Thứ Hai, 6/5/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Hai, 23/3/2020 7:37'(GMT+7)

Quyết liệt, đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Đoàn viên, thanh niên Thủ đô phát khẩu trang miễn phí tới người dân. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ Thủ đô)

Đoàn viên, thanh niên Thủ đô phát khẩu trang miễn phí tới người dân. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ Thủ đô)

1. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống dịch bệnh đã có sự chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, chính quyền đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị và địa phương; mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đều nhận thức đầy đủ và đúng về tình hình, tính chất nguy hiểm và tác hại của dịch bệnh nên đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công cuộc phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Với những giải pháp cụ thể sau:

Chính phủ: Xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là công tác trọng tâm cấp bách, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, sâu sắc, xác định “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngày 4/2/2020, tại Công văn 797/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng, chống dịch nCoV. Cụ thể, Bộ Công thương chủ động triển khai các giải pháp, hỗ trợ bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm,… để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh nCov. Bộ Tài chính chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi, nhanh nhất về thủ tục thông quan nguyên liệu, trang thiết bị phòng, chống dịch. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn ổn định, sản xuất, bảo đảm nguồn cung trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch; bảo đảm việc cung ứng, kiểm soát giá đối với hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài. Trong Thông báo 43/TB-VPCP ngày 6/2/2020, kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và nhân dân tập trung phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; không được chủ quan, lơ là, đồng thời không hoang mang; tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, chủ động ứng phó bằng các giải pháp phù hợp, toàn diện các lĩnh vực, không để dịch lan rộng, chấp nhận các thiệt hại về kinh tế trước mắt song cần chủ động có các phương án ứng phó, bảo đảm ổn định, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.

Ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia đã quyết liệt với phương châm chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, công tác phòng, chống dịch Covid-19 không là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế mà có sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, chính quyền các cấp và nhân dân. Về công tác báo cáo, Ban Chỉ đạo đã thường xuyên gửi báo cáo kết quả các cuộc họp, báo cáo nhanh cập nhật tình hình dịch bệnh đến Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành, liên quan. Nội dung các báo cáo đã kịp thời thông tin cập nhật về diễn biến và tình hình dịch bệnh của Việt Nam và trên thế giới; các hoạt động đã triển khai, đồng thời nêu cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương và từng người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của của cơ quan, đơn vị. Ban Dân vận Trung ương đã xác định công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đương hô hấp cấp do virus Corona gây ra là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo hệ thống của tổ chức, thực hiện quyết liệt các biện pháp; tập trung tuyên truyền rộng rãi nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và mỗi người dân trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ triển khai thực hiện; tăng cường phối hợp tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; quán triệt trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan về yêu cầu tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương đã nhận thức rõ trách nhiệm đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, do vậy đã có chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương toàn lực lượng nhằm chuẩn bị, tập huấn các phương án ứng phó với dịch bệnh trong tình hình dịch lan rộng.

2. Trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy về công tác phòng, chống dịch

Qua báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy đã cho thấy sự nghiêm túc, vào cuộc của ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy mà người đứng đầu là đồng chính bí thư. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh đã ban hành kế hoạch, chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho nhân dân; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm tại chỗ: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sơ vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ, đúng như sự chỉ đạo của Trung ương. Triển khai, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các hoạt động giám sát dịch. Phân tích tình hình dịch bệnh, đánh giá nguy cơ dịch bệnh, các hoạt động giám sát và đáp ứng phòng, chống dịch bệnh. Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai các biện pháp giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Các địa phương cũng đã chủ động phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly, điều trị, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần với đối tượng mắc Covid-19, hạn chế lây lan trong cộng đồng. Về kết quả điều trị đã tiến hành thu dung cách ly, phân luồng phân tuyến điều trị, tình hình thu dung điều trị tại các bệnh viện, chất lượng khám, xét nghiệm, chẩn đoán, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân được triển khai tốt. Về kết quả hoạt động hậu cần trong công tác phòng, chống dịch như nhu cầu và khả năng cung ứng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị, kinh phí, tiếp nhận hàng hóa viện trợ, chính sách cho người tham gia được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương đã luôn nêu cao tinh thần nghiêm túc trách nhiệm trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung phòng, chống dịch bệnh, tiêu biểu là Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Các Ban Đảng Trung ương luôn có trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện Công văn số 79-CV/TW và đã chủ động kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.

3. Công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được tiến hành thường xuyên, liên tục

Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu có những diễn biến phức tạp, tại Hội nghị giao ban lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương hàng tuần, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh. Sau khi các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ ban hành, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng thường xuyên, liên tục công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện cổ động trực quan và thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên… Đặc biệt là Đài Truyền hình Việt Nam cung cấp thông tin kịp thời về tất cả các hoạt động phòng, chống dịch trong cả nước. Nhờ đó, công tác thông tin tuyên truyền nói chung, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đem lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân, cộng đồng trong phòng, chống Covid-19 và kiểm soát tốt dịch bệnh đến thời điểm hiện nay.

Bám sát sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã chỉ đạo ban tuyên giáo, cơ quan, đơn vị trực thuộc liên quan xây dựng hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng thường xuyên, liên tục về công tác phòng, chống dịch bệnh trên các báo, đài, trang thông tin điện tử của địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc, trên các phương tiện cổ động trực quan, các ấn phẩm tuyên truyền và thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đẩy mạnh công tác nắm bắt và định hướng dư luận về tình hình dịch bệnh Covid-19; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều địa phương đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đăk Nông, Tuyên Quang, Bắc Giang, Yên Bái…

4. Về xây dựng các phương án phòng, chống theo từng cấp độ lây lan dịch và các biện pháp dự phòng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn

Qua các báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, công tác này đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả thể hiện ở các văn bản triển khai thực hiện.

Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã ban hành kế hoạch đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra với 5 cấp độ. Các tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, xây dựng các phương án phòng, chống theo từng cấp độ lây lan dịch, thực hiện triệt để, tuân thủ các biện pháp dự phòng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã kiên quyết, khẩn trương, tập trung, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm nCoV. Đồng thời, phát huy vai trò của các Quân khu và chính quyền địa phương trong việc tổ chức cách ly; các đơn vị phụ trách cách ly phải đảm bảo các quy định về cách ly, phân loại các đối tượng có mức độ nguy cơ khác nhau để có biện pháp xử lý phù hợp; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, gia đình trong việc cách ly y tế, cam kết thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; thực hiện phòng, chống lây nhiễm chéo tại các khu cách ly.

Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan thông báo rộng rãi đối với người Việt Nam tại các nước khi về Việt Nam phải khai tờ khai y tế bổ sung, chịu sự giám sát cách ly tập trung nếu đi qua vùng dịch trong vòng 14 ngày hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch hoặc không chứng minh được có đi qua vùng dịch hay không.

Bộ Quốc phòng chuẩn bị nhân lực, vật lực, sẵn sàng tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia khác có dịch về Việt Nam. Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chỉ đạo kịp thời, điều động lực lượng trong phòng, chống dịch. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương điều chỉnh việc tổ chức lễ giao nhận chiến sĩ mới năm 2020 phù hợp với điều kiện tình hình có dịch. Các đơn vị trong toàn quân đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp.

Bộ Công an, Bộ Y tế phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cảnh báo và xử lý nghiêm theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các quy định khác của pháp luật đối với các trường hợp khai báo không trung thực, gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona trong Công an nhân dân và rà soát khả năng cách ly tập trung tại các đơn vị thuộc Bộ Công an, dự phòng sẵn sàng trong trường hợp số lượng người cách ly vượt quá khả năng thu dung của các đơn vị cách ly do quân đội phụ trách. Các cơ sở y tế trong Công an đã chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế, nhân lực sẵn sàng đáp ứng cho công tác điều trị, phòng và chống dịch bệnh; chuẩn bị khu điều trị cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Đẩy mạnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Các báo, đài, ANTV, Tạp chí Công an nhân dân và Công an các đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền, đăng tải các tin, bài về tác nhân gây bệnh, đường lây truyền, cách phòng tránh dịch do COVID-19 trên trang thông tin điện tử của đơn vị, báo, đài, phát thanh, truyền hình Trung ương, địa phương để phổ biến tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân Công an và các đối tượng do Bộ Công an quản lý.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công điện số 389/CĐ-BVHTTDL ngày 29/1/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra và Công văn số 391/BVHTTDL-VHCS ngày 31/1/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội. Trong các công văn này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp cần thiết tạm dừng các hoạt động tập trung đông người; căn cứ tình hình thực tế chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội; yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh…

Bộ Công thương chủ động triển khai các giải pháp, hỗ trợ bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm,… để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh nCoV. Bộ Tài chính chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi, nhanh nhất về thủ tục thông quan nguyên liệu, trang thiết bị phòng, chống dịch. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch; bảo đảm việc cung ứng, kiểm soát giá đối với hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài.

5. Trách nhiệm của Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân

Ban Dân vận Trung ương ban hành hướng dẫn vận động nhân dân thực hiện triệt để, tuân thủ các biện pháp dự phòng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn; chuẩn bị lực lượng ở các cấp bộ, đoàn, hội tham gia ứng phó phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra; nắm chắc tình hình và báo cáo kết quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các công văn của Ban Bí thư và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; triển khai hướng dẫn ban dân vận các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tham mưu cho cấp ủy đảng cùng cấp xây dựng kế hoạch chỉ đạo. Giao cán bộ theo dõi địa bàn báo cáo kết quả thực hiện Công văn số 79-CV/TW và Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại địa phương.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức thực hiện nghiêm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong cơ quan; cắt giảm các cuộc họp, hội nghị, tập trung cho nhiệm vụ phòng, chống dịch. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, đặc biệt là hệ thống Mặt trận ở cơ sở đã phát huy vai trò giám sát của nhân dân cùng với các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện giám sát việc phòng, chống dịch với nội dung và các hình thức thích hợp; phối hợp giám sát các cơ sở kinh doanh thuốc có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang và thiết bị y tế; giám sát người bị cách ly thực hiện hướng dẫn của cơ quan chức năng… Điển hình như MTTQ TP. Hồ Chí Minh đã thành lập 2 đoàn giám sát, thực hiện giám sát tại 6 phường, xã thuộc các quận, huyện; MTTQ tỉnh Phú Thọ cung cấp đầu mối liên lạc của Mặt trận tỉnh để người dân thông tin trực tiếp về tình hình dịch bệnh; MTTQ tỉnh Lào Cai tham gia đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch của tỉnh; MTTQ tỉnh Tiền Giang thành lập 3 tổ kiểm tra các đơn vị về phòng, chống dịch bệnh; MTTQ các tỉnh: Bắc Giang, Hòa Bình, Lâm Đồng, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Tây Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai phối hợp tổ chức giám sát, nắm tình hình triển khai; vận động nhân dân không tiêu thụ động vật hoang dã, không qua lại các lối mòn, lối mở khu vực biên giới và lao động trái phép tại Trung Quốc; MTTQ các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Bình, Đồng Nai phối hợp giám sát phát hiện người nhiễm bệnh, phát hiện các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thuốc có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang và thiết bị y tế…

Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ các tỉnh, thành Hội và lãnh đạo các Ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và hội viên nông dân nội dung những văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chinh phủ về phòng, chống dịch bệnh để mọi cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm, các tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh. Các cơ quan báo chí của Trung ương Hội, các bản tin, trang thông tin điện tử của các cấp hội và đội ngũ cán bộ Hội, đặc biệt là ở cơ sở đã thường xuyên cập nhật các thông tin mới về dịch bệnh từ nguồn chính thức để thông tin chính xác, kịp thời đến cán bộ, hội viên nông dân. Các cấp hội ở địa phương đã chủ động phối hợp với các tổ chức, cơ quan chức năng ở địa phương tập trung vận động nông dân triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, chuyên môn. Các cấp hội đã chú trọng công tác bám, nắm địa bàn, kịp thời nắm bắt và phản ánh tình hình dịch bệnh, diễn biến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, hội viên, dư luận xã hội tại địa phương.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành 3 công văn chỉ đạo các Hội LHPN các tỉnh, thành phố và hội viên, phụ nữ nhằm tích cực phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở các địa phương, phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế, thực hiện tổng vệ sinh nơi sinh hoạt và làm việc; phát huy vai trò của tổ chức Hội tại các địa phương, chủ động huy động nguồn lực và phát huy tinh thần tương thân tương ái,…; phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm giới thiệu các biện pháp hữu hiệu phòng, chống dịch bệnh. Các cấp Hội thuộc 63 tỉnh, thành phố đều có công văn, hướng dẫn các cấp Hội triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức. Đến ngày 18/2/2020, các cấp Hội đã tổ chức hàng nghìn cuộc truyền thông, phát hơn 4 triệu tờ rơi, cung cấp gần 4,7 triệu khẩu trang và gần 179.000 chai nước rửa tay.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: 100% các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc đã có văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn và nghiêm túc thực hiện với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động. Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương tham gia các tổ công tác phòng, chống dịch bệnh, cung cấp thông tin chính thống qua mạng internet, đường dây nóng, điện thoại, trực tiếp tuyên truyền tới khu nhà trọ. Tích cực vận động đoàn viên, CNVCLĐ không kỳ thị, không chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Các cán bộ công đoàn làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng. Các cơ quan báo chí Công đoàn đã cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác, đầy đủ các thông tin chính thức từ cơ quan chức năng về diễn biến và các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn lây lan dịch bệnh; những mô hình trong chăm lo, bảo vệ sức khỏe CNLĐ của các cấp công đoàn và doanh nghiệp.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tuyên truyền trên các báo của Đoàn, các website, trang thông tin điện tử của các cấp bộ, đoàn, hội, đội đã ưu tiên thời lượng, dung lượng. Sử dụng các phương tiện truyền thông của tổ chức Đoàn để thường xuyên tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

6. Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; phối hợp đề xuất với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm về thông tin phòng, chống dịch

Trước khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, trên cơ sở các thông tin về dịch bệnh, xác định đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, ngày 24/1/2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền các tin, bài hướng dẫn người dân cách phát hiện, phòng, chống dịch bệnh và chủ động đến các cơ sở khám chữa bệnh nếu xuất hiện các triệu chứng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế. Thông tin về các trường hợp nhiễm virus phải đảm bảo tính chính xác, đầy đủ theo nguồn tin chính thống của Bộ Y tế, không để chủ quan nhưng tránh gây hoang mang, lo lắng trong dư luận.

Đặc biệt, ngay sau khi Ban Bí thư có Công văn số 79-CV/TW và Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương có các chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin kịp thời về công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh… Trên tinh thần đó, các cơ quan thông tấn, báo chí, đài phát thanh, truyền hình đã dành thời lượng tương xứng, vào cuộc nhanh chóng, tuyên truyền sâu đậm về những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh, cũng như những nỗ lực của các cơ quan chức năng, của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh.

Bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, tại các cuộc giao ban với lãnh đạo các cơ quan báo chí hằng tuần, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các cơ quan chủ trì giao ban đã liên tục quán triệt, chỉ đạo, định hướng các báo tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh; mời lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế cũng như các cơ quan chức năng dự và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho lãnh đạo các cơ quan báo  chí về công tác phòng, chống dịch bệnh…

Đến nay, có thể khẳng định công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra được tiến hành chủ động, kịp thời và hiệu quả. Các cơ quan báo chí tuân thủ nghiêm kỷ luật thông tin, bám sát chỉ đạo, định hướng của các cơ quan chức năng; thông tin chính xác, kịp thời và liên tục về diễn biến tình hình dịch bệnh; các chỉ đạo, tổ chức, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt quan tâm tuyên truyền, cổ vũ, biểu dương nỗ lực không mệt mỏi của các y, bác sĩ, cơ sở y tế trong khám, xét nghiệm, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm nCoV; sự nỗ lực của các cấp các ngành, lực lượng quân đội, công an và các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh…

Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng được các chuyên trang, chuyên mục, các tuyến tin bài không chỉ có tính thời sự mà còn lan tỏa những giá trị tích cực, có chất lượng, hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt trong việc định hướng tư tưởng, hành động cho người dân. Kêu gọi các “mạnh thường quân” chung tay ủng hộ, quyên góp, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh của đất nước…

Bên cạnh việc chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tập trung, chú trọng dành nhiều bài viết đấu tranh, phản bác các tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận, xã hội; phê phán các trường hợp trốn cách ly, khai báo không trung thực gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phòng, chống dịch Covid-19… Qua công tác theo dõi, định hướng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo, uốn nắn kịp thời các cơ quan báo chí không chấp hành nghiêm kỷ luật thông tin; thông tin thiếu kiểm chứng, sa đà vào những thông tin giật gân câu khách; đồng thời đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng xem xét, xử lý các cơ quan báo chí có dấu hiệu vi phạm trong công tác thông tin, tuyên truyền về tình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị chức năng, các địa phương trọng điểm triển khai một số công tác như tăng cường nắm tình hình, đồng thời phối hợp xử lý triệt để các trang, tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin giả, sai sự thật về dịch bệnh tại Việt Nam; xử lý các đối tượng lợi dụng một số trường hợp bị nhiễm, cách ly do dịch bệnh Covid-19 để đưa tin, bài viết, video xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu cán bộ lãnh đạo quản lý, gây hoang mang trong dư luận. Trong đó kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng, yêu cầu cam kết không tái phạm, gỡ bỏ các tin, bài viết có nội dung xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh; vô hiệu hóa một số hội, nhóm, tài khoản Facebook có hoạt động kinh doanh trực tuyến, mua bán khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh với giá cao, số lượng lớn nhằm trục lợi. Nhắc nhở các sàn thương mại điện tử (Shopee, Sedo, Tiki, Chodientu, Lazada…) kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh trực tuyến các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng dịch, yêu cầu không được đầu cơ gom hàng, tăng giá; yêu cầu các quản trị viên, điều hành các hội, nhóm có đông thành viên (từ 500.000 thành viên trở lên) tăng cường quản lý, kiểm duyệt thông tin, không cho phép các thành viên đăng tải, chia sẻ bài viết, video clip có nội dung thất thiệt, chưa kiểm chứng về tình hình dịch bệnh (chủ yếu tồn tại trên các trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài). 

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất