Thứ Ba, 7/5/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 11/11/2019 9:46'(GMT+7)

Nâng cao nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân về hàng Việt Nam

CÁC CẤP UỶ ĐẢNG QUAN TÂM CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Ngay sau khi có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh và cấp huyện, các cấp ủy đảng đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu dùng hàng Việt Nam” đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; đưa nội dung cuộc vận động vào chương trình công tác của cấp ủy địa phương. 

Các chi, đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động, thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam. Các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp thiết thực triển khai thực hiện Cuộc vận động gắn với chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế ở địa phương; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng; tiến hành rà soát, sửa đổi, ban hành chính sách, cắt giảm các thủ tục hành chính phiền hà, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.

Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tỉnh Đồng Nai

Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tỉnh Đồng Nai

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa; tập trung thực hiện hiệu quả, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện chuyển biến mạnh mẽ trên từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; tập trung thực hiện một số nhiệm vụ của một số lĩnh vực cụ thể như tài chính, ngân hàng, đầu tư công. 

Thực hiện chỉ đạo của các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với chính quyền cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Cuộc vận động với nhiều hình thức sinh động như: Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN các cấp đưa nội dung cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, “Tuần hàng Việt Nam”, “Phiên chợ công nhân”…

Các hội, đoàn thể cũng có nhiều hoạt động tích cực như: Hội Nông dân tỉnh với phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Hội Phụ nữ tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông, giới thiệu sản phẩm đến hội viên; Tỉnh Đoàn và Liên đoàn Lao động tỉnh có chương trình “Ngày hội Thanh niên công nhân”, “Tuần lễ thanh niên công nhân”; Hội Cựu Chiến binh tỉnh với phong trào “Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”, thực hành tiết kiệm trong mua sắm tài sản công, qua đó, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo, hàng năm Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện cuộc vận động; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại… 

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG

Thứ nhất, về công tác tuyên truyền về Cuộc vận động.

Giai đoạn 2009 – 2019, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã phối hợp tuyên truyền hơn 484 ngàn cuộc với hơn 23 triệu lượt người bằng nhiều hình thức đa dạng như: lồng ghép nội dung vận động “Ưu tiên sử dụng hàng Việt” trong sinh hoạt của các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, các cuộc họp nhân dân; phối hợp với các ban, ngành lắp đặt pano, băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướng tuyên truyền, diễu hành xe hoa cổ động; thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, hội nghị ... 

Tỉnh Đồng Nai đã cấp miễn phí bản tin thị trường nhằm kịp thời cung cấp thông tin về giá cả, tình hình cung cầu của các mặt hàng chủ lực của tỉnh, giúp cho người dân nắm bắt nhu cầu và nâng cao khả năng tham gia thị trường.

Công tác truyền thông về chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.

Công tác truyền thông về chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.

Các sở, ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ, như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các hội nghị báo cáo viên, định hướng tuyên truyền cuộc vận động trên Bản tin Thông báo nội bộ, Bản tin Đại đoàn kết định kỳ hàng tháng; Sở Công thương phát hành các bản tin, chuyên đề khuyến công, hướng dẫn tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động qua băng rôn, cờ phướn, đĩa CD, DVD, sổ tay; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, cập nhật nội dung “Sổ tay tổng hợp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh” cung cấp cho các doanh nghiệp; Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến các doanh về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các hoạt động về sở hữu trí tuệ bằng hình thức tổ chức hội nghị hoặc hướng dẫn trực tiếp; Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên định hướng công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp giao ban báo chí; Sở Ngoại vụ phối hợp tuyên truyền, đưa các sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... 

Bên cạnh đó, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai, Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai đã đăng hơn 4.726 tin bài tuyên truyền về Cuộc vận động trên các chuyên trang, chuyên mục ... qua đó, đã góp phần chuyển biến nhận thức và thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong việc mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam.

Ban vận động cấp huyện và xã đã vận động, hướng dẫn Ban quản lý các chợ, các hộ kinh doanh tích cực hưởng ứng Cuộc vận động thông qua việc niêm yết đúng giá, không bán thách, không bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thực hiện việc ưu tiên trưng bày hàng Việt ra mặt tiền để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn; ưu tiên bán sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất; tăng cường văn hóa ứng xử để luôn “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” …

Thứ hai, về ban hành cơ chế, chính sách.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống dịch vụ phân phối; rà soát các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại không còn phù hợp với tình hình thực tế để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thâm nhập thị trường nội địa, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và xây dựng thương hiệu, mạng lưới phân phối; xây dựng và nâng cao chuỗi giá trị cho từng ngành hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh trên cơ sở liên kết giữa khâu sản xuất, khâu thu mua, sơ chế/chế biến, bảo quản và cuối cùng là khâu tiêu thụ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại.

Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường phối hợp với các cơ quan báo, Đài, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh công bố thường xuyên, kịp thời danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn mới được ban hành; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; thông tin rộng rãi chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị đến người tiêu dùng... Đã tập trung công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người dân trên địa bàn hiểu, biết, đánh giá đúng quy định về chất lượng hàng hóa, khả năng sản suất, khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt Nam.

Thứ ba, về công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát giá cả.

Nhằm bình ổn thị trường hàng hóa, đảm bảo không để xảy ra trường hợp găm hàng, khan hiếm hàng hóa và tăng giá hàng hóa cục bộ nhất là trong dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán, từ năm 2011 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 8 Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh (hiện có 11 mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của tỉnh gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gà, thịt heo, trứng gia cầm, gia vị (bột ngọt, bột nêm), nước chấm (nước tương, nước mắm), sách giáo khoa, vở học sinh, thuốc tân dược). Đến nay, có tổng cộng 210 đơn vị tham gia với 781 điểm bán hàng bình ổn giá, tổng doanh thu bán hàng của các đơn vị là hơn 629 tỷ đồng.

Công tác quản lý thị trường được tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Đã kiểm tra trên 31 ngàn vụ, phát hiện trên 28 ngàn vụ vi phạm, qua đó đã xử lý trên 28 ngàn vụ, thu phạt nộp ngân sách nhà nước là 75,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất hàng giả, kinh doanh hàng kém chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều mặt hàng tiêu dùng của các thương hiệu nổi tiếng và có doanh số bán cao như: Mỹ phẩm, bột giặt, sữa hộp, nước mắm, nước ngọt, bánh, kẹo, các loại gia vị, săm xe máy, gas, bột ngọt, phân bón… bị làm giả hoặc sản xuất chưa đạt chất lượng, gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng, người nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Cuộc vận động đã khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế; có sự hưởng ứng đông đảo của các tầng lớp nhân dân đối với Cuộc vận động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh.

Đồng thời, Cuộc vận động tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Qua đó, cuộc vận động đã tạo sự đồng thuận xã hội, sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hưởng ứng trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2019 tăng 55% so với giai  đoạn 2009 – 2014. 

Qua khảo sát hơn 4.000 người tiêu dùng ở thành thị và nông thôn về cuộc vận động cho thấy: Đa số các ý kiến bày tỏ rất quan tâm đến cuộc vận động; người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn rất quan tâm tới sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; các nhóm sản phẩm,  hàng hóa có chất lượng cao sản xuất trong nước được người tiêu dùng thường xuyên sử dụng như: Đường Biên Hòa; sữa Vinamilk; bia Sài Gòn; dệt may Việt Tiến, Vina Café, giày dép Biti’s…; một số mặt hàng đã được nhiều người tiêu dùng ở thành thị ưa chuộng hơn trước như: Các sản phẩm đồ gia dụng; thực phẩm rau, quả; các sản phẩm dệt may; các sản phẩm điện tử, điện lạnh… Trên thực tế sức tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng đều.

Qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Đồng Nai, một số kết quả ban đầu có thể rút ra như sau:

Một là, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều hình thức và nội dung phong phú để tuyên truyền, cổ động đến các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về định hướng lựa chọn hàng hóa để mua sắm phục vụ cho công tác, sinh hoạt gia đình, từng bước thay đổi hành vi, văn hóa tiêu dùng, tâm lý chuộng “hàng ngoại” đã giảm đáng kể. 

Hai là, Cuộc vận động đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển. Các doanh nghiệp tích cực phối hợp với các ngành chức năng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường bằng nhiều hình thức phong phú như: Hội thảo và sử dụng thử sản phẩm, hội chợ, triển lãm, đưa hàng trực tiếp đến các khu công nghiệp...Các doanh nghiệp ý thức được ý nghĩa của cuộc vận động, xác định đây là cơ hội để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất, kinh doanh. 

Cuộc vận động đặt ra các nhu cầu bức thiết cho nhà sản xuất phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thường xuyên cải tiến mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, mở rộng phát triển mạng lưới phân phối đi đôi với chính sách hậu mãi… để có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. 

Hiện một số sản phẩm mang thương hiệu Việt tại Đồng Nai có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và ngày càng phát triển như: Vinacafe, đường Biên Hòa, bánh kẹo Biên Hòa (bibica), bóng đèn Điện Quang, trứng gà Thanh Đức, kẹo đậu phộng Yến Nhung… Doanh nghiệp còn thực hiện liên kết với những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh để hợp tác sản xuất, trên cơ sở đó tranh thủ thế mạnh của đối tác để cải tiến hoạt động sản xuất, phân phối. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã theo hướng bền vững, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: IPM, Việt Gap, Global Gap, tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống đã được áp dụng nhiều trong sản xuất, theo đó hiệu quả sản xuất nông nghiệp đã được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn những điểm hạn chế như: 

Thứ nhất, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động mang lại hiệu quả nhận thức cao nhưng chưa thường xuyên, liên tục, có nơi còn lúng túng, hoạt động còn riêng lẻ, chưa gắn kết, chưa có sức lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. 

Thứ hai, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tuy đạt được một số kết quả tích cực nhưng do diễn biến thị trường còn nhiều phức tạp; hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái nhằm thu lợi bất chính có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thứ ba, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp, tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Kết quả kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, công nghiệp còn hạn chế do các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đa số có quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, quy cách sản phẩm, quy trình sản xuất trồng trọt, chứng nhận an toàn thực phẩm… và chưa thực hiện nghiêm túc theo định hướng, thông tin cảnh báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên xảy ra tình trạng sản xuất tràn lan, dẫn đến cung vượt cầu, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm./.

Phạm Tuấn Nghĩa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất