Thứ Hai, 20/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Năm, 27/10/2016 17:19'(GMT+7)

"Phố đi bộ"- giải pháp đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa ở Thủ đô


Tạo cho Thủ đô một điểm nhấn văn hóa mới

Đã gần 2 tháng kể từ ngày thực hiện việc tổ chức thí điểm không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm từ 19h thứ sáu đến 24h chủ nhật hàng tuần. Không còn cảnh ách tắc, xe cộ ùn ùn cứ mỗi dịp cuối tuần mà thay vào đó là một Hồ Gươm yên bình, trong lành.

Người dân sinh sống tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm cũng như người dân nói chung đã dần quen với việc từ tối thứ 6 đến hết ngày chủ nhật, có thể thoải mái dạo quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm với những trò chơi dân gian và rất nhiều khu vực sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Những hộ dân sinh sống cũng như các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trong khu vực này được cấp thẻ ra vào nhưng phải dắt xe máy hoặc gửi ở nơi gần nhất. Tất cả những điểm trông giữ phương tiện được bố trí đều được thông báo cho người dân nắm được và thực hiện theo quy định.

Anh Phương (48 tuổi, Cầu Giấy- Hà Nội) đi bộ cùng gia đình 3 thành viên chia sẻ: “Tôi rất thích tuyến phố đi bộ xunh quanh Hồ Hoàn Kiếm bởi gia đình nhỏ của tôi có thêm không gian vui chơi mỗi dịp cuối tuần. Nếu như trước đây Hồ Gươm luôn đông đúc xe cộ, cảnh tắc đường thường xuyên xảy ra, thậm chí có cả vi phạm luật giao thông… thì nay Hồ Gươm đã thực sự trong lành, bình yên. Chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương của các cấp, các ngành vì tạo cho Thủ đô một điểm nhấn văn hóa mới trong lòng du khách”.

Tản bộ trên những con phố cổ quanh Hồ Gươm vào dịp cuối tuần, người dân đều rất hài lòng với tâm lý là “sạch”. Cái “sạch” ở đây chính là từ ý thức của người dân khi tham gia đi bộ là không xả rác, không còn tiếng còi xe, khói bụi hay cảnh chen lấn giờ tan tầm. Những tiếng cười của các em nhỏ, của các gia đình, nam thanh nữ tú đến với phố đi bộ vui chơi lanh lảnh khắp nơi. Các em nhỏ có thể tham gia trượt patin, chơi ván trượt trên đường phố một cách an toàn. Các cụ già miệt mài với những bài tập thể dục dưỡng sinh. Các thanh niên vui đùa thả dáng quanh hồ selfie (tự chụp ảnh) cùng bạn bè lưu lại những khoảng khắc đẹp nhất. Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động, nhiều màu sắc cho phố đi bộ khu vực Hoàn Kiếm mỗi dịp cuối tuần.

Đồng quan điểm trên với anh Phương là chị Hoài (30 tuổi, Thạch Thất – Hà Nội) cho biết: “Các tuyến phố đều sạch đẹp, mọi người đi bộ rất văn minh, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy nhau. Đây là lần đầu tôi và bạn bè tới thăm quan tuyến phố đi bộ Hồ Gươm. Thật sự là một trải nghiệm thú vị khác với những lần trước tôi tới đây. Tôi nghĩ rằng nên nhân rộng những mô hình như thế này để Hà Nội trở thành một thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh”.

Tuy nhiên, với những người dân kinh doanh xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, việc đi bộ chưa thực sự “tiện ích” với họ. Chị N. T. Hương, chủ một cửa hàng nhỏ bán đổ cổ, đồ lưu niệm trên phố Hàng Khay cho rằng: Sau hơn một tháng tuyến phố đi vào hoạt động, vào các buổi sáng thứ 7, chủ nhật thường rất vắng vẻ, hàng quán không bán chạy như trước. Họ sẽ tìm cửa hàng khác để mua thay vì phải gửi xe, đi bộ cả cây số để mua được hàng. Chị Hương mong muốn, không nên cấm ô tô, xe máy lưu thông vào ban ngày thứ 7, chủ nhật như đã áp dụng với tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân từ năm 2004 hay địa bàn khu bảo tồn cấp I năm 2014 (gồm Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện). Như thế, việc đi bộ sẽ không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người dân nơi đây.

 
 

Dưới góc nhìn của các chuyên gia

Vừa qua, Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm Chung tay xây dựng không gian đi bộ an toàn, văn minh, hấp dẫn và hiệu quả. Các đại biểu tham dự đều khẳng định việc tổ chức tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm tại Hà Nội là phù hợp với xu hướng của quy hoạch đô thị hiện đại trên thế giới, đáp ứng nhu cầu không gian công cộng của Thủ đô giai đoạn hiện nay. Lợi thế của Hà Nội là việc chuyển đổi các tuyến phố từ giao thông bằng xe cộ qua việc đi bộ tương đối rẻ, nhanh chóng; có nhiều di sản đặc sắc, hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng sinh động… Tuy nhiên, việc tiến hành thực nghiệm ở đây tương đối nhanh, trong khi chưa nghiên cứu, khảo sát sâu rộng tạo nên gây khó khăn và hạn chế nhất định cho các hoạt động tại khu vực này. Kiến trúc sư Nguyễn Phú Đức (Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội) đã giới thiệu khái quát lịch sử biến đổi của không gian khu vực Hoàn Kiếm qua các thế kỷ, đặc biệt là từ đầu Thế kỷ XX  đến nay - cơ sở hình thành ý tưởng phân khu các không gian cảnh quan, xã hội và phân vùng tổ chức những hoạt động trong không gian đi bộ khu vực Hoàn Kiếm”. Với việc triển khai phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vào những ngày cuối tuần, Hồ Gươm được phát huy và trở thành không gian nghệ thuật sáng tạo đặc biệt. Tuy nhiên, xung quanh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vẫn còn nhiều điều cần nói, về quản lý, tổ chức thực hiện… nhưng rõ ràng đã thu hút nhiều người tham gia hơn vào những hoạt động cộng đồng.

Là chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững, bà Debra Efroymson (Giám đốc HealthaBridge khu vực châu Á) đã bày tỏ ý kiến cổ vũ cho những con phố đi bộ, nơi con người giao tiếp thân thiện và chia sẻ hạnh phúc. Bà Debra Efroymson cũng chỉ ra những khó khăn ban đầu khi thành phố mở ra những hoạt động mới, cho dù đem lại những lợi ích và giá trị về nhiều mặt nhưng không tránh khỏi những khó khăn, trở ngại. Theo bà, những con phố đi bộ làm cho TP trở nên tuyệt vời hơn. Chúng tôi có thể giúp các bạn với những hoạt động phong phú. Cuối cùng thì những điều tuyệt vời sẽ xuất hiện.

 
 Bà Debra Efroymson (Giám đốc HealthaBridge khu vực châu Á)

Kiến trúc sư Shinichi Mochizuki (Giám đốc công ty tư vấn quốc tế UDI Aterlier, Điều phối viên “Car Free days”, chương trình EMW của EU tại Nhật Bản) là người có hơn 30 năm kinh nghiệm quy hoạch các phố đi bộ trong các thành phố lịch sử của Nhật. Ông cũng cổ vũ cho việc đi bộ, vừa thân thiện, hiệu quả và giảm phát thải.

Theo KTS Đoàn Kỳ Thanh (Zone 9 Creative), điều quan trọng nhất và cũng đặc biệt nhất chính là sự tham gia của cộng đồng trong những hoạt động sáng tạo ở không gian phố đi bộ: “Chúng tôi tiếp cận phố đi bộ từ góc độ các hoạt động sáng tạo. Có thể hình dung phố đi bộ như ứng dụng của Apple trên iphone, luôn cần sự tương tác với người sử dụng. Đối với phố đi bộ, cộng đồng, người dân vừa là đối tượng phục vụ, là chủ thể thực hiện và cũng chính là người thụ hưởng. Xác định rõ điều này sẽ hạn chế việc cung cấp những “món ăn tinh thần kiểu mậu dịch”, tạo ra những không gian tiện ích, hấp dẫn và sáng tạo”.

Đề cập đến câu chuyện chung tay xây dựng không gian đi bộ an toàn, văn minh, hấp dẫn và hiệu quả không phải vấn đề đơn giản. Những nghiên cứu, đánh giá của chuyên gia, nỗ lực của các kiến trúc sư, những đề xuất hoạt động của các nhóm cộng đồng… đưa ra gợi ý rất thú vị cho xây dựng, triển khai không gian đi bộ ở Hà Nội. Đó chính là những tư liệu ý nghĩa. Còn việc sử dụng, tiếp thu như thế nào cần sự hành động của các cơ quan, bộ phận chức năng để duy trì và xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo ra một Hà Nội sinh động, thanh bình.

 
 Kiến trúc sư Shinichi Mochizuki (Giám đốc công ty tư vấn quốc tế
UDI Aterlier, Điều phối viên “Car Free days”, chương trình EMW
của EU tại Nhật Bản)

Các chuyên gia cũng hy vọng rằng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có thêm nhiều không gian đi bộ văn minh, hiệu quả, nâng cao hiệu quả chất lượng sống của người dân Thủ đô.

Cần sự chung tay đóng góp của mỗi cá nhân

Có thể khẳng định, không quan phố đi bộ xunh quanh hồ Hoàn Kiếm với mục đích là bảo tồn cũng như quảng bá, phát huy giá trị di sản về cảnh quan cây xanh, mặt nước và các di sản về công trình tôn giáo, tín ngưỡng xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Trong thời gian vừa qua, việc triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh hồ đã đạt được đúng mục đích ban đầu đề ra. Trên thực tế, mấu chốt do thói quen đi lại của người dân Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm vẫn là đầu mối giao thông đi theo hướng Bắc – Nam chính của thành phố, từ trong lịch sử, cho đến kể cả thời gian gần đây, là đầu mối giao thông rất quan trọng. Chính vì vậy, đã có những ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt hàng ngày của người dân ở khu vực trung tâm cũng như thói quen đi lại của người dân Thủ đô.

Chia sẻ với Tạp chí Tuyên giáo, đồng chí Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Sau hơn 1 tháng triển khai, trung bình 1 buổi tối, lượng khách đông nhất, ban ngày khoảng tầm 5.000 – 6.000 người. Buổi tối, lượng khách tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba, khoảng 1 vạn – 1 vạn rưỡi/mỗi tối. Tối đông nhất là tối thứ 7.

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi vừa triển khai, vừa tiếp thu các ý kiến và từng bước hoàn chỉnh các phương án, đặc biệt là các phương án đảm bảo về giao thông, phân luồng từ xa, vào thời gian diễn ra phố đi bộ, cũng như là việc đảm bảo chung đưa ra đủ lượng trông giữ phương tiện để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Với mục đích tạo lập không gian cho hoạt động của cộng đồng, chính vì vậy, Quận Hoàn Kiếm đã từng bước đưa các trò chơi dân gian như là kéo co, chơi ô ăn quan,… cũng  như giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống như nặn tò he… Các loại hình này sẽ từng bước được bổ sung với sự tham gia chung tay của cộng đồng, với các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung tạo điều kiện làm không gian chơi cho trẻ em. Hiện nay, điều kiện cảnh quan không gian tương đối đầy đủ nhưng chúng ta cần kiểm soát được hoạt động được đưa vào khu vực hồ Hoàn Kiếm, để các loại hình trò chơi vừa thuận tiện và an toàn cho các em, khuyến khích các trò chơi vừa an toàn cho cộng đồng, vừa an toàn cho các em, không gây cháy nổ…

Thực tế ra còn nhiều việc phải làm, chúng tôi xác định là mỗi cá nhân, mỗi một  người dân sống trong khu vực phố đi bộ và kể cả những du khách khi đến đây cũng đều góp phần tạo nên hình ảnh cho người Hà Nội. Vì vậy, chúng ta cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Chính quyền đã tạo lập ra không gian đường phố như vậy, nhưng mỗi cá nhân đều chung tay đóng góp xây dựng hình ảnh cho thành phố để tạo nên đặc trưng cho Hà Nội.”.

Tuy mới chỉ là những tín hiệu tích cực bước đầu từ việc triển khai không gian phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhưng những kết quả đã đạt được đúng như lời Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát biểu tại lễ khai mạc không gian tối đi bộ vào ngày 1/9, với những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Thăng Long cùng sự hội tụ và những biến tấu văn hóa - ẩm thực phù hợp với nhịp sống đương đại đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí lành mạnh của người dân thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước.

 
Từ 1/9, Hà Nội tổ chức không gian đi bộ trên các tuyến đường: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ (1/2 đường Lê Thái Tổ phía bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lê Lai (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, hố Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Hàng Bài) ), Lò Sũ (Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Dầu (Đinh Tiên Hoàng đến Cầu gỗ), phố Hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Phố Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Hàng Khay), Bảo Khánh (đoạn từ Ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).

Trước đó, Hà Nội đã thử nghiệm tổ chức phố đi bộ trên tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân năm 2004; địa bàn khu bảo tồn cấp I năm 2014 (gồm Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện).

 

Thu Hằng - Tuấn Anh



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất