Thứ Năm, 9/5/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 4/12/2020 18:14'(GMT+7)

Xây dựng Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030

Đây là thông tin tại buổi làm việc chiều 4/12 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Y tế và đại diện một số tổ chức quốc tế nghe báo cáo một số nội dung quan trọng trong Dự thảo Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Những năm qua, việc thực hiện Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2011-2020 đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Các can thiệp giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam đạt được hiệu quả bền vững. Chiều cao đạt được của nam thanh niên Việt Nam hiện nay là 1,68m, vượt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là 1,67m.

Tuy vậy, vấn đề suy dinh dưỡng dai dẳng vẫn tồn tại ở Việt Nam, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng hay xảy ra thiên tai... Bên cạnh đó đã có xu hướng gia tăng bệnh thừa cân, béo phì ở trẻ em nhiều đô thị, các bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch và chuyển hoá. Do vậy, cùng với nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, cần phòng ngừa, ngăn chặn gia tăng của bệnh thừa cân béo phì.

Theo Viện Dinh dưỡng, hiện suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em Việt Nam là 12.2%; thể thấp còi là 22.4%, thừa cân béo phì là 9,7%.

Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, hàng năm Bộ Y tế đã phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề dinh dưỡng. Năm 2020, chủ đề của Tuần lễ Dinh dưỡng “Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững”. Chiến dịch tập trung đẩy mạnh phát triển vườn ao chuồng để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, sạch, an toàn cho bữa ăn gia đình; sử dụng đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, ăn đủ nhu cầu theo từng lứa tuổi; tăng cường ăn rau, củ, trái cây, các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng. Chiến dịch cũng kêu gọi thực hiện nuôi dưỡng hợp lý trong 1000 ngày đầu đời của trẻ để giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành; thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì, các bệnh mạn tính không lây; kêu gọi toàn dân thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, góp phần phòng chống dịch bệnh.

Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030 phải đặt ra những mục tiêu cao hơn, mạnh mẽ hơn.

Việc cải thiện chế độ dinh dưỡng cần kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp khác như nước sạch, vệ sinh môi trường, chất lượng không khí… Đối với khu vực nông thôn, miền núi cần có những cách làm mới đảm bảo cho trẻ em được hưởng chế độ chăm sóc, ăn uống đầy đủ, phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương.

Chiến lược dinh dưỡng trong giai đoạn mới, cùng với nguồn lực của nhà nước cần có giải pháp cụ thể để huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội với sự điều phối chung của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cần khẩn trương triển khai Chương trình sức khoẻ Việt Nam với 3 mục tiêu cụ thể là:

  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân;
  • Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng;
  • Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. 

Vấn đề dinh dưỡng học đường cũng cần được coi trọng đặc biệt với thay đổi về cách tiếp cận. Các trường học không chỉ cung cấp bữa ăn hay triển khai chương trình sữa học đường mà cần tăng cường giáo dục, cung cấp kiến thức về dinh dưỡng cho phụ huynh, các thầy cô giáo và học sinh, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Phong Duy

 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất