Thứ Ba, 7/5/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Hai, 24/10/2022 18:32'(GMT+7)

Tăng cường tiếng nói phản biện, tạo hành lang pháp lý cho văn học, nghệ thuật phát triển

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: HMT)

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: HMT)

Chiều 24/10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tổ chức Hội nghị Giao ban với Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương quý III/2022.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân chủ trì Hội nghị.

VĂN NGHỆ SĨ CHỦ ĐỘNG, SAY MÊ, CÓ TINH THẦN TRÁCH NHIỆM CAO VỚI ĐẤT NƯỚC

Theo đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, trong quý III/2022, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (Liên hiệp Hội) tiếp tục triển khai hiệu quả nhiều nội dung công việc theo kế hoạch đề ra, tiếp tục phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp hội viên tham gia vào các hoạt động của hội; thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa hội viên với cơ quan nhà nước, phản ánh các nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, đồng thời kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định của pháp luật.

Văn nghệ sĩ giữ được tinh thần chủ động, say mê và có tinh thần trách nhiệm cao với đất nước, với công việc sáng tạo. Tinh thần đồng hành, nhập cuộc của giới văn nghệ sĩ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng được đề cao. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ có nhiều chuyển động mới, đời sống VHNT khởi sắc. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật, hội nghị, hội thảo lớn diễn ra với những phương thức sinh động, sáng tạo.

Báo chí, truyền thông, không gian mạng tiếp tục được sử dụng hiệu quả, phát huy tốt vai trò là kênh thông tin tuyên truyền chủ đạo, tạo thành các sân khấu, sân chơi, diễn đàn VHNT đồng hành, cổ vũ nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, tăng cường phục hồi lao động, sản xuất, kinh doanh. Các chương trình, hoạt động VHNT trên cả nước diễn ra phong phú, đa dạng được cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, đạt chất lượng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Một số chương trình nổi bật như: Đợt chiếu phim kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trên phạm vi cả nước; chương trình nghệ thuật “Ngày hội non sông”, triển lãm sách với chủ đề “Cách mạng tháng Tám - Mốc son lịch sử” (Điện Biên); Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền 50 năm Ngày chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (Hà Nội); Lễ hội “Độc lập” (Đồng Tháp); Triển lãm chuyên đề “Từ Ngọ Môn đến Ba Đình lịch sử” (Thừa Thiên Huế)....

Các bộ, ngành đã tích cực định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ Liên hiệp Hội và các Hội VHNT chuyên ngành trong các hoạt động chuyên môn, tạo điều kiện để các Hội tham gia cung ứng dịch vụ công, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực hoạt động của hội, tiếp thu ý kiến đóng góp của các hội về lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu. (Ảnh: HMT)

Trong quý III/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy văn hóa, VHNT phát triển, tiêu biểu là xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; ban hành Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch; tổ chức Hội nghị về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về các nội dung cơ bản của Hiệp ước về quyền tác giả, Hiệp ước về biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới; triển khai chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa 28/8; tổ chức Hội nghị triển khai Luật Điện ảnh, xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu để giải ngân kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT, báo chí ở Trung ương của Chính phủ dành cho các Hội VHNT đã được Liên hiệp Hội và các Hội VHNT quan tâm xúc tiến, nhưng nhìn chung vẫn thiếu quyết liệt, lúng túng, chậm được triển khai, kết quả là đến nay nguồn kinh phí năm 2022 vẫn chưa được phê duyệt, giải ngân dẫn đến những ách tắc, khó khăn trong hoạt động chuyên môn của Liên hiệp Hội và các Hội.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: HMT)

Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đối với các Hội VHNT theo tinh thần các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng vẫn còn chậm. Việc tích cực hưởng ứng sáng tác, tham gia các phong trào, các cuộc vận động xã hội, tính tiên phong, gương mẫu của người nghệ sĩ có lúc, có nơi còn hạn chế. Bên cạnh những nghệ sĩ làm tốt trách nhiệm công dân, tuân thủ pháp luật, có lối sống lành mạnh, trong sáng, có ứng xử phù hợp với quy tắc, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội, vẫn còn không ít nghệ sĩ có những hành động, lời nói đi ngược lại những giá trị tốt đẹp mà xã hội đang xây dựng, cá biệt vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi viết, phát tán các tài liệu không được phép.

Công tác tổ chức, hoạt động của một số hội còn khó khăn, chưa thu hút được đông đảo các văn nghệ sĩ tham gia nhất là các văn nghệ sĩ trẻ. Nhiều Hội thiếu hụt cán bộ đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm lãnh đạo quản lý các đơn vị trực thuộc. Tình trạng lãnh đạo hội phải kiêm nhiệm nhiều chức danh làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc tăng cường giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, giữa các Hội còn hạn chế...

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân báo cáo chuyên đề tại Hội nghị. (Ảnh: HMT)

Báo cáo chuyên đề “Công tác đầu tư sáng tạo văn học, nghệ thuật nhìn từ mô hình Trại sáng tác Bắc Giang tháng 10/2022”,  PGS. TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Hội nêu rõ, sau hơn 35 năm đổi mới, nhận thức và cách nhìn của văn nghệ sĩ đã được nâng lên, bắt kịp với tình hình mới. Hiện nay, điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân ngày càng cao. Những thành công của công tác xây dựng Đảng, chống tham nhũng, suy thoái, bảo vệ kỷ cương phép nước, có tác dụng củng cố lòng tin và được nhân dân rất đồng tình hưởng ứng. Tuy vậy, tình hình môi trường và đạo đức xã hội vẫn còn những biểu hiện xuống cấp, gây nhiều lo lắng trong nhân dân. Trình độ và điều kiện tiếp thu các sản phẩm văn hoá còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền, sức ép văn hoá mạng ngày càng lớn. Tình hình khu vực và quốc tế diễn biến khó đoán định, ảnh hưởng đến tâm trạng xã hội, trong đó có giới văn nghệ sĩ - trí thức.

Hiện có hơn 40.000 văn nghệ sĩ đang hoạt động trong 10 Hội chuyên ngành VHNT Trung ương và 63 Hội tại các tỉnh, thành phố, hàng năm cho ra đời hàng nghìn tác phẩm VHNT. Song, chất lượng tác phẩm vẫn là việc đáng bàn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Liên hiệp Hội đã có các chương trình phối hợp về đặt hàng, đầu tư sáng tác, nhưng chưa có chiến lược phát triển xứng tầm, chưa có nhiều tác phẩm chất lượng cao như kỳ vọng của nhân dân.

Một trong những đòn bảy thúc đẩy sự nghiệp phát triển VHNT, tạo đà cho nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng cao ra đời, đó chính là chương trình hỗ trợ sáng tạo VHNT được Chính phủ thực hiện từ 1999. Gần đây nhất là Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT, báo chí ở Trung ương và các Hội VHNT địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025. Nội dung chương trình gồm hỗ trợ trực tiếp cho nhóm tác giả; tổ chức trại sáng tác, đoàn đi thực tế; tổ chức hội thảo chuyên đề, lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ; công bố tác phẩm mới...

Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hành động toàn khóa của Liên hiệp hội là vấn đề đổi mới công tác đầu tư sáng tạo, với mục tiêu cải tiến phương thức hỗ trợ sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm, triển khai tới các tổ chức thành viên một cách có hiệu quả. Trong đó, chú trọng vào việc phát hiện những tác giả có khả năng, tâm huyết, sức sáng tạo dồi dào, phát hiện những lĩnh vực mạnh của từng hội để tập trung đầu tư, tránh việc đầu tư dàn trải. Chú trọng tới việc đổi mới phương thức tổ chức Trại sáng tác, kết hợp giữa Trại viết và thâm nhập thực tế xã hội.

Việc tăng cường tổ chức các đợt đi thực tế tới các địa phương, vùng trọng điểm kinh tế, mô hình nông thôn mới… cho các văn nghệ sĩ cũng là một yêu cầu quan trọng trong đời sống sáng tác, nhằm mở rộng tầm nhìn, nâng cao nhận thức, tích lũy vốn sống. Những chuyến đi thực tế sẽ giúp các văn nghệ sĩ có thêm nguồn tư liệu, sự trải nghiệm là khơi nguồn cảm hứng sáng tạo.

Trong những năm qua, Liên hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và Hội địa phương mở các trại sáng tác, các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức các đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế để lấy tư liệu nhằm sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật phản ánh chân thực mọi mặt của đời sống xã hội trong thời kỳ đổi mới…

Tại Hội nghị, đại diện các hội VHNT đã phát biểu, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến kinh phí và môi trường sáng tác, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng văn nghệ sĩ trẻ, đổi mới phương thức quản lý và lãnh đạo VHNT...

TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG TIẾNG NÓI PHẢN BIỆN, THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO VHNT PHÁT TRIỂN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Liên hiệp Hội và các Hội VHNT chuyên ngành đã làm được trong thời gian qua.

Đồng chí Trần Thanh Lâm khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ những ý kiến phù hợp để đưa vào các hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng công tác VHNVN của Ban Tuyên giáo Trung ương trong thời gian tới; nhấn mạnh, Hội nghị lần này là bước chuẩn bị quan trọng để rà soát, đánh giá lại toàn bộ các nội dung công việc theo chương trình công tác năm, là điều kiện, tiền đề quan trọng để chuẩn bị thật tốt các nội dung cho Hội nghị giao ban tổng kết cuối năm vào tháng 1/2023.

Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề nghị thời gian tới, Liên hiệp Hội và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương cùng các đơn vị liên quan cần quan tâm, bám sát tình hình thực tiễn, tiếp tục quán triệt đầy đủ, nhận thức sâu sắc, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, VHNT; các ý kiến kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trọng tâm là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông phát biểu. (Ảnh: HMT)

Đồng chí Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu Liên hiệp Hội và các Hội VHNT chuyên ngành cần căn cứ vào hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và tình hình, điều kiện thực tiễn để báo cáo đánh giá một năm việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị văn hóa toàn quốc; tích cực tham gia và có hoạt động phù hợp hưởng ứng Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” (dự kiến vào tháng 11/2022); tổng kết 15 năm Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới; tổng kết 50 năm VHNT sau ngày đất nước thống nhất...

Về kinh phí hỗ trợ sáng tạo của Chính phủ, đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp Hội và các đơn vị có liên quan tăng cường phối hợp, tạo điều kiện tháo gỡ, hoàn thiện các thủ tục để Đề án hỗ trợ sáng tạo VHNT giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, sớm giải ngân được kinh phí. Đồng chí cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục quan tâm thúc đẩy việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách để từng bước tháo gỡ khó khăn cho VHNT, tăng cường định hướng, thanh tra, kiểm tra và quản lý hoạt động văn hóa, VHNT thời gian tới, đảm bảo nề nếp, đặc biệt là việc tổ chức quá nhiều các cuộc thi hoa hậu gây xôn xao dư luận trong thời gian qua...

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu. (Ảnh: HMT)

Đồng chí Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu Liên hiệp Hội và các Hội VHNT chuyên ngành cần tiếp tục tăng cường tiếng nói phản biện, tham gia tích cực cùng các bộ, ngành liên quan trong xây dựng các cơ chế, chính sách, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa, VHNT phát triển. Đồng thời cần quan tâm, đầu tư chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động tuyên truyền, cho công tác nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT, cố gắng phấn đấu tiến tới hình thành báo cáo thường niên về VHNT của Liên hiệp Hội và các Hội VHNT chuyên ngành; tham mưu với Đảng, Nhà nước về tình hình phát triển VHNT; tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, VHNT./.

Hoàng Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất