Chủ Nhật, 5/5/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Ba, 11/4/2023 6:9'(GMT+7)

“Chạy đi” và “Chạy đến”

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

   Nhóm 1: chạy giặc, chạy lụt, chạy bão, chạy mưa, chạy tội, chạy án,...
   Nhóm 2: chạy gạo, chạy tiền, chạy việc, chạy điểm, chạy thầy chạy thuốc...

Điều giống nhau dễ nhận ra ở cấu trúc hai nhóm trên là, chạy được kết hợp với một từ (thường là từ đơn) khác để tạo ra một từ ghép mang nghĩa khái quát (về một tình huống nào đó). Nhưng ta cũng dễ dàng nhận ra cái khác biệt về mặt ngữ nghĩa là, ở nhóm 1, người ta “chạy” để tránh xa sự thể được nói tới. Chạy giặc là “thoát ra vùng giặc giã, nguy hiểm”, chạy mưa là “tạm tìm chỗ (nào đó) để trú khỏi bị mưa”, chạy tội là “tìm cách sao cho thoát tội (lẽ ra mình phải nhận)”...; Còn ở nhóm 2 thì ngược lại, người ta chạy là để mong có được cái đang nói tới. Chạy gạo là “tìm cách để có gạo ăn”, chạy việc là “lo liệu tìm được việc làm như mong muốn”, chạy thầy chạy thuốc là “đi nhiều nơi mong tìm được thuốc hay thầy giỏi với hi vọng chữa được bệnh tình (của ai đó)”...

Chao, chỉ mỗi việc chạy thế thôi mà sao bao điều rắc rối quá! Mà bây giờ có nhiều trường hợp người ta đâu cần chạy bằng đôi chân? Người ta chạy bằng tài ăn nói, bằng quan hệ thân quen, bằng quyền thế, bằng tiền bạc... Nhiều cách lắm. Người ta cũng chẳng cần phải đi đâu cho mệt. Một văn bản hợp lệ, một lá thư tay, thậm chí một cú “phôn” nhẹ nhàng (sau một chầu tenis vui vẻ) là xong việc. Có nhiều người, khi có khuyết điểm hay tội lỗi, họ không lo tu thân hay tỏ thái độ sửa sai, cầu thị mà nghĩ ngay đến chuyện “chạy” cho thoát hiểm. Chạy cho xa, càng xa càng tốt. Mà muốn chạy xa, ta không thể dùng đôi chân “điền kinh” kia được. Ta phải chạy bằng thế lực hay sức mạnh của đồng tiền… Ngữ nghĩa của tổ hợp chạy quả là đã “chạy” rất xa so với nghĩa gốc. 

Trong một tờ báo khá quen biết gần đây, có bài Chạy chức, chạy dự án, chạy tội. Trong bài này, tác giả đã dẫn lời một vị quan chức, nói “điều ông bức xúc nhất là tình trạng cán bộ, công chức chạy chức, chạy dự án, chạy tội” và “điều băn khoăn của ông là ở chỗ ngay trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu rằng các hiện tượng “chạy” nói trên “được nhiều nơi nói tới nhưng chưa bị phát hiện””. Người ta chạy đủ thứ: chạy lên lương, chạy lên chức, chạy nhà chạy đất, chạy việc (cho con cháu), chạy trường chuyên lớp chọn, thậm chí chạy... cả huân chương đủ loại (!). Xét cho cùng đó là những hiện tượng chạy chọt, làm băng hoại và phá vỡ các giá trị chuẩn mực xã hội chứ đâu phải là các hành vi chạy có lợi, đáng khuyến khích (như cả nước chúng ta đang gấp rút chạy từng ngày từng giờ để thực hiện đúng kế hoạch hàng năm)? 

Chính nét nghĩa tích cực hay tiêu cực làm cho kết hợp từ chạy + X phân hoá thành hai chiều ngược nhau về giá trị và khác nhau về hướng mục tiêu mong muốn của mỗi người. 

 PGS. TS. Phạm Văn Tình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất