Chủ Nhật, 19/5/2024
Xã hội
Thứ Tư, 6/11/2019 15:12'(GMT+7)

Giải pháp phát triển nhân lực để thực hiện xây dựng nông thôn mới

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nghị Quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết 24/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW đã xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là bộ phận cấu thành và là giải pháp về phát triển nhân lực để thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009, thực hiện trong 11 năm (2010-2020) với mục tiêu: Dạy nghề cho khoảng 11 triệu lao động nông thôn, trong đó, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 6,54 triệu người, thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn với khoảng 18.000 người, đặt hàng dạy nghề cho khoảng 512 nghìn lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế.

Trong 10 năm (2010 - 2019), đã có 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người), trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người, đạt 85% kế hoạch (6,558 triệu người) của Đề án trong 11 năm 2010-2020, trong đó:

1. Giai đoạn (2010-2015), là giai đoạn đầu triển khai thực hiện Đề án, các địa phương tập trung triển khai các điều kiện tiền đề thực hiện Đề án, như: Tổ chức các hội nghị quán triệt Đề án tới cán bộ chủ chốt các cấp (tỉnh, huyện, xã); tổ chức tập huấn đối với cán bộ cấp huyện, xã nhằm tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ về mục đích, ý nghĩa về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hướng dẫn, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng danh mục nghề đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến hết năm 2012, 100% tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Đề án đến cấp xã. Đã có trên 4,7 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề nghiệp, đạt 85% mục tiêu của giai đoạn (5,53 triệu người).

Riêng số được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án là trên 2,74 triệu người (trong đó có trên 1,149 triệu người học nghề nông nghiệp (chiếm 36%), gần 1,591 triệu người học nghề phi nông nghiệp (chiếm 64%); trong đó: trên 588.000 người dân tộc thiểu số (chiếm 21.5%); 275.000 người thuộc hộ nghèo (chiếm 10%), 33.000 người khuyết tật (chiếm 1,2%); còn lại là các đối tượng lao động nông thôn khác), đạt trên 100% kế hoạch của giai đoạn 2010 - 2015 (2,718 triệu người), đạt 42% kế hoạch 11 năm của Đề án (Kế hoạch 11 năm năm là 6,558 triệu người).

Các địa phương đã có trên 64.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo (chiếm 23,3% tổng số người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề); trên 105.000 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm và thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương (trở thành hộ khá), chiếm 3,9% tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề giai đoạn 2010 - 2015 là 79,6%, vượt mục tiêu Đề án đặt ra 9,6%.

Tổng kinh phí đã bố trí thực hiện các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn này là trên 8.177,2 tỷ đồng, đạt 61,2% kế hoạch kinh phí giai đoạn (2010-2015) và đạt 31,5% kinh phí dự kiến bố trí trong 11 năm thực hiện Đề án, trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 5.877,2 tỷ đồng, chiếm 71,9% tổng kinh phí; Ngân sách địa phương và các nguồn từ các chương trình, dự án khác: khoảng 2.300 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng kinh phí.

2. Giai đoạn (2016 - 2019), đã có 4,9 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 89% mục tiêu của kế hoạch giai đoạn (5,5 triệu người), trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 2,85 triệu người (trong đó có trên 0,85 triệu người học nghề nông nghiệp (chiếm 36%), khoảng 2 triệu người học nghề phi nông nghiệp (chiếm 64%); trong đó: 450.000 người dân tộc thiểu số (chiếm 15,8%); 200.000 người thuộc hộ nghèo (chiếm 7,02%), 60.000 người khuyết tật (chiếm 2,11%); còn lại là các đối tượng lao động nông thôn khác), đạt 74% mục tiêu của kế hoạch giai đoạn (3,84 triệu người).

Các địa phương có trên 100.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo (chiếm 24,3% tổng số người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề); trên 165.000 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm và thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương (trở thành hộ khá), chiếm 2,3% tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề giai đoạn 2016 - 2019 là 81,4%, vượt mục tiêu Đề án đặt ra 1,4%.

Tổng kinh phí bố trí thực hiện các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn này là 8.929,8 tỷ đồng, bằng 73,8% kế hoạch kinh phí giai đoạn 2016 - 2020, trong đó: Ngân sách Trung ương 1.522,8 tỷ đồng, chiếm 17,1% tổng kinh phí; Ngân sách địa phương và kinh phí các chương trình, dự án khác là 7.407 tỷ đồng, chiếm 82,9% tổng kinh phí.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, có thể thấy: Các cấp, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đạt được những kết quả khả quan, góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn không chỉ huy động các cơ sở đào tạo nghề mà còn thu hút được các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường (trung cấp, cao đẳng, đại học); các lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp; những nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề tham gia giảng dạy.

Một số doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu đã quan tâm, hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình, hỗ trợ địa bàn thực tập và tuyển dụng học viên sau khóa học. Các ngành, địa phương đã xác định đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; hình thành lên nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thành các vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã...

Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án 10 năm (2010-2020) đạt 65,8% so với dự kiến kế hoạch, trong đó, giai đoạn 2016-2020, nguồn kinh phí trung ương chỉ đảm bảo được khoảng dưới 50% so với thông báo của Bộ Tài chính, nhưng bằng sự cố gắng, quyết tâm vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 10 năm qua đã đạt được kết quả tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực.

Số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề đạt 85% so với kế hoạch của cả 11 năm (2010-2020) thực hiện Đề án; số người học xong có việc làm đạt vượt chỉ tiêu đặt ra, với trên 36% học nghề nông nghiệp, gần 64 % học nghề phi nông nghiệp đáp ứng việc chuyển dịch cơ cấu lao động). Với kết quả đó, ta nhận thấy: Ngân sách nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một hướng đi đã phát huy hiệu quả cao. Các ngành, địa phương đã xác định đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động và tái cơ cấu ngành nông nghiệp./.

Đào Văn Tiến
Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất