Thứ Hai, 20/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 20/2/2015 10:11'(GMT+7)

Ngày xuân - nghĩ về vận nước và thế nước

Lòng yêu nước là vũ khí tinh thần

PV:  Nhà văn Nga Ilia Erenbua đã viết thế này: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh... Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vônga, con sông Vônga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Theo đồng chí, cách nói, hay quan niệm về lòng yêu nước như vậy có đúng không?

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Đúng vậy đó. Lòng yêu nước bắt đầu từ tình yêu đối với những điều bình dị của quê hương, xứ sở. Từ những dòng sông, con suối, những dãy núi hay con đường quanh co trong làng, hàng cau hay cây đa cuối làng, kể cả mảnh trăng cuối rừng, mùi hương hoa sữa hay mùi hoa dạ hương... Tất cả ẩn sâu trong tâm trí suốt một đời con người. Nhất là những hình ảnh từ tuổi thơ và từ bao giờ không biết, nó cứ thế đi vào ký ức thành nỗi nhớ, thành tình yêu, nó tụ lại, đông đặc lại, kết tinh lại thành lòng yêu nước.

Nhưng không phải chỉ như vậy mà quan trọng hơn nữa, sâu hơn nữa đó là tình cảm đối với những con người ruột thịt của ta và những người nhân nghĩa, thảo thơm, bình dị mà cao quý sống chung quanh ta. Ở Hội An, Quảng Nam quê tôi, có mấy người xa quê kể lại, họ rất nhớ tiếng rao đêm khuya của người bán tào phớ, nhớ bà gánh đôi gánh bán chè đậu ván mà họ được nghe khi còn nhỏ ở Hội An. Tôi nhớ đến giọng hò, bài dân ca, một bản nhạc, hay lời ru ầu ơ của mẹ, của bà; hình ảnh người mẹ tần tảo suốt đời nuôi con khôn lớn rồi hiến dâng đứa con cho Tổ quốc; hình ảnh cụ già tóc bạc trong làng luôn khuyên bảo mọi người điều hay lẽ phải mà ai cũng kính trọng; hình ảnh người thầy trí tuệ và nhân cách; người hàng xóm tốt bụng hay nụ cười và những câu chuyện của người lái đò... Những con người ấy có thể đi cùng ta trong những chặng đường đời, họ sống trong miền hồi ức của ta, khiến ta trân trọng, nhớ thương, yêu mến.

Hun đúc thêm lòng yêu nước, không thể không nhắc đến những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, những con người đã sống oanh liệt, chết lẫm liệt cho Tổ quốc và dân tộc. Họ bước ra chiến trường, bước ra pháp trường trước lưỡi máy chém hay họng súng của quân thù mà vẫn hiên ngang khí phách, ngẩng cao đầu. Những tấm gương trung liệt ấy, thời đại lịch sử nào của dân tộc ta cũng có, kể cả những câu chuyện đã trở thành huyền thoại từ thời kỳ xa xưa truyền lại. Những Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... đã góp phần hình thành lòng yêu nước trong mỗi chúng ta, tạo thành hồn thiêng đất nước, hào khí non sông. “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất, những buổi ngày xưa vọng nói về” là như vậy.

PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Đồng chí nhìn nhận lòng yêu nước hiện nay đang được biểu hiện như thế nào, có rõ rệt và dễ dàng cảm nhận thấy hay không?
 
 Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Lòng yêu nước biểu hiện không cần phải ồn ào, náo nhiệt mà lặng lẽ, đi vào chiều sâu, bền bỉ, âm thầm, chảy mãi, ấm mãi trong đường gân, thớ thịt, con tim, trong tình cảm và tâm thức của mỗi người. Lòng yêu nước muôn đời nay là nền tảng, là động lực giúp cho dân tộc ta vượt qua những thử thách nghiệt ngã của lịch sử để đứng vững và tiến lên trong sự trường tồn. Lòng yêu nước ấy không chỉ là sức mạnh tinh thần, đến một độ cần thiết, nó sẽ chuyển thành sức mạnh vật chất. Người ta hiến dâng những của cải, tài sản, mảnh đất, ngôi nhà, khu vườn của mình cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc ngày xưa và công cuộc xây dựng đất nước ngày nay nếu như người ta thấy, người ta tin được việc đó là chân chính. Trong nhịp sống bình thường, điều này khó nhìn thấy, nhưng khi đất nước có biến cố, sự cố, nhất là lúc Tổ quốc lâm nguy, đất nước bị thiên tai, đồng bào gặp hoạn nạn hoặc mỗi dịp kỷ niệm các sự kiện lớn của dân tộc thì ta sẽ dễ dàng cảm nhận được lòng yêu nước. Lòng yêu thương con người, yêu đồng bào của mình chính là biểu hiện của lòng yêu nước ấy. Rồi niềm tự hào, hãnh diện trước những thành công, những sáng kiến, phát minh, những công trình khoa học, những sản phẩm có thương hiệu của người Việt Nam được thế giới ghi nhận, trân trọng. Kể cả cái cảm xúc vui mừng khi thắng, buồn bã khi thua mỗi khi đội bóng mang cờ đỏ sao vàng thi đấu. Ta mừng hơn khi nhân cách của đội bóng ấy đẹp, lối chơi hay... Những điều ấy đều là những cách thể hiện khác nhau của lòng yêu nước.

Có hai sự kiện lớn gần đây biểu đạt rõ rệt tình cảm thiêng liêng này. Đó là khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển nước ta, khắp đất nước từ Nam chí Bắc, từ người già đến người trẻ, miền núi, đồng bằng... không phân biệt lứa tuổi, tôn giáo, xu hướng, lập tức thống nhất một ý chí là bảo vệ sự toàn vẹn của Tổ quốc, toàn vẹn biển, đảo của Việt Nam. Tất cả như rùng rùng chuyển động trong đời sống tinh thần, nhanh đến không hiểu nổi.

Rồi khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, người dân cả nước không ai bảo ai, lặng lẽ đến thắp hương suốt ngày suốt đêm, như một dòng nước quanh ngôi nhà của Đại tướng. Những người giữ xe dọc đường miễn phí; giữa trưa nắng, biết bao người bán nước không thu tiền; rồi cả những bà, những cô gánh mấy gánh hoa tươi truyền tay cho những người đi viếng cụ Giáp mỗi người một bông. Đẹp, nghĩa tình trong sự trật tự, trang trọng thể hiện lòng yêu mến đối với một vị tướng đã sống, chiến đấu cả đời cho độc lập, tự do của dân tộc và cũng là sự ngưỡng mộ đối với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc... Đồng thời, cũng thể hiện lòng trân trọng đối với một nhân cách, chẳng những là một người anh hùng có công lớn mà còn là một nhân cách suốt đời tâm huyết với dân, với nước. Cách họ yêu mến cụ Giáp cũng đã lặng lẽ nhắn gửi với hiện tại, hậu thế thông điệp rằng nhân dân chúng tôi chỉ mãi kính trọng những con người có nhân cách như vậy.

Đó chính là lòng yêu nước, là điều có thể lay động đến những khoảng sâu thẳm trong tinh thần, tình cảm của con người, khơi dậy tinh thần dân tộc.

PV: Nói đến “lòng yêu nước”, theo Giáo sư Trần Văn Giàu: “Vận nước suy hay thịnh... phần rất quan trọng là tuỳ thuộc ở chỗ ta phát huy hay ta quên lãng và chôn vùi món vũ khí tinh thần ấy”. Trước hai sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển nước ta và tướng Giáp mất, lòng người đã quy về một mối. Theo đồng chí, làm thế nào để duy trì nó như nguồn sức mạnh trong dân chứ không phải chỉ là những cảm xúc khởi phát. Đảng, Nhà nước ta phát huy thật tốt “vũ khí tinh thần ấy” hay chưa?

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Trong chiến tranh, tôi nghĩ Đảng và Nhà nước đã phát huy rất tốt vũ khí tinh thần ấy. Làm sao ta lại có thể chiến thắng những đội quân từ phương Bắc, phương Tây mạnh hơn ta gấp nhiều lần cả về phương diện vũ lực, trang bị, tài chính... Nếu so sánh về tương quan lực lượng vật chất thì không giải thích được, chỉ có thể giải thích đến tận cùng là sự chiến thắng của nền văn hóa. Nói như thế không có nghĩa là chính trị và quân sự không quan trọng, mà chính trị đúng đắn đã khơi dậy và đã phát huy được bởi sức mạnh của văn hóa, bản thân trong chính trị đã có văn hóa. Hay quân sự cũng vậy, những người chiến sĩ, sĩ quan quân đội bước ra chiến trường với sức mạnh của một nền văn hóa ở bên trong, chiến đấu đến thành nghệ thuật, tức nó là văn hóa, bản thân lòng dũng cảm, anh hùng - là văn hóa.

Trong hòa bình, xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước cũng luôn chú trọng phát huy lòng yêu nước. Nhưng nói thật tốt chưa thì có thể nói chưa thật tốt, chưa đủ, chưa bằng thời kỳ bảo vệ Tổ quốc.

Tại sao như vậy? Trong bảo vệ Tổ quốc, tuyệt đại đa số mọi người, từ tướng lĩnh đến chiến sĩ, từ cán bộ lãnh đạo đến nhân dân, từ những người có chức tước đến những người bình thường đều một lòng, một dạ trong một chí hướng vì độc lập của dân tộc, gìn giữ toàn vẹn sơn hà. Ai cũng sẵn sàng hy sinh, dũng cảm, gương mẫu xông lên với một một ý chí, một tinh thần xả thân và trở thành tấm gương sáng. Bản thân điều đó có sức hội tụ, quy tụ, tập hợp mọi người dưới cờ nghĩa. Trong hòa bình,  con người trở về với những nhu cầu đa dạng trong cuộc sống. Sự xả thân của người cán bộ không phải ai và lúc nào cũng được như trong thời chiến. Rồi có chuyện tham nhũng, lợi ích nhóm, có chuyện tiêu cực, có động cơ cá nhân, vụ lợi... Chính những hiện tượng đó làm lòng người phân tâm.

“Tập hợp được sĩ phu” đất nước sẽ cường thịnh

PV: Theo quy luật phát triển, vận nước, thế nước sẽ có lúc thịnh, lúc suy. Nói như nhà bác học Lê Quý Đôn, một trong những nguyên nhân làm thế nước suy là “sĩ phu ngoảnh mặt”. Đồng chí nghĩ gì về quan niệm này của Lê Quý Đôn?

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Lê Quý Đôn nói rất đúng. Loài người nói chung, bằng trí tuệ mà trở thành chúa tể của muôn loài, trở thành chủ nhân của vũ trụ. Sức mạnh của một dân tộc nói cho cùng liên quan hàng đầu, số một đến sức mạnh trí tuệ, tinh thần. Dân tộc nào cũng vậy, có trường tồn không, có bảo vệ được sơn hà hay không là nhờ sức mạnh ấy trước tiên.

Đội ngũ sĩ phu trưởng thành đến mức độ nào, nhiều hay ít, cống hiến ra sao là biểu hiện quan trọng bậc nhất trí tuệ của một dân tộc mà họ là đại diện. Họ có khả năng tác động, lan tỏa các giá trị tinh thần dân tộc vào trong cộng đồng. Cho nên, tập hợp được sĩ phu, sử dụng được sức mạnh trí tuệ ấy cho đất nước và dân tộc cường thịnh thì việc đó vô cùng quan trọng, có ý nghĩa hàng đầu, quyết định thành công hay thất bại trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Khi họ “ngoảnh mặt” có nghĩa là không tập hợp được, nghĩa là để cho sức mạnh trí tuệ bị phân tán, không tụ về một mối, không có sự đồng lòng cho phát triển của dân tộc, của đất nước. Và nó cũng góp phần làm cho thế nước suy.

PV: Vậy, theo đồng chí, làm thế nào để kết nối và phát huy sức mạnh trí thức, nhân tài và sức mạnh của nhân dân vào công cuộc xây dựng đất nước?

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Tuy “hào kiệt thời nào cũng có” như Nguyễn Trãi từng viết, nhưng ông cũng chỉ ra là: “Nhân tài có thể đứng ở trong hàng quan nhỏ, ở bìa rừng, ở đồng nội...”, có nghĩa họ không phải là những kẻ cơ hội, chạy lăng xăng nịnh hót, chạy chọt, mua bán chức tước. Sĩ phu chân chính có tư duy độc lập và có lời nói thẳng, họ không chịu làm tay sai, họ không chịu làm cảnh.

Muốn “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, để sĩ phu, hiền tài không “ngoảnh mặt” thì điều thứ nhất, là sự nghiệp phải đại nghĩa, trong sáng, nhân văn; thứ hai, như người xưa nói, phải “chiêu hiền, đãi sĩ”, trọng dụng nhân tài, quy phục họ bằng chân lý, lẽ phải dưới ngọn cờ nghĩa chứ không phải bằng sức mạnh, uy vũ. Người lãnh đạo phải cao thượng, phải trí tuệ, phải biết lắng nghe những ý kiến khác mình, tôn trọng và bình đẳng với người có ý kiến khác mình, luôn luôn có nhu cầu tự thân là tiếp thu, tiếp biến để hoàn thiện nhân cách của chính mình, như vậy mới chiêu được hiền tài và thu phục nhân tâm, dân chúng đồng thuận, đồng lòng.

PV: Năm 2015 là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng, cũng là thời điểm chuẩn bị tổng kết 30 năm đổi mới đất nước. Có người đang bắt đầu nhắc đến khái niệm Đổi mới 2, với hàm nghĩa sau chặng đường 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa lịch sử thì hiện nay Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới cũng như nguy cơ tụt hậu mới. Vậy theo đồng chí, đây có phải thời điểm vận mệnh đất nước cũng đang đứng trước những thời cơ mới? Liệu cần có thêm những bước đột phá, bước đổi mới hay không? Kỳ vọng của đồng chí là gì?

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Vận mệnh đất nước, theo cách hiểu của tôi, không phải hoàn toàn ngẫu nhiên đâu. Có lúc phảng phất yếu tố ngẫu nhiên nhưng cái ngẫu nhiên đó là do con người tạo ra, tích tụ trong thế giới vận động của con người mà tạo thành thời cơ, vận hội.

Có nghĩa là, hoàn toàn có thể có vận nước tốt nếu ta biết kiến tạo, nếu ta biết chủ động nắm bắt xu thế phát triển, biết đẩy thế nước đi lên.

Sau gần 30 năm đất nước tiến hành đổi mới, thế nước, vận nước sẽ thay đổi nếu trong thời điểm này, Đảng và Nhà  nước cùng đồng lòng quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách căn bản, toàn diện, mạnh mẽ, đồng bộ và đúng hướng. Mặt khác, cán bộ, đảng viên khiêm tốn và cầu thị, lắng nghe được tiếng nói, được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tìm cách đáp ứng, đi cùng nhân dân, đồng hành với nhân dân tiến tới đạt những mục tiêu xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, lành mạnh, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, suy thoái đạo đức.

Ngày nay, bối cảnh thế giới hội nhập cho ta khả năng sử dụng sức mạnh của thời đại để tạo ra cơ hội, vận mệnh tốt cho chính chúng ta. Và ngược lại, nếu bỏ lỡ thời cơ, để thời gian trôi đi thì chúng ta tiếp tục tụt hậu; không đổi mới, để tham nhũng, lợi ích nhóm hoành hành thì suy thoái, tự mình làm cho vận nước xấu đi. Điều đó do con người tạo nên cả chứ không phải do trời đất hay thời thế ban tặng...

Sau gần 30 năm đổi mới, nhìn lại thì thấy, so với mình thì mình tiến bộ khá nhiều, nhưng nhìn ra thế giới, cũng trong khoảng thời gian ấy họ đã đi xa hơn mình, nghĩa là mình có nguy cơ tụt hậu. Nghiền ngẫm lại thành công và hạn chế của mình 30 năm qua để tìm ra một cách đi, hướng làm, lối ra, giải pháp để thực hiện cuộc đổi mới tiếp theo phù hợp quy luật phát triển khách quan, hợp lòng người. Một số người gần đây gọi là Đổi mới lần 2, theo tôi, đó cũng là một cách diễn đạt.

Định hướng thế nào cho tốt nhất thì có lẽ là viết to, viết đậm lên một chữ DÂN. Linh hồn của cuộc đổi mới ấy là dân chủ, động lực của cuộc đổi mới ấy là tinh thần yêu nước và đổi mới cơ chế. Dân chủ phải có cơ chế. Dân chủ khẩu hiệu chỉ cổ vũ tinh thần, còn cơ chế dân chủ mới tạo nên hành vi.

Chữ DÂN ở đây có nghĩa là dân làm chủ, quyền lực của dân, nhà nước của dân, dân là gốc, là hồn của nước, dân là mục đích, là mục tiêu, phải phục vụ dân, bảo vệ dân, vì dân, trọng dân, yêu dân, kính dân. Bác Hồ nói “phải kính trọng và lễ phép với dân”. Không phải mượn nhân dân để chiếm giữ quyền lực mà thực lòng muốn sử dụng quyền lực để bảo vệ và phục vụ nhân dân, để kiến tạo một quốc gia đem lại hạnh phúc tốt nhất cho nhân dân. DÂN còn là “dân giàu, nước mạnh” - dân có giàu thì nước mới mạnh; là “dân chủ, công bằng, văn minh”; là “dân chủ và giàu mạnh” - như mong muốn của Bác Hồ đã viết trong “Di chúc”.

Tôi tin rằng, với điểm tựa lịch sử, với văn hóa và văn hiến, với lòng yêu nước lúc lặng lẽ, bình dị, lúc cuộn dâng, hồn nước vẫn trường tồn mạnh mẽ, là chỗ dựa vững chắc làm nên thế nước, vận nước trong cuộc trường chinh của chúng ta đi đến xã hội chủ nghĩa trong tương lai - một xã hội “dân chủ gấp triệu lần, dân chủ đến tận cùng, dân chủ chưa từng có, dân chủ tuyệt đối” như cách nói của Lênin.

PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện đầu năm rất sâu sắc và lắng đọng này!

Thu Thanh

(thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất