Chủ Nhật, 19/5/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Tư, 13/4/2022 9:9'(GMT+7)

Ứng dụng công nghệ 4.0 trên cả 5 lĩnh vực vận tải

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để hoàn thiện đề án, Bộ GTVT đang huy động mọi nguồn lực sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; xây dựng hành lang pháp lý để áp dụng mô hình đề án này. 

Cụ thể, về xây dựng kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh ứng dụng thiết bị, máy móc tự động hóa, robot hóa trong các dây chuyền thi công khép kín. Bên cạnh đó, ưu tiên sử dụng các công nghệ mới, công nghệ nano, kết cấu mới, vật liệu tiên tiến. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý dự án đầu tư ngành GTVT trên nền tảng trực tuyến; triển khai ứng dụng mô hình thông tin công trình trong đầu tư xây dựng công trình.

Bộ GTVT sẽ tăng cường xây dựng hệ thống ITS, ETC (thu phí tự động không dừng) đồng bộ đối với đường bộ cao tốc, các tuyến quốc lộ chính yếu trên các hành lang vận tải lớn. Cùng với đó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho hệ thống ITS, hệ thống quản lý điều hành bay, hệ thống điều phối và giám sát giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.

Theo đề án, mô hình cảng hàng không, sân bay thông minh sẽ được xây dựng cho các cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cảng biển xanh, thông minh cho cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh; nhà ga thông minh cho đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. 

Đối với quản lý khai thác, bảo trì, Bộ GTVT sẽ xây dựng trung tâm giao thông thông minh quốc gia thống nhất toàn quốc, tích hợp và kết nối hệ thống ITS trên đường bộ cao tốc, quốc lộ chính yếu và ITS giao thông đô thị tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng sẽ ứng dụng các dây chuyền thi công đồng bộ, khép kín, tự động hóa, robot hóa trong bảo trì hạ tầng giao thông; ưu tiên sử dụng các công nghệ và vật liệu tiên tiến, công nghệ nano, trong bảo trì công trình giao thông; hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt; ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý điều hành đường sắt đô thị; ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ vận hành và khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa; hoàn thiện các hệ thống dẫn đường, kiểm soát không lưu theo quy định của Tổ chức hàng không quốc tế (ICAO). 

Ngoài ra, đề án hướng đến mục tiêu chủ động, tiếp cận, đón đầu, đảm bảo đủ năng lực, đạt mức độ sẵn sàng tiếp cận và tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan để đổi mới mạnh mẽ, tạo bước phát triển đột phá trong xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối và chia sẻ với địa phương./.

Thanh Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất