Thứ Hai, 13/5/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Hai, 3/10/2022 10:9'(GMT+7)

Truyền thông đóng vai trò quan trọng để thực hiện hiệu quả các kế hoạch và giải pháp giảm thiểu TNGT

Một vụ tai nạn giao thông. Ảnh minh họa

Một vụ tai nạn giao thông. Ảnh minh họa

Sự vào cuộc của các cơ quan, đoàn thể trong công tác tuyên truyền về ATGT.

Công tác tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) là một trong những giải pháp cơ bản góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề an toàn giao thông. Hoạt động tuyên truyền ngày càng được đẩy mạnh cả về hình thức và nội dung, từ đó đã đem lại hiệu quả nhất định trong công tác bảo đảm ATGT; góp phần làm giảm tai nạn giao thông. Song, công tác phối hợp tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên và ngành Công an trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, chưa tập trung vào từng đối tượng, còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên mà chỉ làm vào các đợt cao điểm.

Trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp đã có nhiều chủ trương, kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo trật tự, ATGT và đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh những thành công đã đạt được, tình hình vi phạm trật tự, ATGT vẫn diễn ra phức tạp, TNGT vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, đến hết năm 2020, Việt Nam có 72,6 triệu xe máy và 4,65 triệu ô tô, trong đó Hà Nội chiếm hơn 7 triệu xe máy và hơn 47.000 xe ô tô. Chỉ tính riêng ở Hà Nội từ năm 2018 đến hết năm 2021, mỗi năm trung bình xảy ra hơn 1.100 vụ tai nạn làm chết hơn 460 người. Số người chết do TNGT đa số đang thuộc độ tuổi lao động, số còn lại chủ yếu ở tuổi vị thành niên.

Theo ông Trần Hữu Minh – Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, hậu quả của TNGT để lại rất lớn cho con người và xã hội. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, thiệt hại do TNGT tại Việt Nam, dao động từ 2 - 3% GDP cả nước. Nếu không quyết tâm kiềm chế TNGT, thành quả của sự nỗ lực phát triển sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng về phương tiện giao thông ở Việt Nam ngày một tăng nhanh, trung bình 1.000 người dân sở hữu 670 xe máy. Việc gia tăng phương tiện cá nhân là vấn đề đáng lo ngại. Người dân càng sử dụng phương tiện cá nhân nhiều, TNGT cũng sẽ tăng theo. Với mỗi giải pháp nâng cao an toàn giao thông hiệu quả, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp, kinh tế - xã hội có những bước tiến, phát triển nhanh chóng.

Vậy cho nên truyền thông đóng vai trò quan trọng để thực hiện hiệu quả các kế hoạch và giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông. Bên cạnh công tác tuyên truyền, sự vào cuộc của địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Nhiều địa phương vào cuộc quyết liệt, tình hình tai nạn giao thông cải thiện tốt và ngược lại, với các địa phương không quyết liệt, tình hình tai nạn giao thông diễn ra rất phức tạp.

TNGT là nỗi đau của toàn xã hội.

Là nỗi bất hạnh của gia đình khi không may có người thân bị TNGT; sự mất mác do TNGT không gì so sánh được. TNGT để lại hậu quả vô cùng khủng khiếp. Bởi đằng sau những mất mác đau thương ấy là không gì có thể bù đắp được, mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, có người thì nằm một chổ với đời sống thực vật luôn có người thân chăm sóc, những số phận, những mảnh đời nghiệt ngã, không ít những hoàn cảnh gia đình vì TNGT mà đổ vỡ. Thiệt hại do TNGT gây ra là một thảm họa và không gì so sánh được.

Những tồn tại trên là do công tác quản lý Nhà nước trong chỉ đạo và điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên, liên tục. Công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chỉ tập trung ở một số địa bàn, một số nhóm đối tượng, trên các tuyến đường trọng điểm, trong thời gian cao điểm, chưa bảo đảm thường xuyên, liên tục trên các địa bàn, ở các địa phương; tình trạng phương tiện chở quá tải trọng vẫn xảy ra, nhưng nguyên nhân chính vẫn là ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế.

Các hành vi vi phạm như đi không đúng phần đường, làn đường; điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép; sang đường không đúng quy định; người điều khiển xe môtô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá quy định, không đội mũ bảo hiểm; học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe môtô, xe gắn máy; lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ … còn xảy ra thường xuyên, phổ biến. Những vi phạm này là nguyên nhân chính gây TNGT và là nguy cơ làm gia tăng TNGT như hiện nay.

Những năm qua, công tác thông tin tuyên truyền về ATGT được quan tâm. Có thể nói, chưa bao giờ các phương tiện truyền thông đại chúng lại dành nhiều thời lượng tuyên truyền về an toàn giao thông như thời gian qua. Báo Đồng Khởi, Đài phát thanh - truyền hình, Đài truyền thanh ở các địa phương đều mở các chuyên mục về ATGT và đã được tuyên truyền đến tận tổ nhân dân tự quản.

Mặc dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, tuy nhiên, một số ngành, địa phương công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT chưa duy trì thường xuyên mà chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm.… Nhiều cơ quan báo đài chỉ tập trung đưa tin về các vụ TNGT mà chưa có những bài phản ánh, phân tích chuyên sâu về nguyên nhân, phân tích đa chiều, hay ý thức người tham gia giao thông… để từ đó cảnh tỉnh cho người tham gia giao thông.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc giảm TNGT. Song, để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền thì công tác tuyên truyền cần được đổi mới hơn nữa. Đơn cử, từng địa phương, mỗi ngành cũng cần có nội dung và phương pháp tuyên truyền khác nhau, không nên rập khuôn máy móc. Chẳng hạn, nên biên soạn sổ tay nhỏ gọn, cẩm nang, tờ rơi để người dân có thể đọc khi có thời gian và ở mọi lúc mọi nơi; nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu. Có như vậy mới đạt hiệu quả trong việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giúp họ tự bảo vệ mình và người khác.

Tuyên truyền để người dân hiểu luật khi tham gia giao thông. Ảnh: Trần Dũng  
Ảnh minh họa.

Để công tác tuyên truyền về ATGT có hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào giảm TNGT, được người tham gia giao thông, người dân hưởng ứng một cách tích cực, từ đó tham gia giao thông có ý thức thì công tác tuyền truyền về ATGT cần được đổi mới hơn nữa.

Tuyên truyền về ATGT trước hết phải dễ hiểu, dễ nhớ, sát với người dân. Các hình thức, loại hình tuyên truyền cần cụ thể, sâu sắc về nội dung, sinh động hấp dẫn trong cách thể hiện nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông cho mọi đối tượng.

Công tác tuyên truyền cần thống nhất từ trên xuống, không để mỗi nơi, mỗi địa phương có một cách làm khác nhau. Hoạt động tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, tránh tình trạng có nơi, có ngành chỉ làm vào những dịp cao điểm mà chưa có sự chủ động. Như tuyên truyền lưu động có thể đến được nhiều nơi, kể cả vùng sâu, vùng xa.

Công tác tuyên truyền lưu động về ATGT cần gắn với tuyên truyền thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Vì vậy, cách thức tuyên truyền lưu động nhất thiết phải phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, tuyên truyền ở mỗi nơi mỗi khác cho phù hợp.

Khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật về giao thông, ngoài việc tuyên truyền những quy định của pháp luật, cần tuyên truyền quy định về xử phạt, mức phạt đối với từng hành vi vi phạm. Các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục về trật tự ATGT giúp người dân nhận thức được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với công tác bảo đảm ATGT.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo đài cần tránh tình trạng chỉ đưa thông tin một chiều mà cần có tin, bài, phóng sự phản ánh gương “người tốt, việc tốt”, những kiến nghị, giải pháp … và cả phản ánh những tiêu cực trong việc thực thi công vụ của lực lượng chức năng trong việc chấp hành pháp luật về ATGT.

Sử dụng một cách hiệu quả, phát huy tối đa sức mạnh của mạng lưới truyền thông nhằm chuyển tải một cách trực quan sinh động dễ hiểu các thông tin, thông điệp kiến thức vềATGT đến cộng đồng; huy động các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền pháp luật bảo đảm ATGT; tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở, các khu công nghiệp...

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống uống rượu bia đối với lái xe; tuân thủ quy định tốc độ; đội mũ bảo hiểm; quy tắc an toàn khi tham gia giao thông …Nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT trong trường học; giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông.

Để công tác tuyên truyền có hiệu quả cần bóc tách đối tượng tuyên truyền để việc thay đổi nhận thức được hiệu quả hơn. Lựa chọn truyền thông với thói quen tiếp cận, có sự tương tác cao nhất đối với đối tượng truyền thông. Bên cạnh đó cần phân tích hành vi để có thể đưa ra những mức phạt phù hợp, phương thức tuyên truyền phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, cần phải huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, không ngừng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, nhằm kiềm chế, giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông, bảo đảm ATGT./.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, an toàn giao thông đường bộ đang là một vấn đề y tế cộng đồng bởi tai nạn giao thông hiện đứng thứ 8 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người thuộc mọi lứa tuổi; đứng thứ nhất trong các nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em và thanh niên từ 5-29 tuổi.

Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở các nước thu nhập thấp cao gấp 3 lần so với ở các nước có thu nhập cao và có tới hơn một nửa số nạn nhân do tai nạn giao thông là nhóm người yếu thế khi tham gia giao thông. 

Quang Tùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất