Chủ Nhật, 19/5/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 23/5/2023 14:46'(GMT+7)

Sóc Trăng triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW nghiêm túc và bài bản

Đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MH

Đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MH

Làm việc với đoàn, về phía lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Lâm Tấn Hòa - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Thao báo cáo của lãnh đạo tỉnh ủy, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 29-NQ/TW); thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng báo đã ban hành Chương trình hành động số 34-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh và các ngành liên quan dự thảo các văn bản chỉ đạo việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết cho toàn thể cán bộ chủ chốt.

Trên cơ sở đó, các địa phương trong toàn tỉnh đã xây dựng chương trình hành động và tổ chức triển khai, quán triệt Chương trình hành động số 34-CTr/TU của Tỉnh ủy đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân dân về vị trí, vai trò công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức hội nghị trực tiếp; lồng ghép vào các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác Đảng, các cuộc họp chi bộ, tổ - hội các đoàn thể; tổ chức hội thảo toàn tỉnh; mở các lớp bồi dưỡng chính trị hè hằng năm. Ngoài ra, ngành Giáo dục và Đào tạo còn chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập lồng ghép, phổ biến, quán triệt trong sơ kết học kỳ, tổng kết năm học, sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, họp tổ chuyên môn, họp hội đồng sư phạm, các đợt bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên,...

Nhìn chung, công tác tổ chức triển khai, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Quá trình triển khai thực hiện đã tạo được sự đồng thuận cao; huy động được sự tham gia tích cực, chủ động, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; nâng cao nhận thức của cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên về vị trí, vai trò công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tổng chi ngân sách cho giáo dục hằng năm bảo đảm so với yêu cầu tối thiểu 20% tổng chi ngân sách tỉnh, trong đó một số đơn vị, địa phương mạnh dạn đầu tư cho sự nghiệp giáo dục từ 30% đến 46% ngân sách địa phương; cơ cấu chi đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Từ đó, chất lượng giáo dục của tỉnh từng bước được nâng lên; cơ sở vật chất trường, lớp từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng, chất lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu, đủ năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các địa phương đều vượt chỉ tiêu tỷ lệ giáo viên mầm non và trung học cơ sở đạt chuẩn theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy; mạng lưới cấp trường từ mầm non đến phổ thông phát triển phù hợp với phân bổ dân cư và địa hình của tỉnh; công tác phổ cập giáo dục các cấp học được duy trì; học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ở các cấp học tăng dần theo từng năm học.

Công tác quy hoạch đào tạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đến nay, theo Luật Giáo dục 2019, tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ quản lý là 100%; tỷ lệ đạt chuẩn của giáo viên là 81,68%, trong đó cấp mầm non đạt 77,9%, cấp tiểu học đạt 76,05%, cấp trung học cơ sở đạt 84,70%, cấp trung học phổ thông đạt 100%. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy phát huy được tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả giáo dục của nhà trường, đặc biệt là giáo dục học sinh chuyển từ giáo dục có tính áp đặt, dạy học coi trọng mục tiêu kiến thức sang phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các phòng học, mua sắm trang thiết bị được quan tâm và tập trung thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 372/463 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 80,35% (tăng 240 trường so với năm học 2012-2013). Các địa phương triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm cơ hội tiếp cận công bằng giáo dục và đào tạo.

Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong thời gian qua. Tỉnh ủy đã nghiêm túc, bài bản trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Thành viên đoàn công tác và các sở, ngành của tỉnh cũng trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học khuyến tài, phân luồng học sinh… Qua đó nêu ra một số khó khăn về nguồn nhân lực, biên chế trong các trường học; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học và kiến nghị đến đoàn nhằm có cơ chế gỡ khó cho ngành Giáo dục của tỉnh. Đồng chí Vũ Thanh Mai ghi nhận những ý kiến của tỉnh và cho biết sẽ xem xét kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn mà ngành Giáo dục của tỉnh đang gặp phải.

Đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yều cầu: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập; công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng và phát triển đảng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các đơn vị được kiểm tra tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; tiếp tục bám sát Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI; quyết liệt đổi mới hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để có những điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục tốt hơn, bền vững hơn.

Bên cạnh đó, uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, rà soát, xem xét việc phân bổ ngân sách hằng năm cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, bảo đảm đúng theo quy định; đồng thời, chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan khắc phục những hạn chế, yếu kém; đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Thông báo kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Trên cơ sở những ý kiến thảo luận tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, những ý kiến tại buổi làm việc sẽ góp phần giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới. Từ đó, góp phần giải quyết hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh là: phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội./.

Thanh Hoa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất