Thứ Tư, 1/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Tư, 6/3/2019 14:28'(GMT+7)

Phòng, chống dịch phải từ mỗi người dân

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác chống dịch tại Thành phố Hải Phòng

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác chống dịch tại Thành phố Hải Phòng

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước cũng như các cơ quan chức năng đang nỗ lực khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Trước những diễn biến mới của dịch, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống với tinh thần khẩn trương, "chống dịch như chống giặc" đối với 63 tỉnh, thành phố vào sáng 4/3 vừa qua.

Qua đây có thể thấy, để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh nói chung và dịch tả lợn châu Phi nói riêng, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan liên quan thì vai trò của người dân, cộng đồng xã hội đóng vị trí quan trọng, then chốt.

Ngay từ khi những ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi có dịch đã nhanh chóng thực hiện những biện pháp khống chế, như: Tiêu hủy toàn bộ số lợn của hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực có dịch; lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn... Tuy nhiên, đây là dịch bệnh diễn biến phức tạp do tác động của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan.

Tác nhân gây bệnh có thể lây truyền qua nhiều đường, từ không khí, nước uống, thức ăn đến phương tiện vận chuyển nên việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ý thức phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa cao.

Rõ ràng, những hiện tượng như khi người dân thấy gia súc nghi mắc bệnh nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng, âm thầm mang đi tiêu thụ hoặc tiêu hủy không đúng cách chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan. Không loại trừ khả năng lợn mắc bệnh còn được vận chuyển đi xa khiến khu vực có dịch càng mở rộng.

Cùng với những giải pháp đồng bộ đang được các cấp, các ngành triển khai, vấn đề nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, cùng chung tay phòng, chống dịch là công việc cấp thiết. Để làm được điều đó, việc đầu tiên là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nhận thức đúng đắn về dịch bệnh này. 

Đối với người chăn nuôi, thực hiện "5 không" như khuyến cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chính là giải pháp thiết thực góp phần dập tắt dịch; nhất là không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn mắc bệnh, lợn chết, không giết mổ, tiêu thụ để tránh mầm bệnh lây lan. Việc bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, quan tâm đến nguồn thức ăn, phòng bệnh, không sử dụng thức ăn chăn nuôi dư thừa, chưa qua xử lý loại trừ mầm bệnh cũng là các biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam là một trong những quốc gia rất quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi, những lĩnh vực mang lại lợi ích kinh tế-xã hội lớn.

Về lâu dài, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, chống được dịch bệnh từ gốc cần phải chú trọng thay đổi phương thức sản xuất. Hình thức chăn nuôi theo hộ, phân tán, manh mún hiện nay rất dễ khiến dịch bệnh xâm nhập, khó kiểm soát. Quan tâm đầu tư, nhân rộng những mô hình chăn nuôi tập trung, khép kín, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc xây dựng chuỗi sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần phải được phổ biến và nhân rộng hiệu quả. Từ đó, không chỉ tạo "vành đai" bảo vệ an toàn cho vật nuôi mà còn giúp cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng./.

Đỗ Mạnh Hưng (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất