phản đối,… nhằm tham mưu và chỉ đạo định hướng thông tin tuyên truyền, định hướng tư tưởng, định hướng dư luận đảm bảo sát, đúng với tình hình thực tế.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác dư luận xã hội và hoạt động cộng tác viên năm 2018; triển khai nhiệm vụ công tác dư luận xã hội năm 2019 diễn ra ngày 27/12/2018.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác dư luận xã hội và hoạt động cộng tác viên năm 2018; triển khai nhiệm vụ công tác dư luận xã hội năm 2019 diễn ra ngày 27/12/2018.

Đối với cấp huyện, việc nắm bắt dư luận xã hội phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý thường xuyên được ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy quan tâm thực hiện. Việc nắm bắt dư luận xã hội ở các huyện, thị, thành phố được tổ chức thông qua đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội ở các đơn vị như ban tuyên giáo, ban dân vận, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và đội ngũ cộng tác viên, đội công tác phát động quần chúng… Đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội thường xuyên bám sát địa bàn, cơ sở, tích cực nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời tổng hợp, báo cáo về tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trên địa bàn. Thời gian qua, nhiều vấn đề, vụ việc liên quan đến tình hình an ninh chính trị, hoạt động tuyên truyền, kích động chia rẽ, chống đối của các thế lực phản động, thù địch; những vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội, tâm tư, nguyện vọng, của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân, những ý kiến trái chiều về việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ô nhiễm môi trường, đời sống kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh… đã được nắm bắt, tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời.

Nội dung báo cáo về tình hình tư tưởng, dư luận, tâm trạng xã hội của các tỉnh Tây Nguyên cũng chính là một kênh quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tham khảo, nghiên cứu, nắm được những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, đồng tình hay phản đối,… nhằm tham mưu và chỉ đạo định hướng thông tin tuyên truyền, định hướng tư tưởng, định hướng dư luận đảm bảo sát, đúng với tình hình thực tế.

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BAN, NGÀNH, ĐOÀN THỂ

Để công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, tham mưu cho cấp ủy thời gian tới đạt hiệu quả hơn, thường trực, ban thường vụ tỉnh ủy, ban tuyên giáo tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu để thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, nhất là cấp huyện và ở cơ sở cần nghiêm túc quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị để thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý các mặt công tác ở địa phương, nhất là trong việc chỉ đạo, định hướng tư tưởng, định hướng dư luận; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nội dung Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” và Hướng dẫn số 167-HD/BTGTW, ngày 26/12/2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc triển khai thực hiện; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nghiêm túc. Cần quan tâm hơn đến vấn đề chế độ chính sách đối với đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội; tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động từng năm và đột xuất để phục vụ cho công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội ở địa phương.

Thứ hai, ban tuyên giáo tỉnh ủy các tỉnh, ban tuyên giáo các cấp ủy đảng ở địa phương cần phải tiếp tục chủ động trong việc tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ công tác viên dư luận xã hội và chương trình, kế hoạch thực hiện công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội; chủ trì tổ chức giao ban cộng tác viên dư luận xã hội định kỳ đều đặn, có chất lượng, hiệu quả; hằng quý, 6 tháng, năm cần phải tham mưu cho cấp ủy tổ chức sơ kết, đánh giá công việc. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những nơi làm tốt; nghiêm túc phê bình, nhắc nhở những tổ chức, cá nhân thực hiện chưa tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; kiểm điểm, phê bình những cộng tác viên dư luận không phản ánh, báo cáo kịp thời để địa bàn được phân công theo dõi xảy ra nhiều điểm nóng, nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp; kiên quyết đề xuất thay thế những cộng tác viên thiếu nhiệt huyết, hạn chế về trình độ, năng lực công tác.

Thứ ba, tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội các cấp, các ngành ở từng tỉnh. Chú trọng xây dựng đội ngũ công tác viên dư luận xã hội là người đồng bào dân tộc thiểu số, có cơ cấu theo từng cộng đồng dân tộc. Trong việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, các cấp, các ngành, đơn vị cần quan tâm lựa chọn những cán bộ biết tiếng đồng bào, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén, có khả năng quan sát, tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo được diễn biến hình và phải tâm huyết với công việc. Chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp và những kỹ năng cơ bản về điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội cho cán bộ tuyên giáo, đội ngũ công tác viên.  

Chú trọng xây dựng đội ngũ công tác viên dư luận xã hội các tỉnh Tây Nguyên là người đồng bào dân tộc thiểu số, có cơ cấu theo từng cộng đồng dân tộc.

Thứ tư, thường xuyên nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền, địa phương, trình độ dân trí, phong tục, tập quán và sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông… để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác dư luận xã hội, từ việc tổ chức điều tra, nắm bắt dư luận, chọn lọc thông tin xây dựng báo cáo tham mưu cho cấp ủy, đến việc thông tin tuyên truyền định hướng dư luận phải đảm bảo kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện; tích cực theo dõi, hướng dẫn, cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết cho đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội. Tăng cường thực hiện việc nắm bắt thông tin, dư luận thông qua phương thức kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị ở các tỉnh, các huyện với các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục nghiên cứu thiết lập các kênh thông tin trên internet, mạng xã hội facebook, zalo, viber… để theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội. 

Thứ năm, nâng cao trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong việc phối hợp với ban tuyên giáo các cấp thực hiện công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội để tham mưu cho cấp ủy; thường xuyên phối hợp, tham gia tổ chức thực hiện tốt việc giao ban cộng tác viên dư luận xã hội; kịp thời chỉ đạo, định hướng hoạt động đối với đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội ở các cấp, các ngành. Những nội dung cộng tác viên dư luận xã hội phản ánh, báo cáo cần phải được tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết, chỉ đạo định hướng thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tư tưởng, ổn định tình hình; các cấp, các ngành ở địa phương cần phải nghiêm túc tiếp thu để chỉ đạo xử lý, giải quyết những hạn chế, bất cập, nếu cán bộ và nhân dân nhìn nhận chưa đúng vấn đề, bản chất sự việc thì phải có thông tin giải thích, phản hồi kịp thời. Qua kết quả điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội, lãnh đạo các cấp ở tỉnh cần phải tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để giải đáp thắc mắc, giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là những vấn đề như: tranh chấp đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, ô nhiễm môi trường. Đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trước khi triển khai thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm chỉ đạo điều tra, nắm bắt dư luận, kịp thời phát hiện những bất cập cũng như những vấn đề tư tưởng phức tạp nảy sinh để chỉ đạo giải quyết./.

TS. Nguyễn Huy Ngọc
Vụ trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực miền Trung, Tây Nguyên

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất