Thứ Bảy, 18/5/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 11/11/2020 16:16'(GMT+7)

Công tác tuyên truyền miệng góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Cà Mau

Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ công tác Tuyên giáo năm 2020 - điểm cầu Cà Mau

Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ công tác Tuyên giáo năm 2020 - điểm cầu Cà Mau

1. Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng trong phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên chú trọng xây dựng lực lượng tuyên truyền miệng có uy tín trong cộng đồng dân cư nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc, tôn giáo. 

Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương mở nhiều hội nghị tuyên truyền về những chủ trương, chính sách, giải pháp lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Các nội dung tuyên truyền miệng về vấn đề này được thực hiện trong suốt nhiệm kỳ và trong từng năm, từng thời điểm. 

Để tăng tính thuyết phục trong tuyên truyền miệng, tỉnh đã mời các chuyên gia ở các bộ, ngành báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; mời báo cáo viên báo cáo chuyên đề tại lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; mời cộng tác viên cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền. Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân ít người thì kết hợp lồng ghép các phương thức tuyên truyền như truyền miệng, văn nghệ cổ động, cổ động trực quan. 

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau đặc biệt quan tâm thông tin phản hồi của đối tượng được tuyên truyền, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tham mưu đề xuất lãnh đạo tỉnh kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…

Xác định kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản là thế mạnh của Cà Mau; lực lượng kinh doanh, dịch vụ là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước cũng như giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân; về luật doanh nghiệp, luật hợp tác xã; tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách ưu đãi đất đai, hạ tầng giao thông, thuế, xuất nhập khẩu, tín dụng để doanh nghiệp, nông dân, hộ kinh doanh định hướng đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền về pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tuyên truyền chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tuyên truyền các văn bản liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, đã giúp nông dân, người kinh doanh, dịch vụ hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, áp dụng vào sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu kinh tế. Đồng thời qua tuyên truyền, thu thập ý kiến phản biện chính sách; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tháo gỡ.

Kinh tế biển đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, các cấp ủy đã đẩy mạnh tuyên truyền trong ngư dân khi khai thác, đánh bắt hải sản không vi phạm vùng biển nước ngoài. 

Hàng năm, tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, kết hợp tiếp xúc đối thoại với ngư dân, có hàng ngàn lượt người tham gia. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức gặp gỡ đại diện chính quyền địa phương và ngư dân có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt, xử lý nhằm bàn giải pháp khắc phục và tuyên truyền, nhắc nhỡ ngư dân không khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, biển đảo, hàng năm, tỉnh cử nhiều cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác tuyên truyền thăm chiến sỹ, nhân dân trên các đảo trong quần đảo Trường Sa, các đảo trên vùng biển Tây Nam. Qua đó, kịp thời động viên, thăm hỏi, thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Chiến lược biển, đảo Việt Nam, các chính sách đầu tư, phát triển, khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, đảo...

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền miệng cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, Đảng bộ tỉnh Cà Mau thực hiện thắng lợi 13/20 chỉ tiêu đề ra, có 7/20 chỉ tiêu xấp xỉ đạt; đa số các chỉ tiêu chủ yếu về tăng trưởng kinh tế - xã hội ở mức khá trong khu vực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân gần 7%/năm; quy mô nền kinh tế tăng hơn 1,3 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 51 triệu đồng/người, tăng gần 1,3 lần so năm 2015. 

Chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Cà Mau năm 2019 đạt thứ hạng 45/63 tỉnh, thành phố, so với năm 2015 tăng 14 bậc; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 đạt thứ hạng 3/63 tỉnh, thành phố và đứng đầu trong các tỉnh đồng bằng Sông Cửu long. 

2. Công tác tuyên truyền miệng thời gian qua đã đạt kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế, khó khăn cần khắc phục như: 

Với đặc thù một tỉnh ven biển, địa bàn rộng, phương tiện đi lại chủ yếu bằng đường thủy; dân cư sống phân tán, nên kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền miệng khá tốn kém.

Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân ven biển ở một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; ý thức chấp hành pháp luật về khai thác và bảo lệ nguồn lợi thủy sản của một bộ phận ngư dân còn hạn chế; tình hình ngư dân khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài tiếp tục tăng và diễn biến còn phức tạp. 

Một số báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa hoạt động thường xuyên, chủ yếu theo từng đợt công tác tuyên truyền; hoạt động của lực lượng này chỉ dừng lại ở cung cấp thông tin từ trên xuống, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, kỹ năng tuyên truyền miệng chưa cao, khả năng nắm bắt và xử lý thông tin chưa nhanh nhạy; vận dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền còn lúng túng; chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; việc phối hợp tuyên truyền giữa các địa phương, đơn vị còn những lúc thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Trình độ dân trí của tỉnh còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đời sống một bộ phận nhân dân còn nghèo gây khó khăn cho công tác tuyên truyền miệng... 

3. Đất nước đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới của thời kỳ hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế; sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra yêu cầu mới đối với công tác tuyên truyền miệng trong phát triển kinh tế - xã hội… Đây cũng là những vấn đề chung đối với Cà Mau, đòi hỏi công tác tuyên truyền miệng trong toàn Đảng bộ phải phát huy tích cực hơn nữa các ưu thế, thực sự nhanh nhạy, hiệu quả; trước mắt cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. Cấp ủy các cấp cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền miệng; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện, làm tốt công tác kiểm tra, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm. 

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền miệng theo hướng đa dạng hóa, tăng tính thuyết phục, thiết thực, phù hợp và sát cơ sở, sát đối tượng. Chú trọng phổ biến, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội; những vấn đề thời sự nổi bật trong nước và quốc tế; việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng.

Ba là, quan tâm bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bốn là, kịp thời tổ chức hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin chính thống trước các sự kiện nổi bật của thế giới, khu vực, trong nước. Trong đó, cần chú trọng quan tâm đến công tác định hướng tuyên truyền đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm được dư luận quan tâm để đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên kịp thời tuyên truyền, định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Năm là, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đồng thời giải quyết chế độ, chính sách phù hợp.

Tỉnh Cà Mau hiện có 340 báo cáo viên các cấp. Trong đó, có 5 báo cáo viên cấp Trung ương; 49 báo cáo viên cấp tỉnh; 286 báo cáo viên cấp huyện và trên 1.000 tuyên truyền viên các cấp. Đội ngũ báo cáo viên cấp huyện ở mỗi đơn vị có từ 20 - 30 người. Mỗi đơn vị cấp xã đều thành lập Tổ Tuyên truyền viên có từ 5 - 7 thành viên. 
 

Phạm Việt Phong
Phó Trưởng ban, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất