Thứ Hai, 20/5/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 12/2/2018 9:41'(GMT+7)

Nhùng nhằng cái sự… chia tay!

Vô tình, trong một chuyến công tác mới đây tại một địa phương, lúc trò chuyện, tôi được nghe một chuyên viên kể về những cuộc chia tay “nặng mùi… vật chất”!

Một cán bộ chủ chốt của huyện nọ được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo một ngành trọng yếu của tỉnh. Trước khi lên đường nhận cương vị mới, ông đã “khôn khéo” sắp xếp, tranh thủ thời gian lần lượt đến các xã, thị trấn và các phòng, ban, ngành, đoàn thể trong huyện để “ân cần chào hỏi” và nói lời “chia tay” với cán bộ cấp dưới. Lãnh đạo huyện đến chia tay, các địa phương cơ sở và cơ quan của huyện đã tổ chức những “bữa cơm thân mật” để gọi là “vừa tiễn chào, vừa chúc mừng lãnh đạo đón thêm niềm vui và nhận trọng trách mới”. Vì ông nắm giữ cương vị có liên quan đến “cơm áo gạo tiền” của các cơ sở, cơ quan cấp dưới sau này, nên những bữa liên hoan chia tay được tổ chức chu đáo. Sau những buổi tiệc tùng vui vẻ, khi tiễn lãnh đạo ra về, mỗi cơ sở và mỗi cơ quan với tình cảm “của ít lòng nhiều” đều không quên món quà “hoa khô” (từ lóng của “phong bì”) gửi cấp trên gọi là... thêm chút “xăng xe” đưa “sếp” lên tỉnh nhận nhiệm vụ mới!

Một cán bộ đầu ngành của tỉnh được đề bạt chức vụ mới ở cơ quan cấp trung ương, nhưng ông “nhã nhặn” không đến chia tay trực tiếp các cơ sở, cơ quan cấp dưới như vị lãnh đạo huyện nọ. Trước ngày nhận công tác, ông đã nhờ người khác mời những chức danh chủ chốt của các cơ quan trực thuộc và hầu hết cán bộ các cơ quan liên quan nơi ông từng công tác và những doanh nghiệp trên địa bàn đến dự “bữa cơm chia tay thân mật”. Nhận được tin mời, những cán bộ một thời là cấp dưới và những doanh nghiệp từng được ông “nâng đỡ” nên ai nỡ lòng từ chối? Đến dự ngày vui của “sếp”, tất nhiên cũng không người nào lại “hồn nhiên” đến mức đi mỗi “tay không”! Những chiếc phong bì vốn gọn nhẹ, tiện lợi, lại thể hiện tấm lòng “nghĩa trọng, tình thâm” đã được các cán bộ cấp dưới và các doanh nhân, doanh nghiệp trao tặng tận tay “lãnh đạo cũ, ân nhân xưa”. Quả là “Đẹp tình người nhận, vui lòng người đi”!

Kể xong câu chuyện, anh chuyên viên nói:

- Thực ra, hai trường hợp chia tay trên đây không phải là cá biệt, mà đã trở thành “mốt thời thượng” của một bộ phận quan chức hiện nay khi được đề bạt chức vụ mới hay thuyên chuyển sang công tác ở những vị trí nhạy cảm liên quan đến nhiều người.

Tôi bảo:

- Việc chia tay là một hình thức thông báo cho mọi người biết quá trình công tác tiến bộ, trưởng thành và sự thăng tiến của mình thì cũng là việc nên làm đấy chứ!

 Anh chuyên viên tỏ ý băn khoăn:

- Việc chia tay không có gì đáng nói nếu người chia tay lấy ý nghĩa tình cảm và thái độ văn hóa làm trọng. Nhưng trên thực tế, có những cuộc chia tay không chỉ ngụ ý phô trương quyền chức mới, mà còn có biểu hiện vụ lợi. Những cán bộ cấp dưới, doanh nhân, doanh nghiệp được “mời dự” trong các cuộc chia tay ấy thực ra cũng chẳng vui vẻ gì, song vì mối quan hệ rất tế nhị nên cũng đành “phải đi” kẻo sợ bị mang tiếng là sống “không có trước có sau”. Nhưng nên nhớ rằng, những bữa tiệc chia tay của cơ sở và những chiếc “phong bao” của cấp dưới để tiếp đón, chiêu đãi và chúc mừng “người được lên chức” chủ yếu lấy từ nguồn công quỹ, chứ mấy khi ai bỏ tiền túi cá nhân ra. Rõ ràng việc tổ chức chia tay như vậy không những làm phiền hà cho cơ sở và cấp dưới, mà còn gây tốn kém, lãng phí về tiền của nhà nước và nhân dân. Thực chất đó cũng là một hình thức biến tướng của tệ nạn tham nhũng.

- Vậy theo anh, làm sao ngăn chặn được hiện tượng thiếu trong sáng này?

- Cũng không khó lắm đâu. Một mặt, bản thân mỗi cán bộ khi được bổ nhiệm, đề bạt chức vụ mới, phải tự giác gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa, nói “không” với việc chia tay thiếu lành mạnh. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phải đề ra các quy định, chế tài về việc tổ chức chia tay của cán bộ khi nhận chức vụ mới, tránh lạm dụng quyền lực để khôn khéo thu vén lợi ích cá nhân và tạo ra một tiền lệ xấu cho đội ngũ cán bộ kế tiếp sau này.

Như để chốt lại vấn đề, anh chuyên viên nói: - Chia tay là một nét đẹp tình cảm trong văn hóa ứng xử của người Việt. Nhưng khi cán bộ lên chức thì làm sao để cuộc chia tay trở nên gọn nhẹ, đầm ấm, lưu lại tình cảm trong sáng cho cả người ở và người đi, chứ không nên gây ra sự phiền toái cho cấp dưới và biến cuộc chia tay thành sự phô trương quyền lực không đúng lúc, đúng chỗ./.

 Thiện Văn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất