Thứ Sáu, 17/5/2024
Xã hội
Thứ Năm, 27/4/2023 16:39'(GMT+7)

Trách nhiệm xã hội của thanh niên Việt Nam đối với Tổ quốc trong tình hình hiện nay

Trong xã hội hiện đại, trách nhiệm xã hội được coi là một yếu tố cấu thành quan trọng của đạo đức. Nó không chỉ là thước đo trình độ phát triển của nhận thức và văn hóa của mỗi người, mà còn là thước đo mức độ đóng góp và giá trị của cá nhân hay tập thể đối với xã hội. Ở Việt Nam, thanh niên là “lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực”[1], cho nên việc thực hiện trách nhiệm xã hội của thanh niên có vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc nghiên cứu về trách nhiệm xã hội của thanh niên, trong đó có trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc là một đòi hỏi thiết yếu để phát huy, nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội cho thanh niên Việt Nam hiện nay.

Thực trạng trách nhiệm xã hội của thanh niên Việt Nam đối với Tổ quốc hiện nay

Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, thanh niên cũng chứng tỏ được vai trò xung kích và là lực lượng rường cột trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu thực hiện thành công công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì trách nhiệm đối với Tổ quốc của thanh niên trước hết là phải “xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, phải là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, phải đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, thông qua rất nhiều các phong trào, chương trình hành động cụ thể, thanh niên Việt Nam đã phần nào thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể kể đến hàng loạt các phong trào như: “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”và Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, với sự triển khai đồng loạt của phong trào “Xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”; cùng với việc thực hiện các phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, cuộc thi “Tự hào Việt Nam”, phong trào "Thanh niên làm theo lời Bác, sống đẹp vì cộng đồng"; phong trào "Tỏa sáng nghị lực Việt”; phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”,… do Hội Liên Hiệp thanh niên Việt Nam phát động. Thông qua đó đã thể hiện được trách nhiệm của thanh niên Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước, trong các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; góp phần lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, lòng tự hào dân tộc góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao được ý thức nhận thức và trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được thực hiện hiệu quả với sự đóng góp rất lớn của lực lượng thanh niên như Làng thanh niên lập nghiệp; đề án Đảo Thanh niên; các Dự án thuộc các chương trình quốc gia (như chương trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm; Chương trình trồng mới 5 triệu héc ta rừng; Chương trình quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình bố trí, sắp xếp dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, vùng giáp biên…). Qua đây, thanh niên Việt Nam đã thể hiện được vai trò xung kích của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần củng cố quốc phòng an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình tại từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, kết quả thực hiện dự án xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2013 - 2020, đến nay đã triển khai 11/15 Làng Thanh niên lập nghiệp; trong đó, có 07 dự án tại 07 tỉnh hoàn thành và đi vào sử dụng[2]. Nhờ đó, rất nhiều thanh niên đã thể hiện được trách nhiệm của mình trong phát triển kinh tế hộ gia đình, làm giàu cho gia đình, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, làm giàu cho quê hương mình.

Các cấp bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh còn tích cực đảm nhận, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, huy động thanh niên góp sức trẻ và trách nhiệm của mình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2012-2017, phong trào “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế” và Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, đoàn viên, thanh niên cả nước đã tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; tham gia phát triển kinh tế; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống sinh hoạt nông thôn; tham gia xây dựng đời sống văn hóa với “hàng triệu ngày công tham gia xây dựng, sửa chữa hơn 31.500 km đường giao thông nông thôn, 61.999 km kênh mương nội đồng, 2.820 nhà văn hóa, 5.255 nhà nhân ái, nhà bán trú dân nuôi”[3]. Rất nhiều công trình, phần việc được thực hiện đã mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn minh, làm đẹp cảnh quan và bảo vệ môi trường cho địa phương.

Trách nhiệm xã hội của thanh niên đối với Tổ quốc còn thể hiện rõ nét thông qua việc nhiều người trẻ “sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu”, sẵn sàng “đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc” dưới nhiều hình thức khác nhau. Phần lớn thanh niên Việt Nam hiện nay ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, dân tộc, với công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia. Cùng với nhiều chương trình hành động, nhiều phong trào cụ thể như cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, với các hoạt động, như: “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, Xuân tình nguyện”, Góp đá xây Trường Sa”,“Xuân biên giới, Tết hải đảo”,... được triển khai ở khắp các cấp bộ Đoàn Thanh niên, một mặt, góp phần làm thay đổi ý thức, thái độ và nhận thức chính trị của thanh niên, nâng cao lòng yêu nước của thanh niên, mặt khác, cũng là sự thể hiện trách nhiệm của thanh niên Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, không ít bạn trẻ (nhất là trong lực lượng vũ trang) có trình độ học vấn cao luôn sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ nơi đầu sóng ngọn gió, địa đầu Tổ quốc, biên giới hải đảo, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Theo một khảo sát cho thấy, về ý thức bảo vệ Tổ quốc của thanh niên sinh viên Việt Nam, thì có tới 96,42% trả lời sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chỉ có 3,58% trả lời không; có 84,15% người thừa nhận rằng giới trẻ hiện nay có khát khao, trăn trở muốn đóng góp sức mình xây dựng đất nước; có 77,39% sinh viên trả lời sẵn sàng và nhiệt tình tham gia khi được yêu cầu tham gia các hoạt động xã hội ở nơi cư trú[4]. Điều đó chứng tỏ, phần lớn thanh niên Việt Nam hiện nay đã có ý thức, nhận thức tốt và sẵn sàng thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với Tổ quốc, với cộng đồng…

Bên cạnh những mặt tích cực của phần đa thanh niên Việt Nam trong thực hiện trách nhiệm xã hội đối với Tổ quốc, thì vẫn còn một bộ phận thanh niên chưa có trách nhiệm cao đối với Tổ quốc. Do chưa nhận thức được giá trị của lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nên một số thanh niên còn mơ hồ về trách nhiệm với quê hương, đất nước, họ chưa nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và chưa hiểu đúng, đầy đủ về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời đại mới

Lợi dụng lực lượng thanh niên là tầng lớp đang trưởng thành, chưa vững về lập trường chính trị và tư tưởng, nhận thức, dễ bị lung lay, dao động, nhiều thanh niên đã bị các thế lực phản động đã lôi kéo, dụ dỗ, kích động và trở thành những đối tượng chống phá Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh chính trị đất nước. Đã có những thanh niên là những trí thức có trình độ đã bị sự lôi kéo, mua chuộc tham gia vào các tổ chức phản động như “Việt Tân”, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều đại Việt”… để chống phá Nhà nước và chế độ, phản bội Tổ quốc. Bên cạnh đó, không ít những thanh niên là công nhân và lao động tự do chỉ vì sự thiếu hiểu biết đã dễ dàng bị kích động; hoặc số khác thì bị mua chuộc, dụ dỗ chỉ bằng một chút lợi nhuận, bằng vài trăm ngàn đã sẵn sàng tham gia biểu tình, bãi công, xuống đường, tụ tập trái phép… để phản đối, gây rối trật tự xã hội, phá hoại tài sản của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Chẳng hạn như thanh niên tham gia biểu tình, gây rối trong sự kiện biển Đông năm 2010, vụ Formosa, vụ Giàn khoan 981, vụ Đồng Tâm…

Cũng có một bộ phận thanh niên hiện nay do ảnh hưởng của lối sống hưởng thụ, quen đòi hỏi, yêu cầu mà quên đi, hoặc không quan tâm đến trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Họ quên mất rằng “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” như lời một bài hát đã nhắc nhở. Câu chuyện xung quanh cuộc chiến với Đại dịch Covid-19, với những trường hợp nhiều thanh niên được ở các khu cách ly tập trung miễn phí nhưng lại đòi hỏi được “ăn sung mặc sướng”, đòi hỏi được cung phụng, được ở nơi có điều kiện như khách sạn… Họ đã lên mạng xã hội để kêu ca, chửi bới, nói xấu chính quyền, bôi nhọ hình ảnh đất nước. Mà họ quên mất rằng, để họ được an toàn nơi cách ly ấy biết bao chiến sỹ, cán bộ và cả những sinh viên đã phải nhường chỗ ăn ở của mình, bao người đã phải xa gia đình, thức khuya dậy sớm để phục vụ họ, chăm lo đời sống cho hàng ngàn người trong thời gian bệnh dịch,… Chính vì lối sống, thói quen hưởng thụ, nên nhiều thanh niên đã coi việc đảm nhận những công việc khó khăn, gian khổ nơi vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, và những yêu cầu cấp bách đòi hỏi sự tham gia… là những việc của “ai đó”, hay là việc của chính quyền, của Nhà nước, của công an, bộ đội… chứ không phải là trách nhiệm của họ.

Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của thanh niên Việt Nam đối với Tổ quốc hiện nay

Thứ nhất, hoàn thiện và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về thanh niên trong đó có Luật Thanh niên - cơ sở để thanh niên thực hiện trách nhiệm xã hội đối với Tổ quốc. Tiếp tục hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, pháp luật cho thanh niên Việt Nam “lập thân, lập nghiệp”, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình; Hoàn thiện, quán triệt thực hiện tốt Luật Thanh niên;để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách phát triển thanh niên hiện nay cho phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của thời cuộc và biến động của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thế giới. Xây dựng cơ chế trọng dụng tài năng trẻ, tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên thực hiện trách nhiệm xã hội với Tổ quốc; có cơ chế, chính sách tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thanh niên có cơ hội học tập, nghiên cứu, “lập thân, lập nghiệp”, phát huy năng lực, sở trường của bản thân, có cơ hội thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Xây dựng cơ chế đặc thù riêng để tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích thanh niên tích cực tham gia làm kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội. Có cơ chế tạo điều kiện, khen thưởng xứng đáng, khuyến khích thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học, có những sản phẩm sáng chế, phát minh khoa học hữu ích, tạo cơ hội cho thanh niên đóng góp năng lực, tài năng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, xây dựng môi trường chính trị, giáo dục, văn hóa, xã hội lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên thực hiện, phát huy trách nhiệm xã hội với Tổ quốc. Trước hết, cần xây dựng môi trường chính trị trong sạch, phát huy vai trò “nêu gương” trong Đảng; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội đang bức xúc; công khai, minh bạch các vấn đề xã hội nổi cộm… cho thanh niên hiểu rõ, tránh hiện tượng hiểu sai và bị các thế lực thù địch xuyên tạc, dẫn dắt. Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa tiên tiến, văn minh; tăng cường công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, kế thừa có chọn lọc các giá trị, tinh hoa văn hóa nhân loại. Làm trong sạch môi trường “văn hóa mạng” và những văn hóa độc hại từ “mạng” làm ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống, niềm tin và nhận thức và việc thực hiện trách nhiệm xã hội của thanh niên hiện nay. Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường giáo dục công bằng, công khai, minh bạch; chống bệnh thành tích, bệnh hình thức, “thương mại hóa” trong giáo dục. Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, dân chủ, kích thích tư duy sáng tạo và phát huy năng lực làm việc cho thanh niên. Đây chính là những điều kiện quan trọng cho thanh niên “lập thân, lập nghiệp”, cống hiến hết mình, đem lại năng suất, hiệu quả, thành tích tốt trong công việc, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước. Đó chính là sự thể hiện trách nhiệm xã hội cao của thanh niên với Tổ quốc.

Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội cho thanh niên Việt Nam đối với Tổ quốc. Đây là giải pháp có tác động trực tiếp tới ý thức trách nhiệm xã hội của thanh niên. Vì vậy, cần nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục trong nhà trường nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội cho thanh niên, hình thành ý thức, nhận thức về trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ của thanh niên đối với Tổ quốc. Đề cao vai trò của gia đình trong việc hình thành ý thức về trách nhiệm, và nâng cao trách nhiệm xã hội cho con người nói chung và cho thanh niên nói riêng; góp phần hình thành, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm đối với cộng đồng, với làng xóm và với Tổ quốc. Nâng cao vai trò công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội cho thanh niên; vận động thanh niên nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, thực hiện trách nhiệm xã hội với Tổ quốc, nhà nước; giúp giáo dục, bồi dưỡng, khơi dậy và phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Phát huy vai trò, sức mạnh của truyền thông, hiệu ứng và dư luận xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của thanh niên đối với quốc gia, dân tộc, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thứ tư, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự rèn luyện trong thực hiện trách nhiệm đối với bản thân của thanh niên Việt Nam đối với Tổ quốc. Phát huy tính tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống trong thực hiện trách nhiệm đối với bản thân của thanh niên Việt Nam, đó là lòng yêu nước, tự hào dân tộc; sẵn sàng tình nguyện chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia; sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn, gian khổ khi Tổ quốc cần. Đồng thời, mỗi đoàn viên, thanh niên cần phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, tích cực chủ động tham gia các hoạt động vì lợi ích, cuộc sống cộng đồng với tinh thần tự nguyện cao. Duy trì các hoạt động này một cách thường xuyên để đảm bảo giúp đỡ, hỗ trợ một cách tốt nhất nhằm đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp khó khăn, hỗ trợ xây dựng các công trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa…

Có thể nói, những năm qua, thanh niên Việt Nam đã khẳng định được vai trò xung kích trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội nói chung và đối với Tổ quốc nói riêng. Những mặt tích cực về trách nhiệm xã hội của thanh niên Việt Nam đối với Tổ quốc đã mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng nói chung và cho mỗi cá nhân nói riêng. Tuy nhiên, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của thanh niên Việt Nam đối với Tổ quốc cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định. Để giải quyết được thực trạng này không phải là vấn đề đơn giản, đòi hỏi phải có sự quan tâm, phối hợp từ Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đến các tổ chức Đoàn, Hội, nhà trường và gia đình nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản mới có thể nâng cao trách nhiệm xã hội cho thanh niên Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng quyết định vẫn phụ thuộc vào chính sự nỗ lực, rèn luyện của chính bản thân mỗi thanh niên cả về ý thức, nhận thức và hành động để nâng cao trách nhiệm xã hội cho mình, nhằm thực hiện tốt trách nhiệm xã hội không chỉ đối với Tổ quốc mà còn đối với Nhà nước, xã hội, gia đình và chính bản thân mình.

Ngô Như Đức

Trường Đại học Giao thông vận tải

 



[1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2008), Nghị quyết số 25-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khoá X)về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày 25/7/2008, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/, Hà Nội.

[2] Lê Quốc Phong (2018), Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, http://tapchiqptd.vn/, truy cập ngày 13/3/2020.

[3] Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (2017), Toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ XI, https://thanhnien.vn/, ngày 8/10/2017.

[4] Phạm Minh Hạc, Thái Duy Tuyên (chủ biên) (2015), Định hướng giá trị con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.214-215.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất