Thứ Ba, 21/5/2024
Hỏi - Đáp
Thứ Hai, 20/6/2011 21:49'(GMT+7)

Một số thông tin về Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốc

Đảo Len Đao-Huyện Trường Sa-Tỉnh Khánh Hòa

Đảo Len Đao-Huyện Trường Sa-Tỉnh Khánh Hòa

 Đây là một văn kiện quốc tế tổng hợp toàn diện, bao quát được tất cả những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương thế giới, quy định được những quyền lợi và nghĩa vụ về nhiều mặt của mọi quốc gia đối với các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia cũng như đối với những vùng biển thuộc phạm vi quốc tế.

Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển 1982) được đánh giá là Luật biển hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay và là văn kiện pháp lý quốc tế hậu chiến quan trọng nhất sau hiến chương Liên Hợp quốc.

Hiện nay, các nước đều căn cứ vào Công ước Luật biển 1982 để giải quyết bất đồng và tranh chấp về các vùng biển quốc gia cũng như các báo cáo về xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của các quốc gia (Điều 76).

Điều 76 quy định: "Thềm lục địa của các quốc gia là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở 200 hải lý nếu như rìa ngoài của bờ lục địa ở khoảng cách gần hơn. Trong trường hợp bờ ngoài của rìa lục địa kéo dài tự nhiên vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa theo sự kéo dài tự nhiên đó nhưng cũng không được vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không quá 100 hải lý".

Quốc gia ven biển có ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở lãnh hải phải trình Báo cáo lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốc (Ủy ban RGTLĐ) do Công ước Luật biển 1982 thành lập để xem xét và đưa ra khuyến nghị. Việc xây dựng Báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý phải tuân thủ các quy định của Công ước 1982 nêu trong Điều 76 và Phụ lục II, Bản Hướng dẫn về Khoa học và kỹ thuật của Uỷ ban RGTLĐ . Quốc gia ven biển có thể nộp Báo cáo từng phần để tránh vấn đề tranh chấp trên biển và bảo đảm thời hạn, đồng thời có quyền nộp các Báo cáo thành phần khác tiếp theo sau thời hạn đã quy định. Quốc gia ven biển cần gửi Báo cáo cho Ủy ban ngay khi có điều kiện và trong bất kỳ hoàn cảnh nào trong một thời hạn 10 năm kể từ khi Công ước có hiệu lực đối với quốc gian này. Đồng thời, quốc gia ven biển thông báo tên tất cả các ủy viên của Ủy ban đã cung cấp cho mình các ý kiến về khoa học và kỹ thuật.

Uỷ ban RGTLĐ được lập ra trong khuôn khổ Công ước Luật biển 1982 để đảm bảo tôn trọng việc xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở.

Uỷ ban RGTLĐ gồm 21 ủy viên là chuyên gia về địa chất, địa vật lý hay địa thủy văn, do các quốc gia thành viên tham gia Công ước lựa chọn trong số công dân của mình, đảm bảo một sự đại diện công bằng về địa lý, các uỷ viên này thi hành các chức trách của mình với tư cách cá nhân. Việc bầu cử các ủy viên của Ủy ban được tiến hành trong một hội nghị của các quốc gia thành viên do Tổng Thư ký triệu tập tại trụ sở của Liên Hợp quốc. Số đại biểu cần thiết là hai phần ba số quốc gia thành viên. Những ứng cử nào thu được hai phần ba số phiếu của các đại biểu có mặt và bỏ phiếu, thì trúng cử ủy viên của Ủy ban. Mỗi vùng địa lý được tuyển chọn ít nhất ba ủy viên. Các ủy viên của Ủy ban được bầu với một nhiệm kỳ là 5 năm. Họ có thể được bầu lại.

Quốc gia thành viên nào đã giới thiệu ứng cử viên vào Uỷ ban phải bảo đảm mọi khoản chi tiêu cho uỷ viên đó khi thi hành phận sự của mình nhân danh Uỷ ban, quốc gia ven biển hữu quan phải chịu các chi phí có liên quan đến những ý kiến đóng góp thuộc phạm vi chức năng của Uỷ ban. Chi phí Văn phòng của Uỷ ban do Tổng Thư ký Liên Hợp quốc bảo đảm.

Ngày 13/3/1997, Ủy ban RGTLĐ đã công bố danh sách 21 thành viên trong nhiệm kỳ đầu tiên. Đến nay, Ủy ban đã tổ chức ba kỳ bầu cử với các nhiệm kỳ: 1997-2002; 2002-2007; 2007-2012. Chủ tịch hiện nay là ngài Albuquerque Alexandre Tagore Medeirois de – quốc tịch Brazil. Uỷ ban RGTLĐ thường họp 2 lần/ năm (vào mùa xuân và mùa thu) tại trụ sở của Liên Hợp quốc ở New York. Việc triệu tập các phiên họp được phê duyệt bởi Đại hội đồng Liên Hợp quốc trong các nghị quyết hàng năm của mình về biển và luật biển.

Uỷ ban RGTLĐ có chức năng xem xét các số liệu và các thông tin khác do các quốc gia ven biển gửi đến có liên quan đến ranh giới ngoài thềm lục địa, khi thềm lục địa này mở rộng quá 200 hải lý và đưa ra các kiến nghị theo đúng Điều 76, và Giác thư thỏa thuận (Memorandum d’accord) đã được Hội nghị Luật biển lần thứ III của Liên Hợp quốc thông qua ngày 29-8-1980. Bên cạch đó, Uỷ ban cũng có chức năng cung cấp các ý kiến về khoa học kỹ thuật trong việc xây dựng các số liệu cho việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa theo yêu cầu của quốc gia ven biển liên quan.

Nếu thấy cần thiết, Uỷ ban RGTLĐ có thể hợp tác với Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO, Tổ chức thủy văn quốc tế và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền khác nhằm thu thập các số liệu khoa học và kỹ thuật có thể giúp cho Uỷ ban hoàn thành trách nhiệm.

Uỷ ban RGTLĐ hoạt động thông qua hai tiểu ban gồm bảy ủy viên được chỉ định một cách cân bằng theo yêu cầu của quốc gia ven biển gửi lên các ủy viên của Ủy ban. Quốc gia ven biển khi đã gửi một đơn yêu cầu lên Ủy ban, thì có thể gửi các đại diện của mình tới tham gia các công việc thích hợp, nhưng không có quyền biểu quyết. Khi xem xét các đơn yêu cầu của các quốc gia ven biển, tiểu ban sẽ gửi các kiến nghị của mình lên Ủy ban. Sau đó, Ủy ban chuẩn y các kiến nghị của Tiểu ban theo đa số hai phần ba các ủy viên và bỏ phiếu. Các kiến nghị của Ủy ban được gửi bằng văn bản tới quốc gia ven biển đã đưa đơn yêu cầu cũng như cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Nếu không đồng ý với các kiến nghị của Uỷ ban RGTLĐ, quốc gia ven biển gửi lên cho Ủy ban trong một thời hạn hợp lý một đơn yêu cầu đã được xem xét lại hoặc một đơn mới.

Theo quy định của Ủy ban, các quốc gia tham gia Công ước trước 13-5-1999 phải nộp Báo cáo quốc gia cho Uỷ ban RGTLĐ là 13-5-2009. Nếu sau thời hạn 10 năm như quy định của Công ước Luật biển 1982 mà quốc gia ven biển không nộp báo cáo (Báo cáo đầy đủ hay sơ bộ) thì coi như quốc gia đó không có yêu cầu và từ bỏ quyền của mình đối với thềm lục địa kéo dài vượt quá 200 hải lý.

Đến hạn ngày 13/5/2009, đã có 50 Báo cáo quốc gia được chính thức đệ trình lên Uỷ ban RGTLĐ. Ngoài ra, đã có 44 quốc gia nộp Báo cáo các thông tin sơ bộ về thềm lục địa của mình, đồng thời đăng ký trong thời gian nhất định sẽ hoàn thành Báo cáo để trình Uỷ ban RGTLĐ (Uỷ ban chỉ ghi nhận nhưng không xem xét các báo cáo thông tin sơ bộ). Tính đến ngày 29/4/2011, đã có 56 Báo cáo chính thức được gửi đến Uỷ ban RGTLĐ.

Căn cứ vào các quy định của Công ước Luật biển 1982 và của Uỷ ban RGTLĐ cũng như điều kiện tự nhiên cụ thể của vùng biển và yêu cầu về chính trị, pháp lý, từ năm 2002 đến 2009, Việt Nam đã tiến hành xây dựng Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý gồm 3 khu vực là khu vực phía Bắc, khu vực giữa và khu vực phía Nam (Báo cáo chung với Malaysia), trong đó khu vực phía Bắc dựa trên cơ sở sự kéo dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông, khu vực giữa và phía Nam là sự trải dài tự nhiên của thềm lục địa Đông Nam Việt Nam.

Ngày 6/5/2009, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp quốc đã phối hợp với Phái đoàn thường trực của Malaysia nộp Báo cáo chung Việt Nam - Malaysia và ngày 7/5/2009, Phái đoàn Việt Nam đã nộp tiếp Báo cáo riêng của ta khu vực phía Bắc, bảo đảm thời hạn là ngày 13/5/2009.

Ngày 27/8/2009, Việt Nam và Malaysia đã phối hợp trình bày Báo cáo chung và ngày 28/8/2009 Việt Nam đã trình bày Báo cáo riêng khu vực phía Bắc cho Uỷ ban RGTLĐ./.

(Nguồn: Trang thông tin điện tử về Biên giới lãnh thổ )

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất