Chủ Nhật, 19/5/2024
Hoạt động y tế
Thứ Tư, 28/9/2016 9:19'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường tầm soát bệnh do vi rút Zika

Kiểm tra nhiệt độ hành khách bằng máy đo thân nhiệt tia hồng ngoại

Kiểm tra nhiệt độ hành khách bằng máy đo thân nhiệt tia hồng ngoại

Tăng cường lấy mẫu giám sát dịch Zika

Ngày 23/9, Bộ Y tế cho biết đã có Công điện gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur về tăng cường công tác phòng chống bệnh do virus  Zika​. 

Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh điều tra giám sát trường hợp bệnh, thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm (huyết thanh và nước tiểu) các đối tượng nghi ngờ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tăng cường lấy mẫu tại các phòng khám (kể cả phòng khám tư nhân) và cộng đồng do người nhiễm virus Zika thường có triệu chứng nhẹ có thể không đến khám và điều trị tại bệnh viện. Kịp thời gửi mẫu bệnh phẩm về Viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm chẩn đoán xác định.

Thực hiện việc quản lý thai sản, khám sàng lọc phụ nữ có thai nghi ngờ nhiễm virus Zika để tiến hành tư vấn và xét nghiệm khi cần thiết. Tổ chức chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika, bệnh sốt xuất huyết”. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế…

Nhanh chóng tiến hành các hoạt động kiểm soát

Sở Y tế Thành phố cũng chỉ đạo các Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện liên quan nhanh chóng tiến hành các hoạt động kiểm soát lây truyền bệnh tại chỗ bằng các biện pháp như phun hoá chất diệt muỗi, nhằm cắt đứt nhanh đường lây truyền nếu có vi rút lưu hành; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng và kiểm soát các điểm nguy cơ phát sinh muỗi nhằm hạn chế nguồn sinh sản của muỗi; đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng bệnh, đặc biệt là phòng tránh muỗi đốt cho thai phụ.

Ngành y tế đã thống nhất chiến lược phòng, chống bệnh do vi rút Zika tại Thành phố qua các biện pháp giám sát ca bệnh, giám sát vi rút, giám sát tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, giám sát hội chứng Guillane Barré; tăng cường truyền thông phòng bệnh, đặc biệt là truyền thông cho thai phụ; kiểm soát trung gian truyền bệnh (lồng ghép với hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết).

Trước mắt, trong 4 tháng cuối năm 2016, sẽ tập trung triển khai giám sát ca bệnh theo hệ thống thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm và đẩy mạnh giám sát vi rút tại 30 bệnh viện của thành phố và song song đó là hoạt đông truyền thông và kiểm soát côn trùng truyền bệnh.

Nhiễm vi rút Zika chỉ có biểu hiện lâm sàng khoảng 20% trường hợp; hầu hết đều nhẹ và tự qua khỏi. Tuy nhiên, nếu nhiễm virus Zika trong ba tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến tật đầu nhỏ của thai nhi (khoảng 10%). Đối với người trở về từ vùng dịch cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của mình; không để bị muỗi chích trong vòng 14 ngày từ ngày trở về, thực hiện tình dục an toàn ít nhất 28 ngày theo khuyến cáo của y tế và nên liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.

Sở Y tế Thành phố khuyến cáo người dân nên tìm và diệt lăng quăng hàng tuần tại nơi sinh sống và nơi làm việc (trong và ngoài nhà). Chủ động diệt muỗi hàng ngày bằng các biện pháp thông thường như bình xịt côn trùng gia dụng, nhang xua muỗi,… Chủ động phòng ngừa muỗi đốt, đặc biệt đối với thai phụ.

Chú trọng công tác tầm soát bệnh do vi rút Zika

Ngành y tế Thành phố đang tiếp tục tiến hành tầm soát bệnh do vi rút Zika tại 30 bệnh viện trên địa bàn Thành phố cho đến hết ngày 31/12/2016. Trong số 30 bệnh viện này, ngoài các bệnh viện quận, huyện, bệnh viện đa khoa khu vực thì còn có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân Gia định và Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cũng tham gia vào công tác tầm soát vi rút Zika. 

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố cho biết, tất cả các bệnh nhân có triệu chứng phát ban kèm theo ít nhất 2 trong số các triệu chứng như sốt, đau khớp hoặc phù quanh khớp, đau cơ, mắt đỏ đến khám trong vòng 5 ngày đầu tiên kể từ ngày khởi phát sẽ được lấy mẫu máu tĩnh mạch để làm xét nghiệm tìm vi rút Zika, Chikungunya và Dengue. Các mẫu này sẽ được chuyển về Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh làm xét nghiệm PCR để phát hiện sự tồn tại của vi rút. Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ bệnh sẽ được lấy máu xét nghiệm tìm vi rút miễn phí.
 
Bệnh do vi rút Zika thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ nhưng có thể gây hậu quả trầm trọng nếu nhiễm bệnh trong những tháng đầu thai kỳ. Do đó, ngành y tế khuyến cáo người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nếu phát hiện bản thân hoặc người nhà có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm vi rút Zika thì hãy đến một trong 30 điểm giám sát của thành phố để được khám, tư vấn và thực hiện xét nghiệm tầm soát vi rút Zika. 

Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do vi rút Zika được phát hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới nên tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam tại đây đều được kiểm tra thân nhiệt. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện phun hóa chất diệt muỗi bên trong cũng như xung quanh khu vực sân bay; đồng thời dọn dẹp vệ sinh, phòng trừ diệt muỗi trên các máy bay. 

Ngoài ra, ngành y tế Thành phố cũng khuyến cáo người dân ở các khu vực dân cư cần quan tâm đến sức khỏe của cá nhân mình và của cộng đồng bằng các hoạt động phòng, chống như: tìm và diệt lăng quăng, muỗi hàng tuần tại nơi sinh sống và nơi làm việc; chủ động phòng ngừa muỗi đốt, đặc biệt đối với thai phụ./.
 
TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất