Thứ Tư, 8/5/2024
Hội thi giảng viên lý luận chính trị 2018
Thứ Sáu, 28/9/2018 10:58'(GMT+7)

Sôi nổi Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2018

Cận cảnh phần thi thao giảng của thí sinh

Cận cảnh phần thi thao giảng của thí sinh

Từ ngày 26-28/9, tại thành phố Đà Nẵng, đã diễn ra Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2018.

Tham dự Hội thi là 38 thí sinh của 18 tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên (từ Thanh Hóa trở vào); là  giảng viên chuyên trách và kiêm chức đang giảng dạy tại các  trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Trong đó, thí sinh cao tuổi nhất sinh năm 1954, thí sinh ít tuổi nhất sinh năm 1994.

Mỗi giảng viên tham dự hội thi lựa chọn một bài trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được giảng dạy ở trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện do Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành; tập trung vào các chương trình sau: Chương trình học tập lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng, Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới, Chương trình bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở, các chương trình bồi dưỡng chuyên đề, Chương trình Sơ cấp lý luận chính trị, Các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Các thí sinh tham dự cũng phải tập trung vào 3 nội dung, đồng thời là 3 kỹ năng quan trọng cần có đối với người giảng viên lý luận chính trị giỏi: kỹ năng soạn giáo án; kỹ năng thuyết trình và kỹ năng ứng xử (trả lời câu hỏi). Sau phần thi mỗi thí sinh, có nhận xét của Ban Giám khảo cho từng thí sinh, đánh giá những mặt đạt và chưa đạt của mỗi thí sinh đó.

Thí sin Lê Thị Thu Hương, người dân tộc Ka Tu, tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự Hội thi

Thí sin Lê Thị Thu Hương, người dân tộc Ka Tu, tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự Hội thi


Theo đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Giám khảo Hội thi cho biết, Hội thi là sự cụ thể hóa, thiết thực thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

Thông qua Hội thi, có thể đánh giá sát thực chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị các cấp, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng và hiệu quả trong công tác giảng dạy lý luận chính trị. Qua Hội thi, góp phần cập nhật các nội dung mới về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời góp phần rèn luyện, nâng cao phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận của giảng viên giảng dạy môn lý luận chính trị.

Các hoạt động giảng dạy có hiệu quả tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị phải được duy trì thường xuyên, nhất là chú trọng tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng, hiệu quả trong công tác giáo dục lý luận chính trị, đẩy mạnh phong trào thi đua, đưa hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đi vào nền nếp.

Các thầy cô giáo trong Ban Giám khảo cùng thảo luận, thống nhất ý kiến đánh giá về thí sinh

Các thầy cô giáo trong Ban Giám khảo cùng thảo luận, thống nhất ý kiến đánh giá về thí sinh

Hội thi cũng là dịp để các giảng viên giao lưu, học hỏi, rèn luyện, nâng cao và đổi mới phương pháp, kỹ năng, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy; cập nhật kiến thức theo quan điểm, tư duy của Đại hội lần thứ XII và của các Hội nghị Trung ương Đảng. Từ đó, Ban tuyên giáo các cấp cần chủ động tham mưu để lãnh đạo cấp uỷ đảng các cấp tiếp tục tăng cường đầu tư, hiện đại hoá trang thiết bị, nâng cao chất lượng giảng dạy tại trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố. Kết quả Hội thi không chỉ là cơ sở cho việc lựa chọn những giảng viên xuất sắc để tham gia Hội thi chung khảo toàn quốc mà còn là dịp để khẳng định thành tích, những kinh nghiệm trong tổ chức quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; động viên, biểu dương kịp thời phong trào thi đua của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Tham dự các buổi thao giảng trực tiếp tại Hội thi và là trưởng các đoàn đại biểu dẫn thí sinh đi tham dự Hội thi, các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy đã chia sẻ với mới của Hội thi

TS. Nguyễn Huỳnh Huyện, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Bình Định: Hội thi là sự cụ thể hóa thiết thực Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư

Qua theo dõi và nghe các bạn giảng viên dự thi, tôi thấy rằng thấy, chất lượng các giảng viên tham gia Hội thi khu vực Miền Trung - Tây Nguyên lần này nâng cao rõ rệt. Các thí sinh tham dự không những có sự am hiểu sâu kiến thức chính trị vào bài giảng, mà khả năng thuyết trình, tính sư phạm trong việc truyền đạt kiến thức lý luận chính trị một cách gần gũi, bảo đảm nội dung, mang tính chiến đấu, tính thực tiễn cao. Hầu hết các giảng viên dự thi có phong thái đĩnh đạt, thoát lý giáo án, có sự tương tác với người nghe, ứng dụng công nghệ trong bài giảng rất sinh động. Nhiều bài giảng được trình bày không những đủ nội dung, mang tính khoa học, mà còn truyền cảm hứng cho người nghe, làm cho người nghe bị lôi cuốn, bị xâm nhập các kiến thức chính trị, và hơn hết, người nghe đã tiếp nhận được những giá trị, niềm tin, lý tưởng, lập trường thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận, hình thành tính độc lập trong tư duy và sử dụng được lý luận, tri thức, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn giảng dạy lý luận chính trị.

Đồng chí Nguyễn Huỳnh Huyện

Đồng chí Nguyễn Huỳnh Huyện

Đối với đoàn của tỉnh Bình Định, chúng tôi tiếp thu rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm mà hội thi giảng viên lý luận chính trị khu vực Miền Trung -Tây Nguyên mang lại, đó là các kiến thức và phương pháp của các giảng viên diễn ra tại hội thi, qua nâng cao chất lượng giảng dạy môn lý luận chính trị trong tỉnh trong thời gian tới. Đây còn là dịp tìm tòi, tiếp thu sự sáng tạo về phương pháp, cách đổi mới về nội dung, tìm hiểu những thông tin quý, nhất là cách chắt lọc và truyền tải đến người nghe những kiến thức trong bài giảng; mà quan trọng hơn là khẳng định tính chiến đấu, tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, bồi đắp niềm tin khoa học vào nền tảng của Đảng, vào chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên Bình Định trong thời gian tới.

Tôi mong muốn rằng, nếu được, hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thi giảng viên lý luận giỏi, qua đó phát hiện và nhân rộng những giảng viên giỏi trong cả nước, tạo lan tỏa và động lực cho đội ngũ giảng viên tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện nâng cao tinh thần trách nhiệm cao, phát huy năng lực, trí tuệ, đóng góp nhiều tâm huyết, sâu sắc trong vận dụng thực tiễn của địa phương, có sự phong phú, đa dạng trong phong cách giảng dạy. Điều đó sẽ đã làm sâu sắc thêm việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9 tháng 2 năm 2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Đây cũng là bước cụ thể hóa nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên.

Đồng chí Đoàn Văn Kỳ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông: Hội thi có nhiều chuyển biến tích cực

Tôi thấy Hội thi lần này được tổ chức chặt chẽ, khách quan, công bằng đảm bảo theo đúng Quy chế . Hội thi năm nay so với năm 2014, có những chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện.

Trước hết, đó là sự cố gắng vượt bậc của các thí sinh. Các thí sinh đã chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng cho phần dự thi của mình, từ việc soạn giáo án, thao giảng, cập nhật kiến thức để trả lời câu hỏi. Chỉ trong vòng 25 phút, mỗi thí sinh phải làm thế nào để truyền tải hết nội dung bài giảng sao cho thật sinh động, hấp dẫn.

Đồng chí Đoàn Văn Kỳ

Đồng chí Đoàn Văn Kỳ

Đến với Hội thi, các thầy cô giáo đã làm cho những bài giảng về lý luận chính trị tưởng chừng như khô khan mà lại trở nên gần gũi, dễ hiểu. Tôi cho rằng, chính phương pháp và hệ thống lý luận thực tiễn, là cơ sở để thí sinh thành công trong bài giảng của mình.

Về phía Ban giám khảo, diễn ra ở 3 phòng thi, có sự  hoán đổi giữa các giám khảo, phản ánh khách quan trong vấn đề đánh giá kết quả, chất lượng của thí sinh trên bục giảng và các khâu theo quy định.

Về phía các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị cử người đi thi đã có sự quan tâm, động viên, cổ vũ đối với các thí sinh.

Vì vậy, Hội thi đã tạo ra sân chơi hết sức bổ ích cho sự giao lưu, học hỏi về chuyên môn giữa các tỉnh, thành và đơn vị với nhau, đặc biệt là khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Qua đó, khẳng định thêm một lần nữa việc hiện thực hóa Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9 tháng 02 năm 2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Thông qua Hội thi, chắc chắn, những giảng viên đi học hỏi kinh nghiệm và những giảng viên đứng trên bục giảng học  hỏi được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích. Từ đó, để tập trung đầu tư cho chuyên môn của mình, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hội thi đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên nhận thức về tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị trong bối cảnh hiện nay. Công tác giáo dục chính trị là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng và là một việc làm cần được thường xuyên. Cần xây dựng một đội ngũ giảng viên, giảng viên chuyên trách và kiêm chức có đầy đủ bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ gắn lý luận với thực tiễn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Trần Mộng Điệp, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa: Các thí sinh đã thể hiện được vai trò là giảng viên lý luận chính trị

Qua theo dõi Hội thi, tôi thấy thí sinh tham dự Hội thi khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2018 có mặt bằng chung cao hơn so với những kỳ thi trước. Điều quan trọng, các thí sinh đã thể hiện rõ ràng vai trò của mình là giảng viên lý luận chính trị, bám sát nội dung và mục tiêu của bài giảng.

Đồng chí Trần Mộng Điệp

Đồng chí Trần Mộng Điệp

Đối với mỗi bài giảng của mình, các thí sinh đã chọn và làm rõ được nội dung trọng tâm của các phần bài của mình chọn, kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa các phương pháp để truyền tải kiến thức, nội dung sâu sắc đến với người nghe. Từ đó, các học viên sẽ vận dụng kiến thức được học vào công tác của mình.

Thực tế cũng cho thấy rằng, giữa việc soạn giáo án và đưa bài giảng vào thực tiễn cần kết hợp giữa nhiều yếu tố của tâm lý, phương pháp sư phạm, khả năng thuyết trình… Đây là vấn đề mà không chỉ riêng các giảng viên ở tỉnh Khánh Hòa mà ở cả các tỉnh, thành phố khác cũng cần tiếp tục nghiên cứu sâu, học hỏi và nâng cao hơn nữa.

Tôi mong rằng, sau Hội thi cấp khu vực và chung khảo toàn quốc, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ có báo cáo đánh giá cụ thể những ưu điểm, nhược điểm trong công tác giảng dạy lý luận chính trị đối với mỗi giảng viên lý luận chính trị. Trên cơ sở đó, giúp cho các tỉnh, thành tiếp tục tiếp thu, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất