Thứ Sáu, 3/5/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 30/7/2016 9:1'(GMT+7)

Khởi nghiệp và dưỡng nghiệp

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 7 tháng đầu năm nay của cả nước là 6.422 doanh nghiệp, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, trong 7 tháng cũng đã có 36.206 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nền kinh tế thị trường, việc doanh nghiệp thành lập mới bên cạnh doanh nghiệp phá sản là chuyện bình thường. Số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký 7 tháng đầu năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước cho thấy tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Thế nhưng, với số lượng giải thể và doanh nghiệp gặp khó khăn tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước lại cho thấy việc nuôi dưỡng doanh nghiệp sau khi khởi nghiệp (hay còn gọi là dưỡng nghiệp) còn nhiều vấn đề phải bàn.  

Thực tế ở Việt Nam thời gian qua cho thấy việc thành lập một doanh nghiệp quả là quá dễ  so với công sức và chi phí đầu tư cần bỏ ra để vận hành hoạt động của nó sao cho thực sự ổn định và hiệu quả. Hay nói cách khác là khởi nghiệp thì dễ nhưng dưỡng nghiệp mới là vấn đề khó.

Làn sóng khởi nghiệp đang được phát động rầm rộ, đang và sẽ bổ sung những nhân tố mới trên thương trường. Tuy nhiên, cũng cần phải phát đi thông điệp rằng khởi nghiệp có rất nhiều rủi ro. Vì thế chương trình "Quốc gia khởi nghiệp" bên cạnh việc hướng đến mục tiêu tôn vinh, khích lệ tinh thần các bạn trẻ khởi nghiệp, cũng cần định hướng cho các bạn trẻ, chuẩn bị thật kỹ, sẵn sàng dưỡng nghiệp sau khi khởi nghiệp.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, khởi nghiệp chỉ là bước đầu tiên trong số rất nhiều bước đi để xây dựng nên một doanh nghiệp có vị thế hoàn chỉnh. Tiếp theo sự khởi nghiệp là liên tục của quy trình dưỡng nghiệp khi thực thi vận hành bộ máy sản xuất kinh doanh, cọ xát với thị trường, thích ứng với sự biến đổi của xã hội.

Để khởi nghiệp và dưỡng nghiệp thực hiện an toàn và hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải có cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho hai vấn đề đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế này. Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đòi hỏi phải cấp bách ban hành một bộ khung chính sách đúng đắn, đồng bộ để phát huy tinh thần khởi nghiệp đi đôi với dưỡng nghiệp trong toàn xã hội. Tinh thần khởi nghiệp và dưỡng nghiệp cũng cần đưa vào nội dung giảng dạy trong các trường từ bậc học phổ thông tới bậc đại học, trong đó có nội dung của văn hóa dưỡng nghiệp. Lẽ tất nhiên, văn hóa của doanh nghiệp này không thể giống văn hóa của doanh nghiệp khác, nhưng chắc chắn đều có những nét tương đồng. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể tồn tại và phát triển bền vững nếu người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp đó không yêu nước, không vì mục tiêu phát triển của quốc gia.   

Để dưỡng nghiệp thành công, bên cạnh sự cố gắng của doanh nghiệp, rất cần sự trợ giúp từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động. Đơn cử như hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, nếu đúng đắn sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển; ngược lại nếu cứ thanh tra triền miên, thanh tra kết hợp với vòi vĩnh, nhũng nhiễu thì doanh nghiệp không thể tồn tại và phát triển./.

Đỗ Phú Thọ (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất