Chủ Nhật, 5/5/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 1/2/2018 21:51'(GMT+7)

Vĩnh Long tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

 

 

Đây là ý tưởng nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030” và Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long “về việc tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên”, do đó, mặc dù mới ký kết ngày 10/5/2017, nhưng trong năm, các đơn vị liên tịch đã phối hợp tổ chức được 06 cuộc sinh hoạt chuyên đề, nói chuyện truyền thống, thu hút gần 4.000 học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh dự nghe, qua đó, nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực.

Nhìn chung, hầu hết các em học sinh, sinh viên dự nghe được cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích, nhận thức sâu hơn, hiểu nhiều hơn về các vấn đề mình được nghe báo cáo viên trình bày trong các cuộc nói chuyện chuyên đề nêu trên. Từ đó, trang bị cho các em nhiều kỹ năng sống, sinh hoạt giao tiếp thiết thực, hiểu sâu hơn lịch sử truyền thống cách mạng của quê hương Vĩnh Long; tiếp cận những khía cạnh tiêu biểu, nổi bật về thân thế sự nghiệp, cũng như quá trình hoạt động cách mạng cùng những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiêu biểu cho quê hương Vĩnh Long, như: cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa.

Đặc biệt, tại cuộc nói chuyện với chủ đề: “gia đình và chữ hiếu”, “kỹ năng sống – hành trang bước vào đời”, “làm chủ mạng xã hội”, 02 diễn giả là chuyên gia tâm lý PGS.TS Huỳnh Văn Sơn và TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu với phương pháp, nội dung phù hợp, đã thu hút được đông đảo người nghe có mặt (trong đó có rất nhiều phụ huynh đưa con đến dự) chăm chú lắng nghe, sôi nổi, tích cực tham gia tương tác, cùng trải lòng với những mẩu chuyện, chia sẻ rất thực tế, cụ thể của diễn giả. Ngoài ra, tại cuộc nói chuyện chuyên đề về Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Hồng đã rất khéo léo, uyển chuyển trong việc vào vai báo cáo viên khi truyền đạt nội dung (mới, cô đọng, súc tích) giúp các em học sinh dễ tiếp thu .

Nhìn lại những hoạt động đã tổ chức nêu trên, các đơn vị phối hợp cũng tự rút ra một số bài học kinh nghiệm quý để tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp thời gian tới. Đó là: phải nắm chắc tinh thần, nội dung cũng như đối tác phối hợp, để triển khai đúng việc, trúng chỗ. Đối với nội dung giáo dục tâm lý, nói chuyện về lý tưởng, trách nhiệm, tình bạn, tình thầy trò, tình yêu của tuổi trẻ hiện nay, gia đình, tâm lý học đường, tình cảm tuổi học trò, lối sống văn hóa lành mạnh, kỹ năng giao tiếp xã hội, …. cần tăng cường mời các chuyên gia, chú trọng đến những diễn giả đang được học sinh, sinh viên yêu thích, thì mới có thể thu hút được sự quan tâm lắng nghe từ các em. Về nội dung giáo dục lịch sử truyền thống, lịch sử cách mạng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, cần tìm các chuyên gia nghiên cứu sâu và có phong cách trình bày phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên. Tăng cường mời các đồng chí lãnh đạo ban tuyên giáo các cấp trong tỉnh hoặc các nhà nghiên cứu lịch sử, các thầy, cô giáo (cả đương chức lẫn về hưu), các cựu chiến binh (trực tiếp tham gia chiến đấu tại các sự kiện cần tuyên truyền), … có trình độ, có đức độ, đủ uy tín, phong cách sư phạm tốt để mời tham gia nói chuyện chuyên đề với các em.

Trong năm 2018, các địa phương, đơn vị, cơ quan, ban  ngành đoàn thể ở Vĩnh Long trong quá trình thực hiện Kế hoạch liên tịch số 82 cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là: Tiếp tục tổ chức sinh hoạt truyền thống, nói chuyện chuyên đề cho đoàn viên, thanh niên nhân kỷ niệm các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước trong năm (theo năm tròn: 05 năm, năm chẵn: 10 năm) hay nhân kỷ niệm ngày sinh các vị lãnh đạo tiêu biểu của tỉnh, như: cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa,...  với chủ đề phù hợp gắn với giáo dục lịch sử truyền thống và lịch sử cách mạng của quê hương Vĩnh Long.

Hai là: Tiếp tục phối hợp, chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông xây dựng các diễn đàn thiết thực, mời diễn giả, báo cáo viên nói chuyện chuyên đề, trao đổi, đối thoại với đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp, chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tổ chức cuộc hội thảo, các buổi tọa đàm về chủ đề tổ chức một số hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên hiện nay hoặc các nội dung có nội hàm tương tự.

Đặc biệt, sau mỗi sự kiện được tổ chức, cần có tổng kết hoặc đánh giá, rút kinh nghiệm ngay, làm cơ sở cho những lần tổ chức tương tự được tốt hơn.

Ba là: Chỉ đạo sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, các hoạt động ngoài giờ hoặc các buổi tập huấn, cuộc nói chuyện để tuyên truyền đến đối tượng học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh với nội dung các đề cương tuyên truyền do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn, phát hành theo từng sự kiện cụ thể.

Hy vọng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự chủ động, nhiệt tình, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tổ chức thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hấp dẫn, hiệu quả, trở thành nội dung quan trọng trong công tác giáo dục của nhà trường, gắn việc “dạy chữ” với “dạy người”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhân cách, ý thức trong học sinh, sinh viên trong thời gian tới./.

Quang Chiến

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất