Thứ Bảy, 27/4/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Tư, 29/11/2023 16:5'(GMT+7)

Những đòi hỏi phi lý, không thể chấp nhận

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp, xử lý nghiêm một số cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Sự cương quyết của cơ quan chức năng đã thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội, người dân, sự tâm phục, khẩu phục của những đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, bất chấp thực tế này, một số tổ chức, cá nhân phản động, cực đoan, thiếu thiện chí vẫn tìm mọi cách xuyên tạc, vu khống và bóp méo bản chất sự việc bằng những cách thức tinh vi, xảo quyệt nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Bản hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 đã khẳng định tự do ngôn luận là một trong các quyền cơ bản của công dân. Từ đó đến nay Đảng và Nhà nước nỗ lực hoàn thiện hệ thống luật pháp để bảo vệ quyền tự do ngôn luận không bị xâm phạm, lợi dụng, với tinh thần được quy định tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013, đó là “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…”.

Theo đó, trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí (Điều 10, Luật Báo chí năm 2016). Công dân cũng có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp có hành vi trái pháp luật (Điều 11, Luật Báo chí năm 2016).

Trong hoạt động xuất bản, nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm, bảo hộ quyền tác giả và không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản (khoản 2 Điều 5, Luật Xuất bản năm 2012). Đồng thời, nhằm phát huy quyền tự do, dân chủ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc trong nhân dân, Nhà nước đã ban hành Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2018. Bên cạnh những nội dung quan trọng về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, luật pháp của Việt Nam cũng đưa ra những quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn các hành vi cản trở, gây phiền hà, đe dọa, trả thù, trù dập người thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.

Những quy định pháp luật này đã nhanh chóng đi vào đời sống, trở thành công cụ quan trọng để người dân thực hiện các quyền tự do dân chủ nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng. Tính đến tháng 5/2023, cả nước có 808 cơ quan báo chí, 57 nhà xuất bản, 1.952 trang thông tin điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động với khoảng 130 triệu tài khoản đăng ký.

Đây là các diễn đàn rộng mở cho người dân tự do tham gia đóng góp ý kiến, quan điểm, phản biện xã hội. Song trên thực tế, một số người đã vượt quá giới hạn, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đưa ra những phát ngôn, đăng tải, chia sẻ thông tin xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Cá biệt, có đối tượng còn soạn thảo nhiều bài viết, dựng video để tuyên truyền những nội dung xuyên tạc, phỉ báng, nói xấu chính quyền nhân dân; thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận như kêu gọi tẩy chay việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; kêu gọi đa nguyên, đa đảng; xúc phạm danh dự, uy tín của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc hoạt động của cơ quan thực thi pháp luật…

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành biện pháp giáo dục, nhắc nhở, xử phạt hành chính đối với các hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, làm tổn hại đến uy tín, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên vẫn có cá nhân tái diễn vi phạm đến mức phải xử lý hình sự.

Để tránh oan sai và không bỏ lọt tội phạm, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra, thu thập nhân chứng, chứng cứ một cách minh bạch, theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Vì lẽ đó, khi khai nhận trước cơ quan điều tra và tại tòa án nhân dân, các đối tượng đều thừa nhận hành vi đã thực hiện. Phần lớn những người này đã nhận ra sai phạm, lỗi lầm của mình và mong muốn cải tạo tốt để sớm được hoàn lương, trở về với gia đình.

Các bản án đều nhận được sự đồng thuận cao của những đương sự trong vụ án và đông đảo quần chúng nhân dân. Tiêu biểu có thể kể đến vụ án Hoàng Văn Luân bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Anh khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam vào ngày 23/8/2023 về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trước đó, trong giai đoạn 2019-2023, Luân đã tổ chức, tập hợp những người bị ảnh hưởng bởi hai dự án cao tốc Bắc-Nam và cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng đi khiếu nại vượt cấp với nhiều nội dung sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và uy tín của huyện Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh.

Tại cơ quan điều tra, Hoàng Văn Luân đã thành khẩn khai nhận: “Bị can rất hối hận về những hành vi vi phạm của mình. Qua đây bị can cũng muốn nhắn gửi đến bà con là những người đang bị ảnh hưởng bởi các dự án nếu thực hiện việc khiếu nại phải đúng quy trình, quy định của pháp luật, không khiếu nại vượt cấp gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng xấu đến uy tín của địa phương. Đồng thời, phải tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng hành cùng chính quyền trong việc giải quyết quyền lợi của bản thân”.

Tương tự, ngày 21/9/2023, trong phiên xét xử Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” tại Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, bị cáo Hằng đã bày tỏ sự hối hận: “Sau khi bị bắt, bị cáo biết có Luật An ninh mạng, bị cáo mới biết mình sai. Nhưng do bị cáo không kiềm chế được cảm xúc, bị kích động”.

Mặc dù vậy, các thế lực thù địch và tổ chức thiếu thiện chí vẫn không ngừng bôi đen sự thật về tình hình tự do, dân chủ, tự do ngôn luận tại Việt Nam, vu cáo cơ quan chức năng “đàn áp báo chí”, “hạn chế quyền tiếp cận thông tin”. Nổi lên trong thời gian gần đây, ngày 2/11, ba tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), FreedomHouse và Quỹ Nhân quyền Robert F. Kennedy (RFK) đã gửi “Báo cáo chung về tự do báo chí” đến Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với nhiều nội dung không đúng sự thật về Việt Nam.

Tương tự, ngày 18/11, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam công bố “Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2023” và “Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022-2023”. Thực tế, mục đích của việc trao giải cũng như nội dung của những báo cáo này không có gì mới khi chỉ dẫn lại những cáo buộc vô căn cứ đã bị Việt Nam nhiều lần bác bỏ bằng các thông tin chính thống, số liệu cụ thể tại các buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Không phải ngẫu nhiên, các tổ chức thiếu thiện chí lại tích cực soạn thảo và công bố “các báo cáo nhân quyền”. Trên nhiều diễn đàn, họ đã cho biết mục đích chính của mình là hối thúc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, các tổ chức nhân quyền quốc tế và một số chính phủ tạo áp lực cho Việt Nam trước thềm diễn ra kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ tư diễn ra vào tháng 4/2024.

Bằng cách này, các tổ chức âm mưu can thiệp vào tình hình nội bộ của Việt Nam, ra yêu sách đòi xóa bỏ một số quy định trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật An ninh mạng, Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng hiện hành, trả tự do cho một số đối tượng đang chấp hành án phạt tù vì tuyên truyền chống Nhà nước. Đây là những đòi hỏi phi lý, không thể chấp nhận.

Năm 2023, Việt Nam đã có nhiều hoạt động thực chất và hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và thế giới để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như mong muốn cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về các thành tựu đã đạt được của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.

Ngày 20/6, phát biểu tại phiên đối thoại với Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc về Báo cáo về tình hình nhân quyền hằng năm, đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tại Geneva nhấn mạnh cam kết thúc đẩy đối thoại thực chất và hợp tác hiệu quả với tất cả các quốc gia thành viên và các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc; ủng hộ các nguyên tắc cơ bản về phổ quát, công bằng, khách quan, không chọn lựa và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; đối thoại và hợp tác thực chất cũng như tuân thủ các nguyên tắc nêu trên là cách thức hiệu quả nhất để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Ngày 8/11, tại buổi tiếp Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền Phát triển, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chia sẻ cách tiếp cận của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; khẳng định Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể và động lực của quá trình phát triển.

Về phần mình, Báo cáo viên đặc biệt Surya Deva đã đánh giá cao các dấu ấn, sáng kiến của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và sự tham gia trách nhiệm, tích cực trong Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người. Thực tế cho thấy những kết quả đáng ghi nhận của Việt Nam trong lĩnh vực lập pháp, tạo dựng các diễn đàn và không gian cho quyền tự do ngôn luận, hợp tác quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong nhiều năm qua là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Nhà nước ta đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc bảo vệ quyền con người./.

PHAN KỶ (nhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất