Thứ Tư, 1/5/2024
Vấn đề quan tâm
Chủ Nhật, 10/3/2019 10:11'(GMT+7)

Ngăn chặn nội dung độc hại trên internet

Hình tượng Momo xuất hiện trong các video hoạt hình trên kênh Youtube với nội dung độc hại, gây nguy hiểm cho người xem, đặc biệt là trẻ em.

Hình tượng Momo xuất hiện trong các video hoạt hình trên kênh Youtube với nội dung độc hại, gây nguy hiểm cho người xem, đặc biệt là trẻ em.

Nội dung clip có thể xúi giục người xem tham gia những hành động nguy hiểm, hướng dẫn họ tự làm tổn thương bản thân hoặc tự sát thông qua một nhân vật hoạt hình có ngoại hình trông khá ghê rợn. Đối tượng mà “Thử thách Momo” hướng đến là giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, những người trầm cảm, căng thẳng…

Không chỉ ở Việt Nam, “Thử thách Momo” đang lan truyền nhanh chóng, đe dọa và gây nguy hiểm đối với trẻ em nhiều nước trên thế giới. Cũng vì vậy, ngày 28-2, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có văn bản yêu cầu Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội Youtube gỡ bỏ và tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt các video clip có nguy cơ hướng dẫn tự sát kiểu như “Thử thách Momo”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là công tác quản lý, ngăn chặn các video clip có nội dung không lành mạnh và trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như thế nào?

Hình ảnh Momo xuất hiện đoạn giữa rất ngắn trong video clip phim hoạt hình dành cho thiếu nhi và phát trên ứng dụng Youtube dành cho trẻ em. Vụ việc này cho thấy, việc để lọt những nội dung nguy hiểm được “ngụy trang” trong video clip phim thiếu nhi trên internet dành cho trẻ em là rất đáng báo động. Thực tế có rất nhiều video clip có nội dung độc hại khác cũng đang phát tán trên môi trường mạng mà các phụ huynh không kiểm soát được hoặc không thể phát hiện, thậm chí không nắm rõ. 

Để giữ an toàn cho trẻ em trước các nội dung độc hại từ mạng internet, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan liên quan, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Vai trò của gia đình rất quan trọng, các phụ huynh cần gần gũi, sát sao để giữ cho con em mình an toàn hơn trong môi trường trực tuyến, thí dụ như thường xuyên trò chuyện với trẻ, giúp trẻ biết cách sử dụng internet an toàn; có thể cài đặt và sử dụng các ứng dụng giám sát trẻ em trên điện thoại thông minh và máy tính; cài đặt các tính năng bảo mật và giới hạn thời gian truy cập... Bên cạnh đó, trường học cũng cần trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản, phù hợp theo từng lứa tuổi để các em có khả năng “sàng lọc” thông tin trên internet, định hướng cho trẻ biết được tầm quan trọng của thông tin cá nhân, nhận biết những video, trang web độc hại... tự bảo vệ mình an toàn trên môi trường mạng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần sớm có những biện pháp quản lý, ngăn chặn, loại bỏ kịp thời những hiện tượng, nội dung tiêu cực ảnh hưởng xấu tới lối sống của thế hệ trẻ, hướng tới xây dựng và định hướng những giá trị, nội dung phù hợp thị hiếu, tâm lý lứa tuổi khác nhau của trẻ em...

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất