Chủ Nhật, 28/4/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 8/10/2021 16:3'(GMT+7)

Công dân học tập trong điều kiện bình thường mới

GS. TS. Nguyễn Thị Doan phát biểu đề dẫn Hội thảo.

GS. TS. Nguyễn Thị Doan phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Hội thảo do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức sáng 8/10 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của GS. TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

CÔNG DÂN HỌC TẬP - NỀN TẢNG ĐỂ XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Dịch bệnh COVID-19 đã làm cả thế giới thay đổi, các quốc gia và mỗi tổ chức đã và đang từng bước phải định hình lại chiến lược phát triển trong bối cảnh xác định sống chung - thích ứng, chứ khó có thể đẩy lùi vĩnh viễn được dịch bệnh. Việt nam cũng không là ngoại lệ của bối cảnh này. Theo đó, nhiệm vụ “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra đòi hỏi mỗi tổ chức, công dân Việt Nam không phải chỉ xác định học tập mọi lúc mọi nơi, lao động sáng tạo để đạt mục tiêu đề ra, mà phải thực hiện nhiệm vụ đó trong tình trạng dịch bệnh luôn đe dọa bùng phát bất cứ lúc nào.

“Hai năm nay, dịch bệnh đã làm thế giới thay đổi và những thay đổi đó đang định hình lại tương lai của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức và mỗi con người bởi những phương pháp phát triển truyền thống có thể không còn phù hợp, rõ nhất là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo”, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói.

Trong tình hình đó, theo GS. TS. Nguyễn Thị Doan, Hội Khuyến học Việt Nam cần phải kịp thời nhận thức đúng về “những biến động” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Trước mắt là cần thay đổi tư duy trong công tác chỉ đạo hoạt động, nội dung hoạt động và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao thông qua 2 đề án “Công dân học tập”“Mô hình: gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập”. Chi phối sự thành công của các mô hình chính là các công dân học tập - vừa là mấu chốt, vừa là nền tảng của xã hội học tập mà chúng ta đang xây dựng.

Công dân học tập cần có 3 năng lực cở bản, đó là: 1) năng lực tự học, học suốt đời; 2) năng lực sử dụng các công cụ tương tác và 3) năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội. Vấn đề đặt ra với các công dân học tập trong thời kỳ dịch bệnh là cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. Trước tiên, để thực hiện “mục tiêu kép”, mỗi người cần chấp hành tốt pháp luật, thực hiện tốt các quy định của chính quyền và Bộ Y tế trong phòng, chống COVID-19.

Trách nhiệm công dân, tinh thần công dân chỉ được nhân lên khi mỗi người có quyết tâm cao độ trong việc bồi đắp, tiếp nhận các thông tin cần thiết hàng ngày về cách phòng, chống dịch bệnh; cách áp dụng những kinh nghiệm và chia sẻ thông tin, kiến thức trong phòng, chống dịch bệnh, để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, vừa ổn định đời sống và phát triển kinh tế. Theo đó, học tập thường xuyên bằng phương pháp học trực tuyến là cách học hiệu quả, phổ biến và mang tính văn minh nhất hiện nay. Song, học trực tuyến chỉ có hiệu quả khi mỗi người thực sự biết trau dồi và rèn luyện kỹ năng tự học - kỹ năng quan trọng nhất và là năng lực đầu tiên bắt buộc phải có đối với mỗi công dân học tập thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và nó lại càng quan trọng hơn trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp hàng ngày, hàng giờ.

Như vậy, cùng với trách nhiệm công dân, tinh thần công dân thì năng lực tự học của công dân cần được nhấn mạnh và đề cao trong thời điểm dịch bệnh bùng phát cũng như trong điều kiện “bình thường mới”.

GS. TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu.

Vấn đề đặt ra là, muốn khích lệ, phát huy được tối ưu mô hình cũng như tinh thần công dân học tập trong điều kiện bình thường mới thì phải làm gì để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi? cần phải có những cơ chế, chính sách như thế nào? vai trò các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể trong thúc đẩy công dân học tập, xã hội học tập? công tác thông tin tuyên truyền cần phải đặt trọng tâm vào đâu, đổi mới ra sao? kinh nghiệm, phương pháp đổi mới của các cấp Hội khuyến học từ Trung ương đến địa phương trong chỉ đạo hoạt động và tổ chức thực hiện?.v.v.. Đây chính là những câu hỏi đặt ra để các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, qua đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị, đề xuất tích cực và khoa học nhất.

NGHIÊN CỨU, PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO “MÁY TÍNH CHO NGƯỜI NGHÈO HIẾU HỌC”

21 tham luận gửi đến Ban tổ chức cùng nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo. Trong đó có những nội dung như: một số điều kiện đảm bảo cho công dân đạt tiêu chí công dân học tập trong bối cảnh bình thường mới; xã hội hóa giáo dục - một thành tố quan trọng trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam hiện nay; tìm hiểu mô hình “giáo dục tại gia” hiện đại khi thực hiện “mục tiêu kép” trong giáo dục - đào tạo; nhận thức đúng về kỹ năng cơ bản và năng lực cốt lõi của công dân học tập; các giải pháp thực hiện mô hình “Công dân học tập” đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19...

TS. Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu.

Bên cạnh những nội dung trên, để thực hiện thành công những yêu cầu đặt ra liên quan đến công dân học tập trong điều kiện bình thường mới, Hội thảo đã xác định số giải pháp mà Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cần tiến hành trong thời gian tới:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền và phối hợp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm lan tỏa tinh thần khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy công dân học tập, xây dựng xã hội học tập trong toàn xã hội.

Hai là, chủ động phối hợp với một số trường đại học ở cả miền Nam và miền Bắc để mở các lớp bồi dưỡng kiến thức tin học cho cán bộ Hội Khuyến học Việt Nam từ Trung ương đến địa phương. Phấn đấu mỗi cán bộ trong các cơ quan thuộc hệ thống Hội phải đạt danh hiệu “Công dân học tập”.

Ba là, chuẩn bị cụ thể hóa các tiêu chí “Công dân học tập” sau khi được Chính phủ phê duyệt Đề án cho phù hợp với các lĩnh vực, ngành nghề, địa phương. Tiến hành xây dựng Bộ công cụ đánh giá “Công dân học tập” dễ hiểu, dễ vận dụng.

Bốn là, tiếp tục phối hợp tổ chức hội thảo khoa học liên quan đến vấn đề dạy và học trong bối cảnh - điều kiện bình thường mới. Xác định “Công dân học tập” và các “Mô hình học tập” là cơ sở cho công tác chỉ đạo và triển khai công việc của Hội.

Năm là, bên cạnh phong trào "Máy tính cho em" đã được Trung ương Hội phát động và thực hiện rất hiệu quả vừa qua, tiếp tục nghiên cứu, phát động phong trào "Máy tính cho người nghèo hiếu học” nhằm huy động lực lượng xã hội ủng hộ máy tính, thiết bị học tập tới người nghèo hiếu học...

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh phát biểu.

CÀNG KHÓ KHĂN CÀNG PHẢI HỌC

Kết luận Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Thị Doan khẳng định: Hội thảo đã cơ bản đạt được những mục đích và yêu cầu đặt ra; xác định được những kỹ năng cơ bản, những phẩm chất mong muốn, cần có cũng như thái độ cần thiết để thực hiện tinh thần công dân học tập trong điều kiện bình thường mới. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là cơ hội để các thành viên tham gia trao đổi và chia sẻ những tri thức - kiến thức và nhiều vấn đề xã hội liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Ngoài kỳ vọng vào những mục tiêu lớn hơn đặt ra, kết quả của Hội thảo trước hết sẽ được lan tỏa đến cán bộ, hội viên các cấp Hội Khuyến học Việt Nam, qua đó góp phần vào công tác tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và rộng hơn là cộng đồng, xã hội thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” liên quan đến giáo dục - đào tạo: vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh, vừa phát huy cao độ tinh thần học tập, đặc biệt là tự học.

Lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, dịch bệnh mang tính toàn cầu, nhưng “bức tường lửa” để ngăn chặn dịch bệnh chủ yếu là tri thức, ý chí và tinh thần kỷ luật của từng con người. Lý do tìm giải pháp thực hiện mô hình “Công dân học tập” trong thời gian phòng, chống dịch chính là vấn đề này. Trong tương lai gần, năng lực phòng chống dịch bệnh chính là khả năng thích ứng với điều kiện bình thường mới. Năng lực - tri thức chỉ có thể được nâng cao và phát huy nếu con người có ý thức coi học suốt đời như một phương pháp sống chủ đạo, một lẽ sống theo quy luật của sự phát triển trong thế giới hiện đại. 

GS. TS. Nguyễn Thị Doan phát biểu kết luận Hội thảo.

“Càng khó khăn càng phải học, vì cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn diễn ra ngày càng sôi động, không thể vì dịch bệnh COVID-19 mà tiến bộ khoa học công nghệ ngừng tác động đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, ngược lại, nó càng tác động mạnh hơn. Điều này đòi hỏi mỗi công dân Việt Nam phải đổi mới tư duy và phương pháp dạy và học, phương thức lao động phù hợp trên cơ sở vận dụng sự đổi mới của khoa học công nghệ”, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh./.

Hoàng Minh  

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất