Chủ Nhật, 19/5/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Năm, 28/7/2022 9:48'(GMT+7)

Lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã tổ chức đợt cao điểm xử lý xe quá khổ, quá tải quyết liệt nhất từ trước tới nay

Các cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã xử lý hơn 1.000 trường hợp xe quá tải, quá khổ, cơi nới thành thùng trong tháng cao điểm.

Các cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã xử lý hơn 1.000 trường hợp xe quá tải, quá khổ, cơi nới thành thùng trong tháng cao điểm.

Theo báo cáo từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến nay, lực lượng Thanh tra Sở đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các xe ô tô vi phạm kích thước thành thùng 141 trường hợp, phạt tiền hơn 1,297 tỷ đồng, tạm giữ 7 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 81 trường hợp, tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn 69 phương tiện. 

Để ngăn chặn tình trạng xe quá tải, quá khổ bùng phát trở lại sau cao điểm xử lý, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã có nhiều cách làm hay, quyết liệt. Trong đó, đã vận động được 468 trường hợp cắt thùng xe theo đăng kiểm, cưỡng chế 52 trường hợp cố tình vi phạm đi trên đường, phạt nhiều trường hợp lên đến hàng chục triệu đồng. 

Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, cùng với việc tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý nghiêm vi phạm, đơn vị cũng đã tuyên truyền, vận động các lái xe, chủ doanh nghiệp chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe; không “cơi nới” thùng xe, tháo, cắt thùng xe về đúng thiết kế đã được phê duyệt đối với 230 doanh nghiệp, 729 cá nhân, 16 nhà máy, 9 chủ bến bãi và 2 xưởng cơ khí, sửa chữa ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sau hơn một tháng tập trung xử lý nghiêm, việc kiểm soát vi phạm của xe kinh doanh vận tải, đặc biệt với xe vận chuyển bùn đất, vật liệu xây dựng đã có chuyển biến rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã tự giác chấp hành, cắt bỏ thành thùng, không chở quá tải, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: nhiều lái xe, doanh nghiệp có hành vi chống đối quyết liệt, gây khó khăn cho công tác xử lý. Nhiều tài xế lợi dụng đêm tối hoặc khi vắng bóng lực lượng chức năng để hoạt động; phương tiện, trang thiết bị phục vụ xử phạt còn thiếu, nhân lực mỏng ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý.

Việc xử phạt trên đường chỉ là “cắt ngọn” vi phạm. Gốc rễ vấn đề là việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp tại các địa phương. Nhất là tình trạng không ít bến bãi vật liệu xây dựng bị thả nổi, hoạt động tùy tiện, nạn đổ trộm phế thải tràn lan vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Chỉ trông chờ vào tuần tra, kiểm soát sẽ không thể giải quyết dứt điểm vấn nạn xe quá khổ, quá tải. Các địa phương cần chặt bỏ mọi gốc rễ, ngăn chặn các điều kiện hình thành nên vấn đề nhức nhối đã tồn tại rất lâu này.

Việc xử lý xe quá khổ, quá tải là một chặng đường rất dài và gian khổ, riêng lực lượng công an, thanh tra Giao thông Vận tải sẽ không đủ để giải quyết dứt điểm vấn nạn này. Chính quyền địa phương có đầy đủ lực lượng, chế tài để quản lý và nâng cao hiệu quả ngăn chặn xe quá khổ, quá tải từ trước khi lăn bánh ra đường. Nhưng công tác này ở nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm.

Bên cạnh đó, các Đội Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý, hóa trang mật phục nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm. Mức phạt khá cao với các trường hợp là tổ chức, doanh nghiệp vi phạm. Trong 3 tháng cao điểm này sẽ nâng cao trách nhiệm và ý thức của các lái xe, chủ phương tiện vận tải. Bởi thực tế, lực lượng chức năng chỉ xử lý được “phần ngọn”, còn “gốc rễ” phụ thuộc bởi chính trách nhiệm của họ vì sự an toàn của cộng đồng./.

Duy Mạnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất