Thứ Hai, 20/5/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 15/4/2021 9:1'(GMT+7)

Lai Châu: Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng trung tâm chính trị cấp huyện

Đồng chí Nguyễn Hữu Trung – Trưởng Ban Tuyên giáo – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) trao giấy chứng nhận cho học viên

Đồng chí Nguyễn Hữu Trung – Trưởng Ban Tuyên giáo – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) trao giấy chứng nhận cho học viên

 

Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, các trung tâm  chính trị đã tổ chức và phối hợp mở được  430 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho trên 29  nghìn lượt cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Nhìn chung, các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, thực hiện nghiêm túc nội dung, thời gian chương trình theo quy định; kịp thời cập nhật các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng. Ngoài các chương trình theo hướng dẫn của Trung ương các trung tâm chính trị đã duy trì đưa chuyên đề “Học tập và làm theo lời Bác dặn trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu”, “phòng, chống tham nhũng”; từng bước đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời vận dụng linh hoạt bộ câu hỏi tình huống trong thảo luận và kiểm tra, đánh giá đối với học viên. Thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cơ sở được trang bị đầy đủ về lý luận chính trị, nắm chắc hơn về chuyên môn nghiệp vụ; nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, các trung tâm chính trị đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm, gắn lý luận với thực tiễn, hướng dẫn học viên kỹ năng nhận biết, đánh giá, xử lý tình huống với những vấn đề thực tiễn tại địa phương, đơn vị; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc soạn giáo án, phương pháp giảng bài, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; kiểm tra, thẩm định, phê duyệt giáo án bài giảng trước khi lên lớp, tăng cường trao đổi thông tin, làm việc nhóm; thường xuyên thăm lớp, dự giờ, góp ý bài giảng cho giảng viên. Công tác trao đổi thông tin với tổ chức cơ sở đảng được duy trì thông qua việc nắm bắt nguồn học viên, công tác chiêu sinh, thông báo kết quả học tập và ý thức chấp hành của học viên giúp cho chất lượng học tập hiệu quả hơn.

Quang cảnh lớp tập huấn lý luận chính trị tại huyện Tân Yên (tỉnh Lai Châu)

Lớp tập huấn lý luận chính trị tại huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu)

Đồng thời, các trung tâm chính trị luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác giáo dục lý luận chính trị. Ngoài chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên chuyên trách, trung tâm chính trị các huyện, thành phố đã kiện toàn, duy trì tốt đội ngũ giảng viên kiêm chức.

Hiện nay, toàn tỉnh có 12 giảng viên chuyên trách, 115 giảng viên kiêm nhiệm, trong đó 100% giảng viên có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 78,7% giảng viên có trình độ lý luận chính trị cao cấp, 21,3% giảng viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

Nhìn chung, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trong toàn tỉnh cơ bản đảm bảo trình độ lý luận chính trị, chuyên môn theo quy định, có năng lực sư phạm, cơ cấu ngành phù hợp với các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập tại các Trung tâm, đây là những điều kiện quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của tỉnh trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được công tác đào tạo, bồi dưỡng tại trung tâm chính trị cấp huyện trong tỉnh còn một số hạn chế, đó là: việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị có lúc, có thời điểm thiếu chặt chẽ, đồng bộ, nhất là trong thẩm định, phê duyệt chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; công tác tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của một số địa phương, đơn vị còn chậm so với kế hoạch đề ra do tình hình dịch bệnh Covit-19; việc huy động học viên là đảng viên, hội viên, quần chúng ở nông thôn nhất là đối tượng không hưởng lương tham gia các lớp bồi dưỡng gặp khó khăn; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn và giảng bài của một số giảng viên có mặt còn hạn chế; việc vận dụng kiến thức và kỹ năng sau đào tạo, bồi dưỡng của học viên vào thực tiễn công tác, nhất là ở cơ sở có mặt chưa đáp ứng yêu cầu...

Để nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện, trước hết cần nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của trung tâm đối với hoạt động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở. Các trung tâm cần đổi mới công tác quản lý, tổ chức các hoạt động thông qua việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm phù hợp với thực tiễn; công tác tuyển chọn, xét duyệt các đối tượng đi học các lớp bồi dưỡng đảm bảo chất lượng, yêu cầu công tác cán bộ, xây dựng Đảng. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tích cực tham gia vào quá trình đào tạo, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng bài giảng.

 Đồng thời, chủ động bổ sung, cập nhật kiến thức theo quan điểm mới trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, tiếp tục đưa chuyên đề “Phòng, chống tham nhũng” và “Học tập và làm theo lời dặn của Bác trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu”, tăng cường bồi dưỡng nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương. Cấp ủy cấp huyện cần quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác giảng dạy; ưu tiên cho giảng viên đăng ký đề tài, đề án nghiên cứu khoa học hoặc công bố sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy lý luận chính trị; tham gia vào công tác sơ, tổng kết các chương trình, đề án, nghị quyết và xây dựng các chương trình, đề án thực hiện nghị quyết đại hội các cấp, nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tổ chức tốt hội thi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, lựa chọn, bồi dưỡng giảng viên đạt giải cao tham gia hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh và khu vực./.

Đỗ Thị Kim Nhung

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất