Chủ Nhật, 19/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Tư, 24/8/2016 15:49'(GMT+7)

Học phí và cơ hội học tập

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Vừa qua, HĐND một số tỉnh đã xem xét đề án tăng học phí với tất cả cấp học từ mầm non đến giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và dạy nghề do UBND tỉnh trình. Trong đó, một số đề án đã bị bác bỏ bởi mức đề xuất tăng học phí là quá cao so với mức hiện hành (có đề án đề xuất mức tăng hơn 200%). Trước đó, dư luận cũng đã ồn ào khi một trường đại học thông báo mức tăng học phí là 30% trong năm học mới theo lộ trình tự chủ về tài chính. 

Hiến pháp của nước ta đã hiến định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” và “Bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học...”. Cũng nhờ chủ trương đúng trong việc đầu tư cho giáo dục mà Việt Nam đã đạt thành tựu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, điều mà nhiều nước có cùng trình độ phát triển với nước ta chưa làm được.

Đối với các cấp học khác, để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em và người học đến trường, Nhà nước đã miễn, giảm học phí cho một số nhóm đối tượng, trong đó có đối tượng thuộc diện hộ nghèo; trẻ em không có người nuôi dưỡng; người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo... Đó là những cố gắng rất lớn trong lúc ngân sách Nhà nước còn eo hẹp. Thế nhưng, trong xã hội còn rất nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn lại không thuộc nhóm đối tượng nào nêu trên. Và việc tăng học phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cơ hội học tập của các em.

Nhìn rộng ra thế giới ta thấy, đầu tư cho giáo dục luôn được các nước ưu tiên đặc biệt, mà trước hết là ưu tiên về ngân sách để thực hiện xu hướng miễn, giảm học phí. Nhiều nước Bắc Âu miễn học phí từ lúc trẻ em cắp sách tới trường cho tới bậc đại học. Còn một số nước ở khu vực ASEAN như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, học sinh trường công cũng chỉ phải trả học phí rất thấp...

Cũng phải thực tế nhìn nhận rằng, tiềm lực kinh tế của nước ta chưa bằng các nước nói trên, ngân sách chưa đủ để hỗ trợ cho ngành giáo dục miễn, giảm học phí ở mọi cấp học. Trong khi đó, ngành giáo dục phải chịu tác động từ cơ chế thị trường, yêu cầu tăng chất lượng giáo dục ngày càng cao, cùng với đó là chi phí đầu tư ngày càng lớn.

Tuy nhiên, nếu như các địa phương sử dụng ngân sách một cách hợp lý hơn, tiết kiệm hơn, ưu tiên hơn nữa cho ngành giáo dục thì có thể các cấp học phổ thông công lập sẽ chưa phải tăng toàn diện học phí, hoặc có tăng thì cũng không phải với mức quá cao. Đối với giáo dục đại học, dù có thực hiện thí điểm tự chủ về tài chính, đồng nghĩa với việc tăng học phí, thì cũng nên có lộ trình hợp lý, cùng với đó là phải khu biệt các nhóm đối tượng, các ngành học, tìm thêm các nguồn tài trợ. Có lẽ, các trường nên nghiên cứu đẩy mạnh thực hiện theo hướng có ngành, có đối tượng thì tăng học phí; nhưng có ngành, có đối tượng lại được giảm học phí. Ví dụ như, đối với các ngành cần thu hút, các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà có học lực và ý chí phấn đấu tốt nên được ưu tiên giảm học phí...   

Trong diễn văn khi nhậm chức vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân...”. Trao cơ hội học tập chính là trao “cần câu” để mưu sinh bền vững, tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước. Chúng ta đều mong muốn điều này sẽ được đặc biệt lưu ý trong việc tạo lập, thực thi chính sách./.

Hồ Quang Phương (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất