Thứ Hai, 6/5/2024
Hoạt động y tế
Thứ Ba, 20/2/2018 9:17'(GMT+7)

Lĩnh vực ghép tạng gặt hái thêm những thành tựu mới

Ca ghép tim bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam.

Ca ghép tim bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam.


Năm của những bước tiến trong ngành ghép tạng

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, tính đến 26-12-2017, số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não là 11.653 trường hợp. Con số này gần gấp đôi so với năm 2016 (6.726 trường hợp). Đến nay, số người đăng ký hiến tạng khi còn sống là 192 trường hợp; số người đã tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe, các thông số y, sinh học trước khi hiến tạng tại Trung tâm là bảy trường hợp. Hiện nay, có một trường hợp đăng ký thực hiện hiến xác.

Năm 2017, Việt Nam thực hiện được 664 ca ghép tạng, trong đó 631 ca ghép thận; 29 ca ghép gan; ba ca ghép tim; một ca ghép phổi. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ ghép được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng như thận, tim, gan, tụy, phổi với hơn 1.500 ca, tỷ lệ ghép thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Mỗi năm, ngành ghép tạng Việt Nam lại xác lập thêm được những thành tựu mới, khẳng định bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật chuyên sâu không kém so với y học thế giới. 2017 là năm chứng kiến thêm hai thành tựu trong kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam là thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên và ghép tim nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam.

Sau một thời gian chuẩn bị rất kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đào tạo thực tế, ngày 21-2-2017, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) đã phối hợp các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người tại Việt Nam.

Bệnh nhân được ghép là cháu bé sáu tuổi Ly Chương B. (xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ ba, có chỉ định ghép phổi.

Không chỉ là trường hợp ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam, ca ghép tạng này còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như thể trạng bệnh nhi rất yếu. Bệnh nhi lại được ghép tạng từ hai người khác nhau nên để cơ thể bé thích nghi với cả hai tạng là một thách thức với đội ngũ y bác sĩ, phải cẩn thận khi dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, với sự thành công của ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện ngày 21-2-2017, đã đánh dấu nền y học Việt trên bản đồ ghép tạng thế giới, trong đó Khoa học và công nghệ là “tiền đề”, kết quả tổng hợp của các chuyên ngành nội khoa, sinh lý bệnh, miễn dịch, ngoại và ngành dược... Việt Nam.

Sau 10 giờ phẫu thuật, với các bước chuẩn bị và lấy thùy phổi từ hai người cho là bố và bác ruột của bệnh nhân, lấy bỏ phổi bệnh của bệnh nhân và ghép thùy phổi cho vào bệnh nhân, phổi ghép cho cháu B. đã hoạt động tốt.

Năm 2017 cũng chứng kiến thành tựu đầu tiên trong ngành ghép tạng Việt Nam khi ghép tim của một người trưởng thành chết não cho một bệnh nhi chỉ mới 10 tuổi với thể trạng yếu ớt, suy kiệt.

Bệnh nhân Nguyễn Thành Đạt, 10 tuổi, với chẩn đoán cơ tim giãn nở do suy tim giai đoạn cuối, không còn giải pháp điều trị khác ngoài ghép. Ngày 15-3, ca ghép kéo dài khoảng 10 tiếng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành công.

Nói về ca ghép kỳ diệu này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Tim, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân Đạt 10 tuổi nhưng chỉ nặng có 21kg, thể trạng yếu ớt, trong khi trái tim hiến là của một thanh niên đã trưởng thành, nên ê kíp phẫu thuật đã rất cân não để quyết định ghép tim của nam thanh niên hiến tạng cho Đạt. “Cuối cùng, cuộc phẫu thuật cũng đã rất thành công dù phải vượt qua nhiều thử thách để xử lý quả tim sao cho tương xứng với lồng ngực cháu bé khi trọng lượng người cho so với trọng lượng của cháu bé vênh nhau khoảng 300%. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện ghép tim cho bệnh nhi” - PGS.TS Nguyễn Hữu Ước tự hào nói.

Ghép tạng Việt Nam xác lập kỷ lục

Trong tổng số 11.663 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não vào năm 2017, con số đăng ký tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) lên tới 4.600 trường hợp, gấp rưỡi so với năm 2016. Từ nhiều năm nay, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn luôn khẳng định vị trí là một đơn vị ghép tạng chinh phục được nhiều kỷ lục nhất.

Ngày 28-10, tại Vũng Tàu, tám kỷ lục về ghép tạng đã được trao cho các cá nhân và tập thể thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy. Đó là các kỷ lục về Bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam; Bệnh viện tổ chức và thực hiện quy trình ghép thận từ người hiến tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam; Đơn vị thực hiện nhiều ca ghép thận nhất Việt Nam; Đơn vị tổ chức vận chuyển tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ nam ra bắc để cứu người; Người thực hiện ca ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam; Người thực hiện ca phẫu thuật lấy và ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam; Người tổ chức điều phối tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ nam ra bắc để cứu người; Người thực hiện ca ghép thận đổi chéo người cho đầu tiên tại Việt Nam.

Trong đó, Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy “nắm giữ” kỷ lục là đơn vị thực hiện nhiều ca ghép thận nhất Việt Nam. Tính đến ngày 30-9-2017, Khoa Ngoại Tiết niệu đã thực hiện thành công 622 trường hợp ghép thận. Trong đó, có 588 ca ghép thận từ người cho sống, 31 ca từ người cho chết não và ba trường hợp từ người cho tim ngừng đập.

GT.TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng bày tỏ băn khoăn, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10 nghìn người chết vì tai nạn giao thông, trong đó, một tỷ lệ không nhỏ là người chết não, nên tạng của họ có thể cứu sống rất nhiều người khác. Nhưng đến nay, việc ghép tạng ở Việt Nam vẫn chủ yếu từ người cho sống, chứ rất ít được ghép từ người chết não. Đây là điều nghịch lý so với ở nước ngoài, khi hầu hết các ca ghép tạng đều từ người chết não.

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng, không hồi phục được. Hiện nay, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn nhưng số lượng người hiến tạng tại Việt Nam lại ít và khan hiếm. Mặc dù số lượng đăng ký hiến tạng đã gấp đôi so với năm 2016, nhưng so với 90 triệu dân thì đây vẫn là con số còn rất bé nhỏ.

Việt Nam đã sẵn sàng cho những ca ghép tạng khó, tiến tới chinh phục nhiều kỹ thuật mới trong ghép tử cung, ghép chi... Về mặt kỹ thuật, Việt Nam không còn e dè. Chỉ còn thiếu những tấm thẻ đồng ý hiến tạng, để cứu sống thêm nhiều người khác.



Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất