Thứ Hai, 20/5/2024
Vấn đề quan tâm
Chủ Nhật, 22/2/2015 22:15'(GMT+7)

Ánh sáng Đổi mới từ đâu đến?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

 

Gần ba thập niên nay, hai từ Đổi mới đã trở nên thân quen với mọi lớp người Việt Nam chúng ta, từ lớp người cao tuổi, lớp trung niên cho đến lớp thanh niên và thiếu niên.

Đổi mới có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Đổi mới xuất hiện như một quy luật vận động: ở đâu có Đổi mới và Đổi mới đúng hướng, ở đó có tiến lên và phát triển; ở đâu không có Đổi mới hoặc Đổi mới loạc choạc, ở đó có trì trệ và tụt lùi.

Đổi mới cần thiết cho cuộc sống như cơm ăn, nước uống. Bởi vậy, Đổi mới trở thành mối quan tâm hàng đầu của cán bộ lãnh đạo và của cả người dân thường.

Dăm năm trở lại đây, gần như thành thông lệ, cứ mỗi lần Xuân đến, một số bạn cũ lâu năm của tôi, nay đã quá tuổi “cổ lai hy”, lại gặp nhau chuyện trò về Đổi mới. Xuân Ất Mùi 2015 này, các cụ hỏi tôi: Xuân năm nay, Đổi mới có gì mới?

Tôi thưa: có chuyện tổng kết gần 30 năm Đổi mới, trên cả hai mặt thực tiễn và lý luận.

Mấy cụ bảo: Điều đó chúng tôi biết. Chẳng qua là muốn hỏi xem qua tổng kết, sẽ trả lời như thế nào câu hỏi: Ánh sáng Đổi mới từ đâu đến?

Tôi hơi băn khoăn. Đây là câu hỏi cho nghiên cứu khoa học hay chỉ có tính đánh đố?

Bỗng nhớ lại cuộc hàn huyên của các cụ Xuân năm trước, năm 2014. Đang nói về chuyện Đổi mới, các cụ bỗng xoay sang “truy nguyên” hai từ Đổi mới, rằng hai từ ấy có tự bao giờ?

Một cụ hỏi tôi: Anh đã tham gia Tổ biên tập Văn kiện Đại hội VI, vậy có nhớ trước Đại hội VI, có văn kiện chính thức nào của Đảng đề cập tới hai từ Đổi mới?

Tôi thú thật là không nhớ rõ. Nhưng biết chắc rằng trong Kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị (ngày 20-9-1986) về “Một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế” có ghi: “Những kết luận của Bộ Chính trị ở Hội nghị lần này mở ra một bước đổi mới rất quan trọng về tư duy kinh tế của Đảng ta”. Và “đổi mới quản lý kinh tế nói trên là một cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng sâu sắc. Muốn thực hiện cuộc cách mạng này nhất thiết phải đổi mới tư duy kinh tế, trước hết là tư duy của các cơ quan lãnh đạo và quản lý”.

Ngược thời gian một chút, có bài phát biểu của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng khóa V ngày 3-7-1984, nhan đề là “Nắm vững quy luật, đổi mới quản lý kinh tế”.

Một cụ khác nhắc lại: Đừng quên rằng, sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ trong các bài viết và bài nói của mình, không phải một mà nhiều lần dùng từ Đổi mới. Năm 1949, trong bài “Dân vận”, để chỉ rõ nước ta là nước dân chủ, Bác viết: “Công việc Đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Năm 1964, trong “Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt”, Bác nói: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến một bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội, con người đều Đổi mới”, v.v..

Có người còn say sưa nói đến thuyết duy tân do một số nhà yêu nước ta thời kỳ đầu thế kỷ XX đề xướng. Duy tân, theo đúng ngữ nghĩa cũng là Đổi mới. Họ nói Phan Bội Châu với phong trào Đông Du, mong muốn tự mình đến tận xứ sở hoa anh đào tìm hiểu chính sách duy tân của Thiên Hoàng Minh Trị. Xen lẫn những vấn đề quốc gia đại sự, có người nói đến phong trào thơ mới, nhắc mấy câu trong bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng ngắm ánh trăng tan

Đâu những đêm gió thoảng bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta Đổi mới.

Thấy câu chuyện cứ miên man như vậy, tôi muốn chấm dứt và nói: Nếu đi vào lịch sử xa xưa, từ thế kỷ XV, xin hãy cùng tôi đọc lại đoạn cuối Bình Ngô đại cáo:

Xã tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây Đổi mới

Càn khôn bĩ rồi lại thái

Nhật nguyệt hối rồi lại minh...

Và: Than ôi!

Một cỗ nhung y chiến thắng

Nên công oanh liệt ngàn năm

Bốn phương biển cả thanh bình

Ban chiếu duy tân khắp chốn.

Thế là mọi người đồng ý chuyển sang nói về Đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI. Bởi ai cũng hiểu, Duy tân hay Đổi mới tuy giống nhau về hình thức từ ngữ nhưng lại có sự khác biệt lớn về quan niệm, tư tưởng và nội dung, do các điều kiện lịch sử và thời đại quy định.

Đó là chuyện của Xuân năm trước. Còn chuyện của Xuân này là làm sao trả lời thỏa đáng câu hỏi đặt ra: “Ánh sáng Đổi mới từ đâu đến?”

Chúng ta từng nói: Đổi mới là đường lối chính trị, là quyết sách chiến lược của Đảng; là phong trào hành động cách mạng của nhân dân; là một phương pháp tư duy theo hướng tiến bộ và phát triển...

Dù dưới góc nhìn nào, cội nguồn của Đổi mới vẫn là một.

Thấy tôi đắn đo suy nghĩ, mấy cụ cười lớn: Hỏi là hỏi vậy thôi chứ câu trả lời đã rõ rồi còn gì. Đổi mới do Đại hội VI đề xướng, các Đại hội tiếp theo nâng cao và hoàn thiện dần, mấy chục năm nay đã trở thành đường lối chiến lược dẫn dắt sự nghiệp của chúng ta. Ánh sáng Đổi mới từ đó đến chứ còn từ đâu nữa!

Một số cụ khác lại nói: Đã đành là như vậy. Nhưng ánh sáng chiếu rạng bao giờ cũng bắt đầu từ những tia nắng đầu tiên. Đổi mới khởi đầu từ Đại hội VI nhưng những tia nắng đầu tiên ấy (hoặc nhân tố đầu tiên) đã le lói từ cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980 trước khi khủng hoảng kinh tế - xã hội có dấu hiệu trầm trọng. Đó là lòng dân mong muốn “sản xuất bung ra”, xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ”. Đó là những việc làm “khoán chui”, “xé rào”, “đưa giá vào lương” nảy sinh ở nhiều địa phương. Chính nhờ nắm bắt được những nhân tố đầu tiên ấy mà Đảng ta đã có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (1979) chủ trương làm cho sản xuất bung ra, rồi khoán 100 trong nông nghiệp, 25-26/CP trong công nghiệp, tiến tới có nghị quyết của Bộ Chính trị khóa V về ba quan điểm đổi mới kinh tế như đã nêu trên. Như vậy, ánh sáng Đổi mới chẳng phải đã đến từ những sáng kiến của nhân dân sao?

Có cụ muốn nói bằng ngôn ngữ của lý luận. Rằng Lênin từng nói: “Không có lý luận cách mạng, thì không có phong trào cách mạng”. Bác Hồ đã ghi lại câu nói đó trên trang đầu tác phẩm “Đường Cách mệnh”. Lênin cũng nói lý luận phải xuất phát từ thực tiễn, và “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”. Bác Hồ dặn chúng ta không được ngồi trong phòng nghĩ ra đường lối, chính sách. Cán bộ, đảng viên phải đi sâu vào quần chúng, học hỏi quần chúng, hỏi xem đường lối, chính sách của chúng ta có đúng không, sát không, cần sửa đổi gì không.

Xem ra, ý kiến thảo luận rất sôi nổi, sôi nổi hơn cả phần “truy nguyên” hai từ Đổi mới. Không có những ý kiến đối lập nhau. Chẳng qua là do chỉ nhấn mạnh mặt này hay mặt khác thành ra không toàn diện.

Tôi tìm giải pháp tốt nhất. Đọc lại bài học thứ ba về Đổi mới, bài học Đại hội X của Đảng (2006) đã rút ra từ tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới. Bài học đó như sau:

“Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới”. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân có vai trò quan trọng trọng việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Dựa vào nhân dân, xuất phát từ thực tiễn và thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát hiện nhân tố mới, từng bước tìm ra quy luật phát triển, đó là chìa khóa của thành công”.

Không ai có ý kiến gì thêm. Dường như các cụ đều hể hả./.

Hà Đăng

 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất