Chủ Nhật, 28/4/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 29/1/2020 10:44'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Giáo dục thông minh - điểm sáng trong ngành giáo dục và đào tạo

Các sản phẩm hỗ trợ phát triển kỹ năng học tập liên môn STEAM

Các sản phẩm hỗ trợ phát triển kỹ năng học tập liên môn STEAM

Năm 2019, ngành giáo dục và đào tạo TP đã gặt hái được nhiều thành quả nhất định trong công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ tương lai. Trong đó, Giáo dục thông minh (GDTM) là một điểm sáng, một mô hình giáo dục tiên tiến và hiện đại đang được TPHCM hướng đến khi nhận thấy đây là nhu cầu thiết yếu trong chiến lược phát triển TP trở thành một đô thị thông minh.

Trên nền tảng công nghệ, việc dạy và học trở nên hiệu quả hơn

Hiện mô hình GDTM vẫn đang bước đầu triển khai khắp các trường trên địa bàn TP. Nhiều trường đã và đang ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý. Một số trường như Trường THCS Đức Trí, THPT Việt Úc, THCS và THPT Đinh Thiện Lý… học sinh đã có thể tham gia học trực tuyến (online) theo các dự án giáo dục với cách tiếp cận dạy học qua lớp học ảo, tài liệu số, thời gian học tập, không gian học tập được mở rộng mọi lúc, mọi nơi. Qua internet, học sinh ở các nơi có thể trao đổi, chia sẻ với nhau, xóa nhòa cách biệt về địa lý, văn hóa.

Nhiều trường cũng sớm đưa vào các hoạt động dạy và học những nội dung, chuyên đề, ngoại khoá liên quan đến lĩnh vực tự động hóa ứng dụng như Trường THPT Trần Phú, THCS Võ Trường Toản (Quận 2); STEM, STEM robot, Trí tuệ nhân tạo - AI như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong,... Ngoài ra, các hoạt động dạy tích hợp liên môn, hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường cũng được đưa vào thực hiện với sự hỗ trợ của các phần mềm quản lý trực tuyến.

Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) hiện được ứng dụng rộng rãi trong công tác quản lí giáo dục, cụ thể như các phần mềm: Quản lý cơ sở dữ liệu học sinh, giáo viên; Quản lý chuyển trường và tiếp nhận học sinh; Quản lý công tác tài chính, tài sản; Quản lý Thư viện, Quản lý thi và các hoạt động chuyên môn; Hệ thống khảo sát, trắc nghiệm trực tuyến; Phần mềm xếp thời khóa biểu, sổ điểm, sổ liên lạc điện tử... Hệ thống tài nguyên số đang được ngành giáo dục tích cực xây dựng, trong đó có khai thác và sử dụng hiệu quả kho học liệu số, học liệu điện tử toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung, kho bài giảng e-learning,…

Với nền tảng công nghệ, từ việc quản lý giáo dục, quản trị nhà trường đến việc dạy và học đã trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn. Thầy cô giáo có các phương pháp giảng dạy thông minh, xây dựng nội dung dạy học, kế hoạch dạy học có khả năng thích ứng cao, đồng thời nắm bắt nhanh chóng năng lực học sinh, từ đó điều chỉnh về phương pháp giảng dạy phù hợp. Học sinh trong một môi trường giáo dục mở có thể tự học, tự nghiên cứu. Ngoài ra, các câu lạc bộ STEM đã góp phần đánh thức tiềm năng khoa học - kỹ thuật của học sinh, là sân chơi để các em thoả sức đam mê khoa học, công nghệ, kỹ thuật, phát triển năng khiếu.

Giáo viên, giảng viên đóng vai trò là người định hướng học tập cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng.Giáo viên, giảng viên đóng vai trò là người định hướng học tập cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng.

Phát triển đội ngũ nhân lực cho GDTM

Tuy nhiên, với một số các trường quận, huyện ngoại thành phần lớn hoạt động giáo dục vẫn dựa vào phương pháp học truyền thống do nhiều vấn đề, trong đó có thể kể đến kinh phí để thực hiện, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, nguồn nhân lực trong giáo dục, vấn đề gia đình và xã hội... Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục cũng như đi ngược lại với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ mà TP đang hướng tới.

Nhìn nhận những gì đã và đang làm được, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Sơn cho biết, trong nhiều năm qua, TP đã dành 25% vốn ngân sách để đảm bảo cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng hiệu quả cho việc đổi mới giáo dục. Cạnh đó, TP cũng khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển đội ngũ nhân lực cho GDTM thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong nước lẫn nước ngoài. GDTM cũng phần nào huy động được các nguồn lực xã hội, nhất là các điều kiện về công nghệ thông tin, qua đó nhận được sự cộng tác, hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp.

Theo ý kiến một số chuyên gia, TP trước hết cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT-TT hướng đến xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh tại Sở GD-ĐT TPHCM - Trung tâm điều hành được coi là não bộ của mô hình, góp phần hiện đại hoá, số hoá các tiện ích trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các tiện ích có hiệu quả ở mọi lúc mọi nơi để nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Cạnh đó, để đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả, giáo viên, giảng viên là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường học. Giáo viên, giảng viên đóng vai trò là người định hướng học tập cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng. Chính vì thế giáo viên, giảng viên cần phải tự tin và chủ động trong ứng dụng đa dạng các phần mềm, các thiết bị công nghệ thông minh trong giảng dạy để thiết kế bài giảng trực quan sinh động, thu hút khả năng ham học hỏi của học sinh, sinh viên. Đối mặt với những thay đổi từ thị trường lao động do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sinh viên tốt nghiệp trong tương lai cần được trang bị những năng lực và phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới.

Với những tiền đề và nội lực sẵn có của ngành giáo dục TP cùng với những nỗ lực trong việc xây dựng thành công Trung tâm điều hành GDTM, trường học thông minh, tiên tiến hiện đại nói riêng, xây dựng nền GDTM nói chung, trong tương lai, TPHCM được tin tưởng sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là một trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục lớn nhất cả nước, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đi đầu cả nước và trong khu vực.

Hương Thảo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất