Chủ Nhật, 19/5/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 10/8/2022 15:35'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ động, kịp thời trong chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin tuyên truyền trên báo chí

Các đại biểu tham dự Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 tại điểm cầu TPHCM.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 tại điểm cầu TPHCM.

Trước khi thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025, thành phố có 28 cơ quan báo chí, gồm 16 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí. Thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Chính phủ, ngày 22/5/2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 1786/QĐ-UBND phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Theo đó, báo chí thành phố được sắp xếp lại còn 19 cơ quan, trong đó có 7 báo in (2 báo thuộc tổ chức tôn giáo), 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình, 10 tạp chí; giảm 8 cơ quan báo chí (chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin). Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn có hàng trăm trụ sở, cơ quan đại điện, văn phòng thường trú của các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương, các ngành và các địa phương khác trú đóng. Tổng số lực lượng phóng viên, biên tập viên hoạt động tại Thành phố lên đến hàng ngàn người.

Đó là một thế mạnh của công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá mọi mặt công tác, cuộc sống của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; đồng thời, thực tế đó cũng đặt ra không ít những khó khăn, bất cập nếu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin báo chí không được thực hiện đồng bộ, kịp thời, sâu sát, gắn với công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Báo cáo Chính trị của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 nêu rõ: “Hoạt động báo chí tại thành phố có tiến bộ, thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận chính thống, cơ bản bám sát nhiệm vụ chính trị lớn của đất nước và thành phố; nêu gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến, góp phần định hình nhân cách con người mới; phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội, các thế lực thù địch; đã phát hiện, đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm công chức phục vụ nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, phát huy tác dụng tốt…”.

Để có được kết quả nêu trên, xuyên suốt thời gian qua, những nội dung thường xuyên được Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh duy trì thực hiện để đảm bảo yêu cầu công tác chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin tuyên truyền báo chí, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của địa phương, đó là:

Một là, chủ động, thường xuyên làm tốt công tác chỉ đạo, định hướng báo chí. Duy trì hoạt động giao ban báo chí định kỳ hàng tuần, do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố đồng chủ trì. Tham gia giao ban là đại diện ban biên tập, ban tổng giám đốc, ban giám đốc các cơ quan báo chí thành phố; đại diện lãnh đạo các văn phòng đại diện, các cơ quan thường trú cơ quan báo chí Trung ương, các ngành, các địa phương khác trú đóng trên địa bàn. Nội dung giao ban, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông trình bày những vấn đề nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, trong đó có những vấn đề cần lưu ý, nhắc nhở và các vi phạm cần phải xử lý, chế tài. Sau đó, các cơ quan báo chí trao đổi, thảo luận hoặc trình bày làm rõ thêm những vấn đề được lưu ý, nhắc nhở.

Sau phần trao đổi, thảo luận, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy phát biểu chỉ đạo, định hướng những vấn đề trọng tâm, trên cơ sở tài liệu về công tác báo chí tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương cung cấp; các văn bản, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị thành phố và những nội dung tổng hợp từ công tác theo dõi hoạt động báo chí hằng ngày do Phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện.

Tại buổi giao ban, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng biểu dương những tác phẩm báo chí tiêu biểu trong công tác thông tin, tuyên truyền, có tính khám phá, sáng tạo, phát hiện vấn đề, có giá trị lan tỏa, hiệu ứng xã hội cao; đồng thời, kịp thời lưu ý, nhắc nhở những cơ quan báo chí còn để xảy ra sai sót, thiếu chính xác về nội dung thông tin hoặc có biểu hiện chưa bám sát chỉ đạo, định hướng để chấn chỉnh. Ban Tuyên giáo Thành ủy ban hành thông báo kết luận giao ban, hoặc văn bản định hướng tuyên truyền (đối với những thời điểm không tổ chức giao ban báo chí) gửi đến lãnh đạo các cơ quan báo chí và lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí để phối hợp thực hiện chặt chẽ, đồng bộ.

Trong thời gian qua, ngoài những nội dung định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh định hướng những nội dung trọng tâm trong tất cả các lĩnh vực của thành phố. Cụ thể như: a) Đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 75 Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) trên địa bàn thành phố; tuyên truyền các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp của thành phố đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, các thương binh, gia đình có công với nước. b) Định hướng các cơ quan báo chí bám sát thông tin, tài liệu của các cơ quan chức năng về hoạt động đối thoại của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh với người dân phải thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố. c) Chỉ đạo các cơ quan báo chí thận trọng khi thông tin, tránh đưa ra các thông tin tạo tình huống phức tạp; tránh khai thác thông tin sâu không cần thiết, tạo bất lợi trong hoạt động tài chính, chứng khoán của thành phố. d) Chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị kế hoạch tuyên truyền hoạt động của đoàn công tác của Thành ủy sẽ đi thăm Vùng 5 Hải quân, các đảo, vùng biển phía Tây Nam. v.v…

Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền đối với các sự kiện, vấn đề nổi bật về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… trong nước và thế giới có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Hai là, tăng cường công tác phối hợp giữa Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy với các cơ quan báo chí Trung ương và cơ quan báo chí thành phố trong công tác thông tin, tuyên truyền. Thời gian qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành ký kết Chương trình phối hợp truyền thông với Báo Nhân dân và Tạp chí Cộng sản; đồng thời, ủy quyền cho Ban Tuyên giáo Thành ủy ký kết Chương trình phối hợp truyền thông với một số cơ quan báo chí khác của Trung ương, các bộ, ngành, đoàn thể và các cơ quan báo chí thành phố. Theo đó, các cơ quan báo chí sẽ bám sát Kế hoạch công tác truyền thông hằng năm của Đảng bộ thành phố với những nội dung trọng tâm trong từng quý được xây dựng từ trước; phối hợp thực hiện tốt công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Thành ủy - đơn vị được giao nhiệm vụ làm đầu mối thực hiện phối hợp truyền thông, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và xử lý các khủng hoảng về truyền thông xảy ra trên khi có phát sinh. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cũng được giao nhiệm vụ phối hợp, cung cấp thông tin khi các cơ quan báo chí này có liên hệ.

Phóng viên tác nghiệp giữa mùa dịch Covid-19

Phóng viên tác nghiệp giữa mùa dịch Covid-19

Việc thực hiện các Chương trình phối hợp công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí đã đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra. Phạm vi và mức độ lan tỏa thông tin sâu rộng tới công chúng báo chí trong và ngoài nước. Trong năm 2021, để thông tin, tuyên truyền về Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan báo chí đã thực hiện gần 100.000 tin, bài, ảnh và các sản phẩm báo chí dưới hình thức infographic, eMagazine (trong đó, có một lượng lớn tin, bài, ảnh các cơ quan báo chí đã thực hiện bằng kinh phí của đơn vị, từ ngân sách nhà nước nằm ngoài mức kinh phí chương trình phối hợp truyền thông); trên 1.000 chương trình, sản phẩm truyền hình, video clip; gần 500 chương trình, sản phẩm phát thanh; 01 hội thảo khoa học, 3 tọa đàm khoa học, 7 chuyên đề nghiên cứu, 19 hồ sơ sự kiện, sự kiện nhân chứng, 1 cuốn sách. Trong số đó, có hàng ngàn sản phẩm được thực hiện bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Khmer, Chăm (của Thông tấn xã Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh...).

Ba là, phát huy vai trò của Trung tâm Báo chí thành phố và tăng cường thực hiện công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Được thành lập từ tháng 5/2019, Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm báo chí đầu tiên của cả nước - đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ trong công tác cung cấp thông tin, tổ chức các sự kiện, hoạt động báo chí. Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm trở thành điểm tổ chức giao ban báo chí định kỳ. Tại đây, khi có những vấn đề, sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận liên quan đến các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nào thì Trung tâm có nhiệm vụ làm đầu mối mời đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đó đến cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho các cơ quan báo chí. Ngoài ra, đối với những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực thì không đợi đến kỳ giao ban, Trung tâm Báo chí tổ chức các buổi họp báo, gặp gỡ báo chí để kịp thời cung cấp thông tin, không để tình trạng thông tin bị dẫn dắt sai lệch trên các nền tảng mạng xã hội.

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước. Ban Tuyên giáo Thành ủy ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Dù tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt diễn ra trên toàn địa bàn, nhưng Trung tâm vẫn là nơi hằng ngày tổ chức họp báo, cung cấp thông tin báo chí. Ngoài ra, Trung tâm Báo chí thành phố còn phối hợp các đơn vị báo chí, truyền thông tổ chức Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội Facebook, để người dân kịp thời phán ánh trực tiếp các vấn đề gặp phải cho lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương nắm được và khẩn trương tháo gỡ.

Bên cạnh đó, tháng 5/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về tăng cường thực hiện công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Thực hiện Chỉ thị số 22, phần lớn các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố đã thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan báo chí tiếp cận được nguồn thông tin chính thống, đưa thông tin đầy đủ, chính xác. Các thông tin được đăng, phát chính xác, kịp thời, giúp định hướng tốt dư luận xã hội, nhất là đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm. Báo chí được tiếp cận nguồn thông tin chính thống, chính xác, kịp thời về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… trên địa bàn thành phố, nhất là đối với các sự kiện, vấn đề nóng, nhạy cảm. Từ đó, đã góp phần kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích đến người dân trong việc chấp hành pháp luật, định hướng dư luận, ổn định tình hình... Đồng thời, qua phản ánh của báo chí, các cơ quan hành chính nhà nước chủ động xác minh, làm rõ những thông tin báo chí đăng tải, rà soát lại việc giải quyết của cơ quan mình có sai hoặc thiếu sót gì để chấn chỉnh và khắc phục kịp thời, tạo thêm niềm tin của người dân đối với chính quyền. Đặc biệt, những bài báo phản ánh, phân tích mang tính cảnh báo, dự báo là kênh thông tin quan trọng giúp cho các cơ quan chức năng tiếp tục có những chính sách, giải pháp, biện pháp phù hợp, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cũng như công tác kiểm tra quản lý nhà nước trên địa bàn.

Bốn là, tăng cường công tác theo dõi, chủ động phát hiện những vấn đề nổi bật trong hoạt động hằng ngày của các cơ quan báo chí, tham mưu đề xuất Thường trực Thành ủy quan tâm chỉ đạo kịp thời. Hằng ngày, Phòng Báo chí - Xuất bản thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy có nhiệm vụ thực hiện công tác điểm báo, xây dựng báo cáo tình hình báo chí. Khi phát hiện những vấn đề báo chí phản ánh có thể gây ra tác động tiêu cực đến hoạt động lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền thành phố, đến tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đến đời sống nhân dân; đặc biệt là những thông tin phản ánh theo Quy định số 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước., Phòng Báo chí - Xuất bản chủ động tham mưu Ban Tuyên giáo Thành ủy, đề xuất Thường trực Thành ủy quan tâm, chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời, dứt điểm, góp phần tạo niềm tin và sự đồng thuận rất lớn trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Năm 2017, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đã ký kết với Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Bản ghi nhớ về công tác phối hợp trong chỉ đạo, định hướng báo chí. Bản ghi nhớ này nhằm đảm bảo công tác chỉ đạo đối với các cơ quan báo chí Thành phố Hồ Chí Minh trước những sự việc mang tính nhạy cảm, phức tạp; những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… trên phạm vi cả nước cũng như những vấn đề thời sự quốc tế có ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, hoặc có thể tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Theo Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, có 6 cơ quan báo chí được sáp nhập, chuyển cơ quan chủ quản gồm: Báo Khăn quàng đỏ sau sắp xếp thành ấn phẩm phụ của Báo Tuổi trẻ; Báo Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh thành ấn phẩm phụ của Báo Sài Gòn Giải phóng; Tạp chí Hoa cảnh thành ấn phẩm phụ của Tạp chí Du lịch; Tạp chí Thời sự Y học thành ấn phẩm phụ của Tạp chí Khoa học phổ thông; Tạp chí Kiến trúc và Đời sống, Tạp chí Kiến thức ngày nay thành ấn phẩm phụ của Tạp chí Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Từ khi thực hiện Đề án, ngoài Báo Sài Gòn Giải phóng còn có thêm Báo Người lao động, Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh[1] được chuyển cơ quan chủ quản về thuộc Thành ủy. Ủy ban nhân dân thành phố là cơ quan chủ quản của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Du lịch. Với việc thực hiện sắp xếp như hiện nay, công tác chỉ đạo, định hướng báo chí sẽ có nhiều thuận lợi hơn, khi các cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí được giao nhiệm vụ thực hiện các công việc thường xuyên của cơ quan chủ quản báo chí là Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Minh Hải
Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh


[1] Theo đề án của Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh được chuyển thành Tạp chí Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh, do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ quản. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi do còn vướng mắc về công tác nhân sự đứng đầu cơ quan báo chí này.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất