Chủ Nhật, 19/5/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 22/9/2023 9:6'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Trường  Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: PHIÊN AN

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: PHIÊN AN

Hơn 4.000 tân sinh viên và học viên sau đại học tham dự lễ khai giảng năm học 2023-2024 do Trường  Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức tại cơ sở Thủ Đức vào sáng 21/9.

 Diễn văn tại Lễ Khai giảng do Hiệu trưởng Ngô Thị Phương Lan trình bày nhấn mạnh: Năm học vừa qua trường bước vào giai đoạn tự chủ, ngay sau những khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, với sự nỗ lực của tập thể đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên, Trường đã vượt qua những khăn hoàn thành kế hoạch đào tạo và tuyển sinh.

Một trong những điểm nhấn trong năm học vừa qua đó là Nhà trường đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, đào tạo và tuyển sinh; công tác kiểm định chương trình, quốc tế hóa chương trình đào tạo, lấy sinh viên làm chủ thể, đẩy mạnh tính chuyên nghiệp, thực hiện chiến lược công bố nghiên cứu khoa học quốc tế với giảng viên, cán bộ của Trường. Trường đã có rất nhiều dự án phục vụ cộng đồng, tư vấn phản biện chính sách cho xã hội và các địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, Trường đã lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh nhân văn, giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao tặng cho nhà trường bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao tặng cho nhà trường bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

“Tất cả tập thể sư phạm Nhà trường luôn ghi nhớ và thực hiện triết lí giáo dục “Toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa”; ươm mầm nuôi dưỡng và phát triển các tài năng trong tương lai của đất nước trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn” – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho hay.

Phát biểu tại Lễ khai giảng, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gửi lời chúc mừng đến tập thể lãnh đạo, giảng viên, học viên, sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đón một năm học mới với những thắng lợi mới; đồng thời biểu dương và đánh giá cao những thành tựu, những đóng góp của nhà trường trong 65 năm qua và những thành tích dấu ấn trong năm học vừa qua 2022 - 2023.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là trường có bề dày lịch sử hơn 65 năm xây dựng và phát triển. Đến nay, Trường đã trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của cả nước về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; địa chỉ uy tín, tin cậy của các đối tác quốc tế; cơ sở giáo dục đại học đa ngành với 29 khoa trực thuộc, 19 trung tâm, 13 phòng chức năng, hơn 900 cán bộ giảng viên và gần 20.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang công tác, theo học. Nhà trường có quan hệ đối tác với hơn 250 trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới.

Kể từ khi thành lập tới nay, Trường đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, có nhiều đóng góp nổi bật trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội và nhân văn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó. Hơn 65 năm qua, Nhà trường đã đào tạo cho đất nước nhiều nhà giáo, nhà khoa học, chính trị gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, doanh nhân xuất sắc. Trong đó, nhiều thế hệ cựu sinh viên của Nhà trường đã và đang đảm nhiệm những cương vị, trọng trách rất quan trọng của Đảng và Nhà nước.

TS Lưu Trung Thủy - Trưởng ban Ban Công tác Sinh viên ĐHQG-HCM, trao học bổng của Quỹ Phát triển ĐHQG-HCM cho 2 thủ khoa tuyển sinh. Ảnh: PHIÊN AN

TS Lưu Trung Thủy, Trưởng ban Ban Công tác Sinh viên ĐHQG-HCM, trao học bổng của Quỹ Phát triển ĐHQG-HCM cho 2 thủ khoa tuyển sinh. Ảnh: PHIÊN AN

Năm học 2022 - 2023, Nhà trường tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, với nhiều thành tích nổi bật trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Trường đã hoàn thành 100% chỉ tiêu chiến lược quản trị đại học và chiến lược phát triển khoa học công nghệ phục vụ cộng đồng; hoàn thành 67% chỉ tiêu chiến lược công tác người học, văn hóa đại học và chiến lược cơ sở vật chất tài chính.   

Nhắc lại những nội dung được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong phát triển khoa học xã hội và nhân văn, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn cần tiếp tục nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tạo đột phá về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học để tiếp tục dẫn đầu trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có năng lực lãnh đạo, tư duy khởi nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cần tiếp tục đẩy mạnh tự chủ, coi tự chủ đại học là giải pháp đột phá để phát triển; có chính sách đủ mạnh để thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; đổi mới quản trị Nhà trường theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế… ;Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, sớm thí điểm đại học số, chủ động, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và phục vụ cộng đồng.

TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, trao học bổng Quỹ Khuyến học - Khuyến tài cho 3 thủ khoa tuyển sinh. Ảnh: PHIÊN AN

TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, trao học bổng Quỹ Khuyến học - Khuyến tài cho 3 thủ khoa tuyển sinh. Ảnh: PHIÊN AN

Nhà trường tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo của các ngành học Nhà trường có thế mạnh. Nghiên cứu, sáng tạo, truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, của đất nước trong từng giai đoạn, cập nhập và phù hợp với xu hướng phát triển chung về khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới. Đặc biệt coi trọng giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống, giáo dục nhân cách và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ. Gắn kết mật thiết giữa đào tạo với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam.

Với các sinh viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ các em hãy chủ động học tập, nghiên cứu, tận dụng cơ hội này trong sự đồng hành của bạn bè, với sự giúp đỡ của thầy cô và Nhà trường cho một tương lai tươi sáng phía trước.

Phát biểu tại Lễ khai giảng, đại diện các cơ quan ngoại giao, ông Enrico Padula - Tổng lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Ý tại TP Hồ Chí Minh khẳng định trong thời gian qua, các chương trình đào tạo tại Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thúc đẩy xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp trên nền tảng hiểu biết và thấu hiểu lẫn nhau giữa người trẻ Việt Nam và các nền văn hóa khác trên thế giới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sáng 21/9.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sáng 21/9.

* Sau Lễ Khai giảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa có buổi làm việc với lãnh đạo Nhà trường về công tác đào tạo nhân lực lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nói chung, nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông nói riêng.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông…

Theo Báo cáo của Nhà trường, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông của trường đã có nhiều đóng góp cho đất nước.

Dù vậy, trong công tác đào tạo nhân lực lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Trong đó, lĩnh vực Báo chí, Xuất bản, Truyền thông là lĩnh vực đặc thù, nhưng đến nay chưa có chính sách riêng để đầu tư phát triển nên chưa tạo thuận lợi cho trường trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội

Mặt khác, việc ồ ạt đào tạo ngành truyền thông của các trường dân lập hiện nay đang tạo hiện tượng “nóng ảo,” dẫn đến khả năng dư thừa về đầu ra và không đảm bảo về chất lượng đào tạo.

Cùng với kiến nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho đào tạo lĩnh vực này bằng nguồn lực cũng như chính sách, lãnh đạo Nhà trường kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tăng cường biện pháp quản lý, giáo dục về an toàn thông tin mạng, qua đó khẳng định lại vai trò, vị thế và công việc của người làm báo, các cơ quan báo chí chuyên nghiệp.

Chia sẻ về những khó khăn của Nhà trường trong thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết khi tự chủ, chi phí đào tạo đều dồn vào nguồn thu học phí.

Điều này đặt ra với trường bài toán về cân bằng giữa đào tạo những ngành đào tạo nhu cầu xã hội và những ngành khoa học cơ bản phục vụ cho quá trình phát triển lâu dài của đất nước.

Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, trường chủ động thực hiện nhiều giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả tự chủ đại học, Nhà trường kiến nghị Nhà nước tạo chính sách, cơ chế phù hợp để các trường đại học được tự chủ thực sự.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, các Nghị quyết sau Đại hội XIII của Đảng đã giải quyết rất hài hòa giữa văn hóa, kinh tế, xây dựng Đảng, công tác đối ngoại; trong đó, vấn đề văn hóa, con người đặc biệt được quan tâm và nâng lên tầm cao mới, công tác báo chí được quan tâm.

Ghi nhận những ý kiến kiến nghị của trường, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng trong điều kiện hiện nay, công tác báo chí, xuất bản nói chung và hoạt động đào tạo chuyên ngành báo chí, xuất bản cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.

Báo chí là lĩnh vực rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính trị tư tưởng và đạo đức; là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, là diễn đàn về chính trị, văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Vì thế, trong công tác đào tạo đội ngũ báo chí, truyền thông, xuất bản cần chú trọng tính tinh thông, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế.

Trường cần thực hiện cơ chế phối hợp công tác đào tạo, giảng dạy để tăng cường tính thực tiễn cho sinh viên chuyên ngành báo chí, xuất bản..., từ đó có thể đào tạo được đội ngũ những người làm công tác thông tin, tuyên truyền đáp ứng yêu cầu./.

Tường Vy

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất