Thứ Bảy, 18/5/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 17/11/2019 10:8'(GMT+7)

Dinh dưỡng và vận động giúp phòng ngừa thừa cân, béo phì ở trẻ

Theo nghiên cứu của tổ chức Action for healthy kids, trẻ phát triển đạt chuẩn và khỏe mạnh tập trung tốt khi học, dễ đạt kết quả kiểm tra tốt hơn trẻ thừa cân béo phì

Theo nghiên cứu của tổ chức Action for healthy kids, trẻ phát triển đạt chuẩn và khỏe mạnh tập trung tốt khi học, dễ đạt kết quả kiểm tra tốt hơn trẻ thừa cân béo phì

Bất cập trong dinh dưỡng và hoạt động thể lực ở trẻ

Theo thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh viện hiện đang điều trị cho nhiều bệnh nhi có độ tuổi dưới 15 nhưng đã có đến 5 - 6 năm chung sống với bệnh đái tháo đường. Hầu hết những trường hợp này bị thừa cân, béo phì. Nhiều trẻ chỉ học lớp 4, 5 nhưng có cân nặng lên đến 70 - 75 kg. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường ở trẻ nhỏ, nhưng phần lớn được xác định là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực, sử dụng nhiều thức ăn nhanh.

Thừa cân - béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thừa cân - béo phì gặp cả nam và nữ và các lứa tuổi.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5-19 tuổi bị thừa cân - béo phì.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân – béo phì có xu hướng tăng nhanh trong thập kỷ qua, đặt biệt là ở khu vực thành phố. Theo nghiên cứu, năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân-béo phì  tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh  là 12%, sau 13 năm (năm 2009) tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP. Hồ Chí Minh trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.

Nghiên cứu "Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh, thành Việt Nam" do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện đã khảo sát tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh từ cấp tiểu học tới trung học phổ thông ở cả thành thị và nông thôn cũng đã chỉ ra, đây là những bất cập còn tồn tại trong dinh dưỡng và hoạt động thể lực ở trẻ thuộc các lứa tuổi khác nhau, đặc biệt ở khu vực thành thị. Đáng chú ý, nhóm trẻ thừa cân béo phì tiếp tục có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng và chất đạm (protein) và hoạt động thể lực của nhóm này đối nghịch với mức dung nạp năng lượng vào cơ thể.

Để đánh giá trẻ bị thừa cân - béo phì, ngoài việc quan sát hình thể của trẻ thì số đo cân nặng và chiều cao cho phép ta nhận định một cách khách quan. Đối với trẻ em từ 0-5 tuổi: Trẻ coi là thừa cân khi chỉ số cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao dao động từ 2 độ lệch chuẩn (SD) đến dưới 3SD. Trẻ coi là béo phì khi cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao  từ 3SD trở lên. Đối với trẻ em 5-19 tuổi: trẻ được coi là thừa cân khi chỉ số khối cơ thể theo tuổi (BMI-Zscore) từ +1 SD  đến dưới 2SD.  Trẻ được coi là béo phì khi BMI-Zscore từ 2SD trở lên.

Trẻ bị thừa cân - béo phì chủ yếu là do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực. Trẻ có cân nặng sơ sinh quá cao, suy dinh dưỡng thấp còi đều có nguy cơ thừa cân béo phì. Trẻ ăn nhanh, hay ăn vặt, thích ăn ngọt, uống nước giải khát, ăn nhiều vào buổi tối, đặc biệt trước khi đi ngủ. Ngoài ra còn do yếu tố di truyền hay ngủ ít. Nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố liên quan khác đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ bao gồm tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, điều kiện kinh tế xã hội và trình độ văn hóa của bố mẹ...

Thừa cân béo phì có thể dẫn đến các bệnh thoái hóa khớp, đau thắt lưng…khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh. Hậu quả là gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Giải quyết thừa cân - béo phì là vấn đề của toàn xã hội

Giải quyết thừa cân - béo phì là vấn đề của toàn xã hội, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình (phụ huynh) với nhà trường với toàn thể xã hội  bao gồm các ngành nghề: truyền thông (tăng sự hiểu biết nhận thức về nguy cơ và hậu quả của thừa cân - béo phì), sản xuất (công bố chất lượng sản phẩm), kinh doanh (căng tin nhà trường hạn chế hoặc không nên bán những thực phẩm có nguy cơ thừa cân - béo phì), các cơ quan đoàn thể thuộc chính phủ và phi chính phủ (xây dựng luật, kiểm soát các hoạt động theo quy định).

Theo PGS.TS. Cao Thị Thu Hương (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), để phòng, chống thừa cân-béo phì cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Với trẻ 0-5 tuổi: Cần có chế độ ăn hợp lý, tập thói quen cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tăng cường hoạt động thể lực qua các hoạt động ngoài trời ở sân trường, công viên và các khu giải trí khác. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng dinh dưỡng hợp lý cho người mẹ trong thời gian có thai, nuôi con bằng sữa mẹ và theo dõi tăng trưởng của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng tại gia đình và trường học nhằm phát hiện sớm thừa cân - béo phì để xử lý kịp thời.

Với trẻ lứa tuổi học đường 6-19 tuổi: Việc thực hiện bổ sung sữa (không đường) vào bữa ăn học đường đã giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và chiều cao ở một số nước. Không sử dụng thức ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu/mỡ. Chương trình bữa ăn học đường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng nhằm giúp trẻ phát triển tối ưu về thể chất và tinh thần. Thức ăn dành cho trẻ cần da dạng (đạt 5 trong 8 nhóm thực phẩm), đảm bảo cung cấp đủ nguồn protein động vật và thực vật. Bữa ăn ở trường và ở nhà cần được phân phối hợp lý. Sử dụng muối i-od với một lượng ít dưới 4 gram/ngày. Không nên ăn mặn. Sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn học đường. Uống nước chín (nước đã đun sôi). Trẻ cần được ngủ đủ trung bình 8-10 giờ mỗi ngày.

TS. Từ Ngữ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam - chia sẻ: "Trong các giải pháp để giảm trẻ thừa cân - béo phì thì dinh dưỡng và vận động là hai giải pháp có thể can thiệp và tác động rõ rệt". Gia đình, nhà trường, các ban, ngành cần tạo điều kiện cho trẻ bữa ăn lành mạnh, cân đối đồng thời tạo sân chơi để trẻ vận động, chơi thể thao, đảm bảo giấc ngủ hàng ngày cho trẻ. Trẻ thừa cân - béo phì nên tham gia các trò chơi vận động với cường độ thay đổi từ trung bình đến cao như: đá bóng, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, nhảy dây góp phần tiêu mỡ hạn chế tăng cân. Tăng các loại hình hoạt động thể lực phù hợp theo từng lứa tuổi để tiêu hao năng lượng; giảm bớt thời gian xem ti vi, chơi điện tử, thức quá khuya.

 Ở Việt Nam, phụ huynh chưa thật sự quan tâm đúng mức đến vấn đề thừa cân - béo phì ở trẻ. Tình trạng này cần được cải thiện để không xảy ra nhiều hậu quả khó khắc phục về sau. 

 

Ảnh hưởng của thừa cân - béo phì đến sức khỏe trẻ em

- Thừa cân - béo phì ở trẻ em có ảnh hưởng nhiều đến tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe lâu dài và tuổi thọ.

- Trẻ thừa cân - béo phì dễ sớm mắc các bệnh mạn tính không lây và kéo dài sau này như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.

- Tuổi dậy thì: sớm hơn nhưng cũng ngừng tăng trưởng sớm. Chiều cao của trẻ thừa cân - béo phì trước dậy thì thường cao hơn so với tuổi nhưng khi trưởng thành lại có xu hướng thấp hơn so với tuổi.

- Béo phì ở trẻ em là béo toàn thân, mỡ tích tụ nhiều ở vùng ngực, bụng, mông làm cho trẻ hay mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, đau âm ỉ ở các chi.

- Về tâm lý trẻ dễ mặc cảm tự ti, xấu hổ, hay bị bạn bè trêu chọc, cuộc sống khó hòa nhập với cộng đồng, giảm kết quả học tập.

- Chi phí dịch vụ y tế tốn kém ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và xã hội.

 

Lan Nguyễn

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất