Chủ Nhật, 19/5/2024
Hoạt động y tế
Chủ Nhật, 10/12/2017 9:34'(GMT+7)

Thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ở tuyến dưới


Người dân khám bệnh tại Trạm y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Mặc dù có tới 15 TYT, trong đó 12 trạm có bác sĩ (BS), nhưng trên địa bàn quận 10 có 12 bệnh viện, 422 phòng khám chuyên khoa, đa khoa… cho nên, người bệnh thường lựa chọn KCB tại bệnh viện thay vì đến TYT. PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều quận, huyện trên địa bàn. Để giải quyết tình trạng trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai “Phác đồ điều trị dành cho TYT” với 94 bệnh lý thường gặp. Phác đồ mới trực tiếp do các chuyên gia từ các bệnh viện đầu ngành về giảng dạy; học viên là bác sĩ đang công tác tại các TYT được tập huấn tại các bệnh viện lớn như Từ Dũ, Nhi Đồng 1, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Bệnh Nhiệt đới. Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng KCB tại TYT, thu hút người bệnh đến KCB ban đầu tại TYT.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh triển khai ba mô hình phòng khám đa khoa (PKĐK) đặt tại các TYT, đó là: PKĐK tư nhân, PKĐK vệ tinh của bệnh viện quận và PKĐK xã hội hóa. Quý II-2017, PKĐK xã hội hóa lần đầu tiên ra đời tại TYT phường 11 (quận 3). PKĐK xã hội hóa mới này hoàn toàn thay đổi so với mô hình TYT trước đây, như cơ sở hạ tầng mới, trang thiết bị đầy đủ (X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu). Cùng thời điểm đó, tại TYT phường Tây Thạnh (quận Tân Phú), PKĐK vệ tinh của BV quận Tân Phú cũng đi vào hoạt động. Đây là TYT thứ ba ở TP Hồ Chí Minh là vệ tinh của bệnh viện tuyến trên. PKĐK vệ tinh tại TYT này có chín phòng: Cấp cứu, nội, ngoại, da liễu, sản, nhi, mắt, tai - mũi - họng, răng hàm mặt; có hai phòng cận lâm sàng: siêu âm và xét nghiệm. Cùng các trang, thiết bị, Bệnh viện quận Tân Phú cử các đội ngũ y, BS chuyên môn về PKĐK vệ tinh làm việc đã đáp ứng được nhu cầu KCB của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và không có thẻ BHYT.

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang xây dựng và chuẩn bị triển khai thí điểm mô hình “TYT - Một điểm dừng” tại quận Thủ Đức. Theo đó, các hoạt động sẽ triển khai thí điểm gồm: luân phiên BS từ Trung tâm y tế quận, huyện về TYT, bảo đảm mỗi TYT có hai bác sĩ; từng bước chuẩn hóa hoạt động KCB theo “Phác đồ điều trị dành cho TYT”; ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối thông tin KCB giữa TYT và bệnh viện; phát triển danh mục kỹ thuật tại TYT bảo đảm bao phủ nhu cầu KCB theo mô hình bệnh tật, đạt ít nhất hơn 70% danh mục kỹ thuật tuyến bốn; bệnh viện quận, huyện bảo đảm cung ứng đủ thuốc đáp ứng mô hình bệnh tật tại TYT; bệnh viện quận, huyện tiếp nhận mẫu xét nghiệm máu và trả kết quả trong vòng một giờ trong trường hợp quá khả năng xét nghiệm tại TYT. Các bệnh viện quận, huyện chịu trách nhiệm hội chẩn tại TYT hoặc tư vấn từ xa khi có yêu cầu của bác sĩ ở TYT, khi có nhu cầu khám chuyên khoa, người bệnh được giới thiệu lên và được khám ngay, không phải qua giai đoạn đăng ký khám tổng quát. Trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu bệnh nặng, sẽ được làm thủ tục nhập viện ngay và được hỗ trợ chuyển viện khi cần thiết; người cao tuổi, người khuyết tật được KCB tại nhà.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng, mô hình PKĐK vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại TYT với hoạt động thực tiễn tại quận Thủ Đức và quận Tân Phú bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Số lượt KCB tại các TYT tăng hơn mười lần so với trước đây. Thời gian tới, cần đẩy mạnh triển khai KCB đối với người có BHYT tại TYT, bởi hiện nay chỉ có 45% số TYT được Bảo hiểm xã hội ký hợp đồng KCB BHYT. Bên cạnh đó, các TYT cũng cần nhận được hỗ trợ thiết thực của Trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện; chính các TYT phải quyết tâm phấn đấu, bảo đảm các yêu cầu để Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng KCB BHYT.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, mô hình PKĐK vệ tinh của bệnh viện quận, huyện, PKĐK xã hội hóa đặt tại TYT, hay mô hình “TYT - Một điểm dừng” sẽ từng bước tạo niềm tin và thu hút người dân đến KCB ban đầu, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Để bảo đảm hiệu quả hoạt động của mô hình này, ngoài việc đánh giá chất lượng PKĐK và công khai cho người dân biết để chọn lựa, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh còn chuẩn hóa quy trình hoạt động các PKĐK và TYT theo nguyên lý y học gia đình. Đây là hướng đi đúng, đáp ứng mong đợi của người dân và theo xu hướng hội nhập quốc tế. Sở Y tế cũng yêu cầu tất cả các TYT phải có trang tin điện tử để công khai mọi hoạt động, triển khai dịch vụ công trực tuyến và khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh.

MINH ANH/Nhân dân
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất