Thứ Tư, 1/5/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 21/9/2018 17:13'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng truyền thông trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về công tác xã hội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội khẳng định: Trong những năm qua, triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 32), công tác truyền thông về nghề CTXH đã được đẩy mạnh với vai trò nổi bật của các cơ quan báo chí. Báo chí đã trở thành một kênh thông tin không chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghề công tác xã hội (CTXH) với sự phát triển xã hội hiện nay, mà còn là kênh phản hồi những đề xuất, kiến nghị, nêu ra những bất cập của đề án để các ban ngành chức năng kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Thông qua báo chí, không chỉ các cấp, ngành, địa phương, mà bản thân người dân và những người thụ hưởng hiểu hơn về nghề CTXH, cũng như việc trợ giúp người yếu thế dựa vào cộng đồng.

Đến nay, rất nhiều cơ quan báo chí đã tuyên truyền về nghề CTXH một cách thường xuyên, liên tục;  nhiều báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình đã thành lập chuyên mục riêng về lĩnh vực này, trong đó, đã đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền nhằm làm rõ các nguyên tắc của công tác xã hội, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực CTXH và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về CTXH.

Rất nhiều tỉnh, thành đã thành lập và vận hành mô hình trung tâm công tác xã hội, xây dựng website nghề công tác xã hội nhằm chuyển tải trực tiếp các thông điệp cũng như tiếp cận trực tiếp với các đối tượng cần trợ giúp. Nhiều cơ quan, cơ sở y tế, trung tâm bảo trợ xã hội đã xây dựng tổng đài tư vấn để trực tiếp với các đối tượng này.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.


Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nghề CTXH đã được nhiều người biết tới, nhiều đối tượng yếu thế có thể trực tiếp tiếp cận với các chuyên gia để được tư vấn, giúp đỡ; nhiều cơ sở đào tạo đại học và sau đại học chiêu sinh ngành CTXH với hàng ngàn người theo học. Đến nay, công tác xã hội đã thực sự trở thành một nghề chuyên nghiệp, có người cung cấp dịch vụ và người thụ hưởng dịch vụ.

TS. Trần Ngọc Diễn nhấn mạnh, mặc dù Đề án 32 về phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam đã đi vào cuộc sống được hơn 8 năm nay, nhưng khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH và thực hành nghề CTXH vẫn chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ. Các văn bản pháp luật quy định về CTXH có giá trị tương đối thấp, chủ yếu là thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở tầm Luật do Quốc hội thông qua để quy định các vấn đề cơ bản về hoạt động CTXH, viên chức CTXH và quản lý nhà nước về CTXH…, gây khó khăn cho việc lồng ghép, đưa các quy định cụ thể về CTXH vào các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng như tổ chức triển khai trong thực tiễn.

Chính vì vậy, để phát triển CTXH thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam, việc xây dựng và ban hành luật về CTXH là rất cần thiết nhằm xác định cụ thể nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên CTXH trong từng lĩnh vực cụ thể; xác định vai trò và nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên CTXH cùng với các nghề khác và để xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan cung cấp dịch vụ CTXH.

Để Luật CTXH được xây dựng có chất lượng cao nhất, phù hợp với mục tiêu và mong muốn của các nhà soạn thảo, có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền ngay trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật là rất quan trọng. Đây chính là một phần của công tác truyền thông chính sách,  là quá trình chia sẻ, tương tác, vận động xã hội để thông tin về các chính sách trong dự thảo Luật đến được với đông đảo các nhà quản lý, tổ chức thực hiện, các cơ sở cung cấp dịch vụ và các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo các nội dung về CTXH được minh bạch và đến với tất cả các đối tượng liên quan, qua đó tăng cường sự hiểu biết, tạo sự đồng thuận xã hội ngay trong giai đoạn xây dựng, hoạch định dự thảo Luật.

Sự tham gia của truyền thông một mặt đảm bảo cho sự thành công của việc xây dựng Luật, mặt khác cũng giúp cho Dự thảo luật ngày một được hoàn thiện hơn. Trong quá trình này, báo chí giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, kiến thức, tạo diễn dàn chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm cho công chúng; thông qua đó, góp phần mở mang hiểu biết và thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh thái độ và hành vi xã hội về những vấn đề mà văn bản pháp lý về công tác xã hội đặt ra; từ đó lấy ý kiến, tổ chức phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện các chính sách và khuôn khổ pháp lý về CTXH.

Vai trò phản biện của báo chí nhằm bảo đảm cho chính sách được thiết kế mang lại lợi ích tốt nhất cho các đối tượng liên quan. Báo chí là phương tiện và phương thức kết nối xã hội, là kênh khơi nguồn, truyền dẫn và kết nối sức mạnh từ các thiết chế xã hội, từ  đội ngũ những trí thức, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức và công dân, tạo thành diễn đàn phản biện chính sách, tạo sự đồng thuận xã hội.

Nhấn mạnh vai trò của công tác xã hội, TS. Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: CTXH thúc đẩy sự phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ, tạo khả năng và giải phóng con người nhằm thúc đẩy phúc lợi. Sử dụng các học thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội, công tác xã hội can thiệp vào những thời điểm khi con người tương tác với các môi trường của mình. Nhân quyền và công lý trong xã hội là những nguyên tắc nền tảng của công tác xã hội.

CTXH bao gồm các lĩnh vực: Lĩnh vực phúc lợi xã hội: Phát hiện, can thiệp, và phòng ngừa rối nhiễu tâm lý, tình cảm và hành vi của cá nhân; Tham vấn, tư vấn hướng dẫn cá nhân, gia đình, nhóm xác định vấn đề, và hỗ trợ giải quyết; Nhận biết, đánh giá các vấn đề về xâm hại, bạo hành trẻ em, thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em; Quản lý trường hợp; Nâng cao nhận thức và năng lực của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng để phòng ngừa các vấn đề xã hội; Vận động nguồn lực để tăng cường dịch vụ hỗ trợ cho người yếu thế;  Tham gia thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình và cung cấp dịch vụ CTXH tại địa phương; Thực hiện nghiên cứu các vấn đề xã hội và đưa ra đề xuất cải thiện chính sách xã hội.

Lĩnh vực y tế: Tham gia chẩn đoán điều trị, đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch, và thực hiện các can thiệp; Giúp người bệnh tiếp cận công bằng đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Thực hiện tham vấn, tư vấn, hỗ trợ tâm lý; Tham gia thu thập chứng cứ, biện hộ và bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân bị xâm hại, bạo hành; Quản lý trường hợp; Hỗ trợ người bệnh phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng; Tham gia giáo dục cộng đồng về phòng ngừa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

Lĩnh vực giáo dục: Đánh giá nhu cầu của học sinh, đặc biệt liên quan đến tâm lý xã hội và hành vi; Cung cấp dịch vụ hỗ trợ (cá nhân, nhóm) và chuyển gửi; Kết nối nhà trường, gia đình và cộng đồng; Giáo dục kỹ năng sống và thực hành kỷ luật tích cực; Thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Lĩnh vực Tư pháp: Chăm sóc và hỗ trợ nạn nhân của tội phạm và gia đình khi tham gia tố tụng; Hỗ trợ tâm lý-xã hội và phục hồi cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật; những người được xử lý chuyển hướng; Hỗ trợ các đối tượng thực hiện các biện pháp cải tạo tại cộng đồng; những người trong trại giam; Hỗ trợ các nạn nhân và nhân chứng tham gia vào hệ thống tư pháp.

Thông tin về một số kinh nghiệm quốc tế về xây dựng khung pháp lý CTXH, ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia tới từ Unicef Việt Nam cho biết: Ở tất cả những quốc gia, nghề công tác xã hội được chuyên nghiệp hóa, đều bao gồm những yếu tố chính như: Hệ thống pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ xã hội; Hệ thống giáo dục và đào tạo; Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thang bảng lương; Hệ thống dịch vụ CTXH; Hiệp hội nghề và hiệp hội giáo dục đào tạo công tác xã hội. Bên cạnh đó, một số quốc gia còn xây dựng: Tiêu chuẩn nghề công tác xã hội; Đạo đức nghề công tác xã hội.

TCXH trên thế giới đều dựa trên một số định nghĩa giống nhau, mục tiêu cơ bản và những giá trị chung. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có hướng tiếp cận của riêng mình, hướng tiếp cận này phản ánh trình độ và giai đoạn phát triển của quốc gia và văn hóa của quốc gia đó. Ví dụ, Mỹ, Úc và các nước Bắc Âu thì nhấn mạnh sự tương tác với cá nhân trong điều kiện một hệ thống phúc lợi xã hội đã phát triển ở trình độ cao. Ở các quốc gia khác, ví dự như Philippines, Papua New Guinea, các quốc gia Đông và Nam Phi thì trọng tâm là sự phát triển xã hội.

Theo một số nghiên cứu về các loại luật pháp của một số quốc gia trên thế giới cho thấy có hai loại luật: Luật liên quan tới nghề CTXH; Luật quy định các hoạt động CTXH trong những trường hợp cụ thể. Ở một số nước, có cả hai loại luật này, và một số nước khác chỉ thực hiện luật thứ hai. Cả hai loại luật này, bao gồm các văn bản pháp luật như nghị định, quy định... được hình thành dựa trên nền tảng các luật quốc tế, các tuyên bố và công ước của Liên Hợp Quốc và Hiến pháp quốc gia.

Ông Ngọc Anh khẳng định, những kinh nghiệm quốc tế cho thấy, CTXH được đề cập tới trong luật pháp theo một số hình thức khác nhau. Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có luật về nghề CTXH (ví dụ như sắc lệnh về công tác xã hội của Hồng Kông…), các luật và công cụ pháp lý khác đều dựa trên các luật chính. Bằng cách đó, có thể sửa đổi hoặc bổ sung các luật chính để đưa vấn đề CTXH vào luật chính mà không cần soạn thảo lại hoàn toàn và các luật về nghề CTXH có thể được xem như khuôn khổ cho mọi hoạt động lập pháp có liên quan.

Những kinh nghiệm quốc tế trên đây là cơ sở giúp cho việc rà soát các văn bản pháp luật của Việt Nam. Vì cho tới nay, Việt Nam mới ban hành một số văn bản pháp luật ở cấp quyết định/ thông tư về nghề CTXH. Do đó, cần rà soát tìm ra những khoảng trống, thiếu hụt trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp luật mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thời gian tới nhằm hỗ trợ quá trình phát triển nghề công tác xã hội trong các lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu.

Thông tin về kết quả triển khai Đề án 32 ở Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội cho biết: Tính đến hết tháng 8/2018, Trung tâm CTXH thành phố đã tiếp nhận thông tin và hỗ trợ 232 trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp, gồm 234 đối tượng, trong đó đối tượng là người già bị lạc đường 44 trường hợp, trẻ em bị bỏ rơi 46 trường hợp, trẻ em bị lạc đường 31 trường hợp. Người lang thang có biểu hiện rối loạn nhận thức, hành vi 23 trường hợp, còn lại là đối tượng trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, nạn nhân của bạo lực gia đình... Trung tâm đã hoàn tất thủ tục hồ sơ cho 72 đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, 62 đối tượng có quyết định nuôi dưỡng dài hạn tại các Trung tâm  Bảo trợ xã hội thuộc Sở.

Chia sẻ về kinh nghiệm truyền thông về công tác xã hội trên Báo Lao động - xã hội, ông Nguyễn Trung Chính - Quyền Tổng Biên tập báo cho biết: "Công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức từng bước đưa CTXH thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam trên báo LĐXH đã đạt được những kết quả tích cực, không chỉ là một kênh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH với sự phát triển xã hội mà còn là cầu nối đưa chính sách, chế độ mới đi vào cuộc sống.

Báo LĐXH luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, đa dạng hóa cách làm thông tin, thông tin tuyên truyền có chất lượng cao, thúc đẩy sự chú ý quan tâm trong toàn xã hội; Tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về công tác truyền thông nghề CTXH đối với các nhà báo, phóng viên được phân công theo dõi mảng.

Báo LĐXH cũng đã thành lập chuyên mục riêng về lĩnh vực này, trong đó, đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền nhằm làm rõ các nguyên tắc của công tác xã hội, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực CTXH và góp phần thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực CTXH. Thông qua những bài báo, không chỉ các cấp, ngành, địa phương, mà bản thân người dân và những người thụ hưởng hiểu hơn về nghề CTXH, cũng như việc trợ giúp người yếu thế dựa vào cộng đồng.

Công tác truyền thông phải cuốn theo sự phát triển của xã hội thông tin, không phải đeo bám mà tận tụy, chu đáo chăm sóc đối tượng, mang đến những thông tin hữu ích và thiết thực cho họ, phải tiếp cận nhanh những phương thức mới, hiện đại mà phản ánh. Truyền thông về lĩnh vực lao động xã hội là chia sẻ, vun đắp, tạo sự đồng thuận xã hội với mục tiêu xã hội ổn định và phát triển bền vững. Các hoạt động của đời sống xã hội khi có truyền thông tham gia, đều phát huy hiệu quả, dễ đạt mục tiêu".

* Trước đó, các phóng viên đã được đi thăm, tìm hiểu về CTXH tại Trung tâm Phục hồi Chức năng Việt - Hàn (thành phố Hà Nội) và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hòa Bình.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất