Thứ Ba, 7/5/2024
Đồng Nai đổi mới và phát triển
Chủ Nhật, 8/12/2019 14:59'(GMT+7)

Xây dựng chuỗi sản xuất, chăn nuôi an toàn

Vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp chăn nuôi tỉnh Đồng Nai là sau khi lập dịch việc tái đàn phải đi kèm với sự an toàn và có tính bền vững. Tiêu chí an toàn sinh học, chống tái dịch là tiêu chí được đặt ra hàng đầu trong việc tái đàn heo tại Đồng Nai hiện nay. Thực tế đã chứng minh, nếu tuân thủ đầy đủ hướng dẫn về an toàn sinh học thì dù ở ngay “tâm dịch”, đàn heo của nhiều trang trại và doanh nghiệp cũng không bị lây nhiễm và vẫn khỏe mạnh bình thường.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để giúp người dân trên địa bàn Đồng Nai giảm bớt thiệt hại do dịch tả heo châu Phi, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 2.245 cơ sở chăn nuôi, với tổng số tiền là 320 tỷ đồng. Dịch tả heo châu Phi xảy ra tại Đồng Nai đã làm tổng đàn heo của tỉnh giảm hơn 1 triệu con. UBND tỉnh dự tính sẽ hỗ trợ khoảng 620 tỷ đồng cho những cơ sở bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi.

Về lâu dài, ngành nuôi heo cũng cần tổ chức sản xuất các ngành hàng sản phẩm chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã. Cần hướng đến một ngành chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và áp dụng công nghệ cao. Ở đó không còn cơ sở, hộ chăn nuôi nào mà sản xuất không gắn trong chuỗi, không biết bán cho thị trường nào, theo tiêu chuẩn nào.

Các doanh nghiệp và tập đoàn lớn, đủ khả năng đầu tư theo các chuỗi khép kín vào ngành chăn nuôi, vừa có thể hỗ trợ dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất theo thị trường, vừa cùng với Nhà nước trong điều tiết cung cầu các sản phẩm chăn nuôi. Khi dịch bệnh hoành hành, cũng là lúc cần quyết liệt khuyến khích các cơ sở chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt. Trong đó, nhất thiết các cơ sở chăn nuôi phục vụ xuất khẩu phải áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAP, GlobalGAP… Có như vậy, ngành nuôi heo Đồng Nai nói chung và Việt Nam nói riêng mới tận dụng được cơ hội trong khó khăn và có sự phát triển lâu dài, bền vững.      

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được 14 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn gồm: 4 chuỗi trứng gà cung cấp hơn 200 triệu quả trứng/năm; 3 chuỗi thịt gà cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu khoảng 17 ngàn tấn thịt/năm; 5 chuỗi thịt heo cung cấp ra thị trường khoảng 14 ngàn tấn thịt/năm; 1 chuỗi truy xuất nguồn gốc thịt heo gà vào thị trường TP. Hồ Chí Minh; 1 chuỗi sản phẩm bánh kẹo chế biến từ sữa bò.

Tính từ cuối năm 2016 đến nay, Đồng Nai đã cung cấp 3,4 triệu con heo và 30,7 triệu con gà được truy xuất nguồn gốc vào thị trường TP. Hồ Chí Minh. Tỉnh cũng đang triển khai thêm nhiều đề án truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm đảm bảo đạt chuẩn cung cấp cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có 212 trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoặc bán công nghiệp, quy mô đàn lớn, sử dụng giống tốt; nhiều trại sản xuất heo giống chất lượng cao, thực hiện nhiều mô hình sản xuất như: mô hình cải tạo đàn bò theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, mô hình trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò Úc, mô hình xây dựng hệ thống làm mát trong chăn nuôi heo nái sinh sản, xây dựng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi...

Đến nay, trên địa bàn huyện có 15 trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP (3 trại gà, 12 trại heo); 144 cơ sở chăn nuôi đăng ký sử dụng phần mềm Te-Food để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt từ quầy bán lẻ đến nơi giết mổ, trang trại chăn nuôi sản xuất ra sản phẩm thịt đang được bán trên thị trường./.

PV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất