Thứ Tư, 22/5/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 3/4/2019 11:10'(GMT+7)

Gấp rút chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới

Trường tiểu học - THCS Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đầu tư đồng bộ phòng công nghệ thông tin. (Ảnh: nhandan.com.vn)

Trường tiểu học - THCS Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đầu tư đồng bộ phòng công nghệ thông tin. (Ảnh: nhandan.com.vn)

CHƯA ĐỒNG ĐỀU

Với diện tích hơn 7.000 m2, có ba khối nhà xây kiên cố, năm học 2018 - 2019, Trường tiểu học Thanh Tân, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) bảo đảm dạy học hai buổi/ngày cho 16 lớp với 462 học sinh. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo tiêu chuẩn mới thì trường vẫn thiếu phòng học khoa học và một số phòng học bộ môn chưa bảo đảm.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Tân Lại Văn Phương cho biết, mặc dù cơ sở vật chất đủ về số lượng nhưng vẫn còn 12 phòng học xây dựng từ năm 1996, thiết kế không gian lớp học chật hẹp, chỉ có một cửa ra vào. Khi triển khai CTGDPT mới, học sinh có thể không ngồi học như truyền thống mà hoạt động nhiều, cho nên sẽ khó khăn khi bố trí lớp học, đổi mới phương pháp dạy học. Trong khi đó, các phòng học bộ môn phần lớn chỉ có "phần vỏ" còn "phần lõi" là thiết bị dạy học thiếu hoặc đã cũ. "Thí dụ, bộ thiết bị phòng học tiếng Anh của trường được cấp theo đề án của tỉnh từ năm 2011, đến nay đã khá lạc hậu và xuống cấp thì thật khó đổi mới, nâng cao chất lượng như mong muốn được", thầy Lại Văn Phương cho biết.

Trong khi đó, tại Trường tiểu học - THCS Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân (Hà Nam), từ năm học 2018 - 2019 mới sáp nhập giữa hai cấp tiểu học và THCS nhưng vẫn bảo đảm đủ cơ sở vật chất về số lượng phòng học của 22 lớp với 719 học sinh. Toàn bộ các lớp tiểu học đều được học hai buổi/ngày. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trương Thị Ngọc Lan, bàn ghế thì có lớp bảo đảm đúng chuẩn, có lớp không. Trước khi sáp nhập, cả trường tiểu học và trường THCS đều đạt chuẩn quốc gia với đầy đủ phòng học bộ môn, nhưng thời gian tới, khi triển khai CTGDPT mới sẽ khó đạt yêu cầu vì thiết bị chủ yếu được cấp từ những năm 2000.

Không chỉ các trường nêu trên, ở nhiều trường học hiện nay, việc bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học mới đạt mức tối thiểu. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tỉnh Hà Nam Nguyễn Quang Long, khó khăn lớn nhất về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học khi chuẩn bị cho CTGDPT mới là các phòng học bộ môn chưa bảo đảm. Chương trình mới được thiết kế nhiều hoạt động trong dạy học và yêu cầu tăng phòng tin học, tăng phòng học mỹ thuật, phòng học khoa học, bãi tập cho giáo dục thể chất…, nhưng thực tế hiện nay chưa đáp ứng được. Chưa kể, nếu chương trình mới có thay đổi quy mô, diện tích phòng học theo chuẩn mới thì phòng học cũ sẽ bất cập.

Theo Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Bắc Giang Trần Tuấn Nam, với tỷ lệ 88,5% số trường, lớp học kiên cố, cái khó của tỉnh là tập trung bảo đảm cơ sở vật chất cho học sinh tiểu học học hai buổi/ngày. Bởi vì, khi bước vào năm học 2018 - 2019, bậc tiểu học của tỉnh Bắc Giang vẫn còn 71 phòng học tạm, 517 phòng học bán kiên cố, cấp 4; bậc THCS vẫn còn 38 phòng học tạm, 121 phòng học bán kiên cố, cấp 4; THPT có ba phòng học tạm, 51 phòng học bán kiên cố…

Theo Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) Phạm Hùng Anh, nếu tính trung bình cả nước thì cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu nhưng chưa đồng đều, cho nên mỗi cấp học, mỗi vùng lại có những bất cập riêng.

Ðối với bậc THCS, hệ thống phòng học bộ môn đạt 4,5 phòng/trường, nhưng số phòng đáp ứng quy định mới chiếm 69,9%; trong khi đó, THPT đạt 5,3 phòng học bộ môn/trường, nhưng tỷ lệ phòng đáp ứng quy định mới chỉ đạt 76,6%.

Ðối với giáo dục tiểu học, về số lượng đạt 0,99 phòng/lớp có thể bảo đảm dạy học hai buổi/ngày theo yêu cầu CTGDPT mới nhưng tỷ lệ kiên cố hóa mới chỉ đạt hơn 72,2%; vẫn còn tình trạng phòng học bán kiên cố, tranh tre, nứa lá ở một số nơi.

Ðối với cả ba cấp học phổ thông, tình trạng thiếu phòng học cục bộ nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực đông dân cư, khu công nghiệp như Ðồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…; vùng sâu, vùng xa hoặc các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vẫn là vấn đề đáng quan tâm.

NỖ LỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU MỚI

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công CTGDPT mới. Mặc dù không phải là thay mới toàn bộ, nhưng các trường học cần được bổ sung những thiếu hụt về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học kịp thời.

Theo Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất Phạm Hùng Anh, để giải quyết bất cập, Bộ GD-ÐT đã chỉ đạo các địa phương xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, ưu tiên bảo đảm cho giáo dục tiểu học đủ mỗi lớp một phòng học. Ðối với các thành phố lớn và các địa phương tập trung đông dân cư, thiếu quỹ đất để xây thêm phòng học thì tùy từng trường hợp có thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có. Tuy nhiên, sau khi nâng tầng, cần bố trí các phòng học và phòng trực tiếp phục vụ học sinh ở tầng thấp; các phòng hiệu bộ, hành chính, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên sẽ bố trí ở tầng cao hơn.

Bộ GD-ÐT đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020 với giáo dục tiểu học đầu tư xây dựng 11.900 phòng học kiên cố hóa và thay thế các phòng học tạm, 7.770 phòng bộ môn, mua sắm bổ sung 39.070 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2 và 258.620 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi, 13.910 bộ máy tính, 1.980 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ; đối với giáo dục trung học xây dựng bổ sung 7.230 phòng học bộ môn, 1.320 phòng thư viện, 182.110 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi, 8.220 bộ máy tính, 5.900 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ…

Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học, đầu tư xây dựng số phòng học còn lại thay thế các phòng học tạm thời; phấn đấu xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn mỗi lớp một phòng học đối với mầm non và tiểu học; đủ số phòng học, phòng bộ môn, mua sắm bổ sung đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa…

Ngoài ra, Bộ GD và ÐT cũng sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện CTGDPT mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị phù hợp xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ hiện nay. "Với sự vào cuộc của Bộ GD và ÐT cùng các địa phương, ngoài việc phát huy cơ sở vật chất vốn có, thì việc thực hiện quyết liệt trong triển khai đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 theo lộ trình sẽ bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất cho thực hiện CTGDPT mới", Cục trưởng Phạm Hùng Anh cho biết.

Cùng sự vào cuộc của Bộ GD-ÐT, nhiều trường học, địa phương cũng đã có những bước chuẩn bị để triển khai CTGDPT mới hiệu quả. Thầy giáo Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Tân An, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho biết, dù mới sáp nhập giữa hai cấp học nhưng trường vẫn bảo đảm cấp tiểu học mỗi lớp có một phòng học để dạy học hai buổi/ngày theo yêu cầu chương trình mới: Các phòng học bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tiếng Anh, thư viện, thiết bị đồ dùng được bố trí đầy đủ. Cấp THCS cũng đủ mỗi lớp một phòng học, đầy đủ các phòng học bộ môn gồm một phòng tin học, hai phòng tiếng Anh, hai phòng thực hành, một thư viện... Như vậy, khi triển khai CTGDPT mới, cơ sở vật chất của trường hoàn toàn có thể đáp ứng được việc dạy và học.

Theo Giám đốc Sở GD-ÐT tỉnh Bắc Giang Trần Tuấn Nam, để chuẩn bị cho CTGDPT mới, toàn tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Sở GD và ÐT Bắc Giang đã triển khai kế hoạch đến hết năm 2019 sẽ giảm 23 phòng học tạm, 51 phòng học bán kiên cố, tăng 583 phòng học kiên cố cho giáo dục tiểu học và THCS, so với năm 2018; giáo dục THPT đến tháng 5-2020 tăng 138 phòng học kiên cố so với cuối năm 2018…

Tỉnh Hà Nam cũng chỉ đạo các địa phương trong tỉnh thực hiện rà soát, đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường nhằm bảo đảm các điều kiện thực hiện đổi mới CTGDPT từ năm học 2020 - 2021. Thực hiện bảo đảm cơ sở vật chất giai đoạn 2017 - 2025, UBND tỉnh đã giao Sở GD-ÐT chủ trì với các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương rà soát, nâng cao tỷ lệ dạy học hai buổi/ngày, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia...

Giám đốc Sở GD-ÐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh cho biết, thời gian qua toàn tỉnh chủ động chuẩn bị các điều kiện, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thành xây dựng nhà công vụ và bán trú... cho trường học các cấp. Từ nay đến 2020, Lào Cai xây dựng kế hoạch "xóa" toàn bộ phòng học tạm, đầu tư khoảng 800 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất nhằm thực hiện CTGDPT mới đạt hiệu quả tốt nhất./.

Xuân Kỳ-Đào Phương (nhandan.com,vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất