Chủ Nhật, 19/5/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 11/12/2018 10:57'(GMT+7)

Một số kinh nghiệm quốc tế về phát triển giáo dục nghề nghiệp

Du học sinh quốc tế đang kiểm tra sản phẩm điện tử tại Viện khoa học và công nghệ Kaist - Hà Quốc.

Du học sinh quốc tế đang kiểm tra sản phẩm điện tử tại Viện khoa học và công nghệ Kaist - Hà Quốc.

Giáo dục nghề nghiệp là giáo dục nghề theo quan điểm giáo dục toàn diện, đảm bảo người học có kiến thức kỹ thuật hệ thống và vững chắc, đồng thời có kỹ năng cơ bản diện rộng, trên cơ sở đó tạo ra khả năng thích ứng cao với những thay đổi của kỹ thuật và công nghệ. Cùng với lịch sử văn minh của nhân loại, lịch sự giáo dục nghề nghiệp cũng đã trải qua những giai đoạn phát triển gắn với quá trình lao động của con người từ bắt chước tự nhiên đến học nghề có ý thức làm cho kỹ năng lao động ngày càng được cải tiến. Giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển vì con người luôn tìm cách nâng cao năng suất lao động bằng sự học tập không ngừng. Chính vì vậy việc tìm hiểu một số kinh nghiệm quốc tế về phát triển giáo dục nghề nghiệp là cơ sở để giáo dục nghề nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển tốt hơn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bài viết này, xin giới thiệu kinh nghệm phát triển giáo dục nghề nghiệp của một một số nước trên thế giới để có thể vận dụng cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.

1. Kinh nghiệm phát triển giáo dục nghề nghiệp của Hàn Quốc trong việc tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động

Hàn Quốc là một quốc gia phát triển mạnh trong quá trình đổi mới nền kinh tế. Hàn Quốc đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề và thành công bởi chính sách đào tạo nghề được thực hiện theo đặt hàng của các doanh nghiệp lớn. Để đáp ứng cơ cấu nhân lực cho nền kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc đã có chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động (đào tạo mới và đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi)  tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã phát triển mô hình hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và thị trường để đào tạo nguồn nhân lực. Với sự hỗ trợ mạnh của Chính phủ từ những năm 1960, các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc thường được gọi là Chaebol như LG, Huyndai, Samsung,... đã có đủ nhân lực qua đào tạo để phát triển mạnh mẽ và trở thành các doanh nghiệp có tầm cỡ quốc tế.

Giáo dục nghề nghiệp được Hàn Quốc coi trọng ngay từ cấp trung học. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh được hướng vào các trường trung học phổ thông và trung cấp nghề. Định hướng nghề nghiệp sớm và phân luồng đào tạo đã mang lại hiệu quả cao hơn trong điều chỉnh cơ cấu nhân lực; từ đó, định hướng được rõ nhu cầu đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động theo từng ngành nghề, lĩnh vực. Một trong những thành công của Hàn quốc trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp là đã làm tốt công tác dự báo nhu cầu, thông qua định hướng chiến lược phát triển của các tập đoàn, công ty lớn.

2. Kinh nghiệm phát triển giáo dục nghề nghiệp của Nhật Bản trong việc tổ chức tổ chức hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

 Nhật Bản có hệ thống giáo dục nghề nghiệp chuyên nghiệp và bài bản, cung cấp dịch vụ đào tạo cho người học, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy hoạch ở các địa phương, với những ngành nghề đào tạo phù hợp với định hướng phát triển của các địa phương, các doanh nghiệp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên toàn quốc. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú ý vào đào tạo công việc thực tế, hướng tới các kỹ năng mà các doanh nghiệp cần.Thời gian đào tạo của các khóa học được thực hiện linh hoạt, trên cơ sở những kỹ năng mà doanh nghiệp cần. 

Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Nhật Bản, gồm:

Trường Trung học kỹ thuật, hay Trung học chuyên nghiệp: Đây là loại hình kết hợp giữa giáo dục phổ cập và dạy nghề; đào tạo trong 3 năm cho đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Trường Cao đẳng kỹ thuật: Đây là loại hình chỉ đào tạo cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, với thời gian đào tạo là 5 năm, gồm 3 năm tại trường trung học kỹ thuật  và 2 năm tại trường cao đẳng kỹ thuật.

Trường đào tạo chuyên ngành: Đây là loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp các chuyên ngành đã phân nhóm, với thời gian đào tạo từ 2 - 3 năm theo yêu cầu của từng chuyên ngành.

Trường chuyên tu hay còn gọi là trường tư nhân:cơ sở giáo dục nghề nghiệp này nằm ngoài hệ thống đào tạo của giáo dục Nhà nước, với thời gian đào tạo thường từ 1-2 năm theo yêu cầu của từng ngành, từng tập đoàn kinh tế và thường do các tập đoàn kinh tế thành lập. Nhật bản phát triển rất mạnh mẽ các cơ sở đào tạo tại doanh nghiệp và tổ chức đào tạo nghề cho người lao động tại nơi làm việc.

Nhật Bản thực hiện rất thành công việc hướng nghiệp và đào tạo dạy nghề cho lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh bằng nhiều phương thức khác nhau.

Để nâng cao chất lượng cho công tác đào tạo nghề,  ngay từ những năm tái thiết kinh tế, Nhật Bản chú trọng vào đào tạo giáo viên mới hoặc  nâng cao kỹ năng giảng dạy cho giáo viên dạy nghề. Giáo viên dạy nghề của Nhật bản được trưởng thành từ các doanh nghiệp và được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng ở các nước tiên tiến hơn để trở thành những người Thầy- Thợ cả ( Maister) trong đào tạo nghề nghiệp.

3. Kinh nghiệm phát triển giáo dục nghề nghiệp của Đức về vai trò của doanh nghiệp và hợp tác trường- doanh nghiệp

Trong mô hình này, các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng.Việc học tại doanh nghiệp là một phần trong chương trình đào tạo đã được thiết kế từ đầu của mỗi khóa học.Học sinh chỉ có thể tốt nghiệp khóa học khi đã có sự đánh giá của doanh nghiệp.Bên cạnh đó các Hiệp hội doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc xác định danh mục nghề đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo (trên cơ sở yêu cầu kỹ năng của các các doanh nghiệp). Việc đánh giá, cấp chứng chỉ nghề nghiệp là do doanh nghiệp thực hiện và chứng chỉ này mới có ý nghĩa đối với người học khi vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đóng vai trò to lớn trong đóng góp tài chính cho GDNN (khoảng 70%). Nhà nước đóng góp tài chính cho các trường nghề - nơi thực hiện 30% thời lượng đào tạo và một phần cho các trung tâm đào tạo nghề liên doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ Đức quy định rất rõ (trong Luật Dạy nghề), các doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin về nhu cầu sử dụng lao động (quy mô, cơ cấu, yêu cầu về kỹ năng...) cho một cơ quan Chính phủ là Viện Đào tạo nghề Liên Bang (BiBB). Viện Giáo dục và Đào tạo nghề Liên bang (BIBB) điều phối công tác xây dựng và cập nhật các quy định về GDNN, bao gồm cả đào tạo ban đầu và bồi dưỡng nâng cao trình độ đối với các bậc trình độ nghề được công nhận. Hoạt động xây dựng quy định chính sách được bắt đầu từ khối doanh nghiệp và do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang ủy nhiệm, được thực hiện dưới sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia của khối doanh nghiệp và dạy nghề. Công tác xây dựng quy định, chính sách được thực hiện trên cơ sởphân tích các kết quả nghiên cứu khoa học về dạy nghề và đánh giá những quy định hiện hành. Viện BIBB sử dụng các văn bản hướng dẫn thực hiện để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề với chất lượng cao./.

Cao Ánh Hồng - Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất