Chủ Nhật, 12/5/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Ba, 6/10/2020 10:19'(GMT+7)

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khai thông ngồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu quan trọng đã đề ra

Lắp ráp ô tô tại Công ty Toyota Việt Nam

Lắp ráp ô tô tại Công ty Toyota Việt Nam

Trong bối cảnh hầu hết các địa phương trong cả nước gặp khó trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội bởi dịch bệnh và nhiều nguyên nhân khách quan, Vĩnh Phúc vẫn nổi lên như một điểm sáng của sự năng động, linh hoạt và ý chí khát khao vượt qua mọi thách thức, tận dụng từng cơ hội để giành lấy những kết quả cao nhất. Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng bình đạt quân 7,1%/năm (MTĐH tăng 7-7,5%/năm). Quy mô nền kinh tế không ngừng tăng lên, năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015, bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 105 triệu đồng/người. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân 8,38%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đặc biệt, trong khi quy mô nền kinh tế chiếm 1,7% GDP cả nước thì với thế mạnh vượt trội của mình, công nghiệp Vĩnh Phúc đóng góp đến 4,5% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Qua đó, tạo nên một vị thế rất riêng cho Vĩnh Phúc trên bản đồ kinh tế quốc gia.

Để có được những kết quả tự hào trên, Vĩnh Phúc đã thực hiện rất tốt “mục tiêu kép”: Vừa tập trung phòng chống Covid-19, vừa duy trì, thúc đẩy các mặt kinh tế - xã hội phát triển. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung thực hiện Kết luận số 77-KL/TW, ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục các tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.

Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND, trong đó đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội nhằm khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đặc biệt tập trung vào các nhóm giải pháp: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Thực hiện có hiệu quả chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện tốt chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 gây ra; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, lãi suất, thuế, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giải quyết việc làm... nhằm hạn chế thấp nhất tác động do dịch bệnh gây ra.

Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo HĐND tỉnh kịp thời ban hành các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội như các nghị quyết (sửa đổi, bổ sung) về hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021; hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách đã đề ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách hỗ trợ, cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh và đảm bảo đời sống, an sinh xã hội trên địa bàn trong điều kiện nền kinh tế đất nước và địa phương còn gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp và kéo dài.

Tuy nhiên, dù rất nỗ lực nhưng kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa được như mong muốn, đòi hỏi phải kịp thời triển khai các giải pháp quyết liệt và đúng trọng tâm, trọng điểm hơn nữa để có thể hoàn thành những mục tiêu đề ra trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Quán triệt tinh thần này, thời gian tới, tỉnh tiếp tục nhất quán quan điểm khẳng định 3 trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững là: Phát triển kinh tế, an sinh, phúc lợi xã hội, hướng tới mục tiêu trung tâm là con người và đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự xã hội và môi trường. Bên cạnh mục tiêu tiếp tục ưu tiên cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để đạt được những mục tiêu quan trọng đã đề ra. Để làm được điều đó cần tập trung tháo gỡ 4 điểm nghẽn, đó là:

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, kiểm điểm trách nhiệm của các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, xây dựng phương án bổ sung nguồn lực cho những nơi có thể hấp thụ vốn...

Tăng cường thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các khu - cụm công nghiệp, khu đô thị, đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất đấu giá; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai...

Tập trung các biện pháp tăng thu ngân sách, giải quyết dứt điểm các khoản chi đã có trong kế hoạch, chi chuyển nguồn... bằng việc yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ các nguồn thu, quản lý chặt đối tượng; thu hết các khoản nợ tồn đọng; giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc về thuế...

Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ bằng cách tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra công vụ, đẩy mạnh kiểm soát trách nhiệm thực thi, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ, thờ ơ, vô cảm với công việc, sẵn sàng điều chuyển những vị trí không đảm đương được công việc được giao...

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn phức tạp như hiện nay, đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong cả năm 2020 sẽ rất khó khăn.Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2020, những tháng còn lại các cấp, các ngành cần phải tạp trung cao độ, thực hiện quyết liệt các giải pháp. Cùng với tháo gỡ các điểm nghẽn, cần làm tốt việc khai thông tối đa các nguồn lực trong xã hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để thực hiện được mục tiêu đó, các cấp, các ngành cần tập trung làm thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nhiệm vụ quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế phải được đặt lên hàng đầu, coi đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.Việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực cho phát triển kinh tế là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay.

Hai là, quá trình triển khai nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng đa dạng hoá các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hoá, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước; tuân thủ và áp dụng đúng nguyên tắc, quy định trong quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển.

Ba là, quá trình thực hiện cần lấy việc kiểm kê, đánh giá đầy đủ, thực chất các nguồn lực của nền kinh tế là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn trong từng thời kỳ. Tất cả các nguồn lực của nền kinh tế phải được kiểm kê đánh giá, thống kê, hạch toán đầy đủ, đúng đắn trong nền kinh tế; được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả và phát triển bền vững. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với việc khai thác, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực, kiên quyết không để xảy ra thất thoát, lãng phí, cạn kiệt nguồn lực và hủy hoại môi trường...

Bốn là, bên cạnh việc khai thông các điểm nghẽn, thu hút, quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực bao gồm cả nhân lực, vật lực và tài lực; cần tiếp tục áp dụng triệt để các cơ chế chính sách thu hút đầu tư để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường thực hiện phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm giải trình để kiểm soát quyền lực. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Với khát vọng và quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, đưa Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp phát triển và thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh cùng chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, như lời căn dặn của Bác Hồ “…phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta…” .

Hoàng Thị Thúy Lan

Ủy viên T.Ư Đảng

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất