Thứ Hai, 20/5/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 26/6/2018 15:29'(GMT+7)

Bài 3: Đi tìm mùa hè bổ ích (tiếp theo và hết)

 

 Bài 1: Nỗi lo khi con nghỉ hè

 Bài 2: Thiếu sân chơi, trẻ làm gì?

Chung tay giải “cơn khát” sân chơi

Với mong muốn con trẻ có mùa hè bổ ích, Ban Thường vụ Thành đoàn TP Hà Nội đã xây dựng, triển khai Đề án số 61ĐA/TNHN ngày 26-7-2012 về việc “Tuổi trẻ Thủ đô chung tay xây dựng sân chơi cho thiếu nhi các huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội giai đoạn 2012-2017”. Theo đại diện Ban Công tác Thiếu nhi Thành đoàn TP Hà Nội, trong nhiệm kỳ 2012 - 2017, toàn Đoàn đã xây dựng mới 110 điểm vui chơi, sân chơi cho thiếu nhi với tổng giá trị 13,2 tỷ đồng.

Việc chơi đùa không chỉ giúp trẻ gắn kết yêu thương với cha mẹ, người thân mà thông qua đó, con trẻ còn học hỏi được thêm nhiều kỹ năng quan trọng trong cuộc đời. Ảnh chụp tại Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy).

Bên cạnh đó, không ít tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã vận động, phối hợp với cộng đồng dân cư để xây dựng sân chơi, góp phần giải “cơn khát” sân chơi cho trẻ. Đơn cử như sân chơi ở tổ dân phố số 8, phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Nhắc đến sân chơi này, trước hết phải nói tới công của bà Đinh Thị Thu, người được coi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, vượt qua mọi khó khăn, kiên quyết đấu tranh giành lại khoảng sân chơi rộng 600m2 cho hơn 200 hộ dân trong tổ dân phố. Bà Thu tâm sự: “Trước kia, khoảng sân này bị một số hộ dân chiếm dụng để làm quán bia, bãi để xe gây ồn ào và rất mất mỹ quan. Trong khi đó người già, trẻ nhỏ lại thiếu một sân chơi công cộng. Chính điều này đã thôi thúc tôi xây dựng một công viên thu nhỏ giữa lòng khu tập thể để mọi người giải lao, thư giãn sau ngày học tập, làm việc vất vả”.

 

Để con trẻ có mùa hè bổ ích, an toàn cần sự quan tâm không chỉ của mỗi gia đình, nhà trường... mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Ảnh chụp tại Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy).

Không kiên quyết đòi lại không gian nhưng chung ý tưởng tạo ra sân chơi cho trẻ em, nhóm thiện nguyện gồm 4 người là Nguyễn Tiến Quốc Đạt, Chu Kim Đức, Lưu Anh Tú, Trần Quang Minh đã lên ý tưởng xây dựng một khu vui chơi giá rẻ, với chi phí chưa tới 10 triệu đồng trên diện tích khoảng 100m2 ở bãi giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội). Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện sân chơi đã có xích đu, thang đu dây, bập bênh và những chiếc ghế bằng lốp được sơn nhiều màu. Anh Nguyễn Quốc Đạt, thành viên dự án cho biết: Mô hình có giá tối thiểu, được chính cộng đồng ở đây thực hiện từ những vật liệu tái chế, không tốn kém. Người dân sẽ lựa chọn được điều thích hợp cho con em mình. Chính điều này sẽ làm cho dự án được duy trì bền lâu...

Nhiều hoạt động thiết thực

Ngày 4-6-2018, Thành đoàn TP Hà Nội đã lên kế hoạch, tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi và hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2018 với nhiều hoạt động thiết thực.

Phó bí thư Thường trực Thành đoàn TP Hà Nội Nguyễn Khánh Bình cho biết: Dịp hè này, Thành đoàn đã lên kế hoạch triển khai các chương trình, như hoạt động góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; hoạt động ôn tập văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, dạy bơi miễn phí với chương trình phòng chống đuối nước... Bên cạnh đó, Thành đoàn chỉ đạo 100% cơ sở Đoàn, Đội tập trung công tác bảo vệ trẻ em thông qua việc hướng dẫn kỹ năng phòng, chống quấy rối và xâm hại tình dục; tuyên truyền Luật Trẻ em; mỗi cơ sở cấp xã tổ chức ít nhất một “Trại hè kỹ năng” cho thiếu nhi; chương trình “Rèn luyện đội viên” qua mạng internet...

Trong những tháng hè, Ban chấp hành  Đoàn thanh niên xã Đại Mạch, huyện Đông Anh tổ chức nhiều hoạt động hè cho các em học sinh.

Thực hiện kế hoạch của Đoàn cấp trên, từ đầu kỳ nghỉ hè 2018 đến nay, Đoàn thanh niên xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em thông qua các hình thức, như: Trò chơi dân gian; hoạt động thể dục thể thao (bóng đá, cầu lông, đá cầu...); các hoạt động văn hóa, văn nghệ (dân vũ, múa, hát) góp phần hạn chế trẻ em tham gia vào các trò chơi mang tính chất bạo lực; tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt, tham quan dã ngoại với nội dung giáo dục truyền thống cách mạng, hướng về cội nguồn; tổ chức tuyên truyền về văn hóa tham gia giao thông...

Bên cạnh hoạt động vui chơi, giải trí , Ban chấp hành Đoàn xã Đại Mạch, huyện Đông Anh còn thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Vương Thị Thu Phương, Phó chủ tịch UBND xã Đại Mạch cho biết: Thông qua các hoạt động đoàn xã tổ chức, sẽ giúp định hướng, giáo dục các em gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc văn hóa hiện đại, văn hóa thế giới; không sử dụng, chơi trò chơi, đồ chơi phản văn hóa, có tính chất bạo lực, độc hại, không thân thiện với môi trường...

Song, để hoạt động hè cho thiếu nhi thực sự hiệu quả, thiết thực và bổ ích, Phó bí thư Thành đoàn TP Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho rằng: Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, trong đó có vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo về chủ trương, cơ chế, chính sách và kinh phí; các tổ chức đoàn thể địa phương tích cực thực hiện. Cùng với đó, gia đình cần làm tốt công tác quản lý con em mình, lựa chọn những hoạt động sinh hoạt hè phù hợp với sở thích của từng em, tránh để trẻ sa đà vào những trò chơi vô bổ, nguy hiểm.

Bài và ảnh: BẠCH ĐẰNG - VƯƠNG THÚY

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất